- Nokia N1 và sự trở lại của Nokia: Thiên thần hay ác quỷ?
- Liên tục giảm giá sốc, BlackBerry đang tự giết chết chính mình?
- Ấn tượng với bản thiết kế 'trong mơ' của HTC One (M9)
- Cận cảnh HTC Desire Eye: Thiết kế trẻ trung, camera siêu khủng
Thời gian gần đây, chúng ta vừa được chứng kiến sự ra mắt của chiếc máy tính bảng Android đến từ Nokia với tên gọi N1. Nhiều tín đồ công nghệ cho rằng, N1 sẽ đánh dấu cho sự hồi sinh của Nokia. Thế nhưng, điều đó cũng không thể thay đổi sự thật rằng Nokia đã là một phần của Microsoft. Vậy còn hai ông lớn BlackBerry và HTC thì sao? Liệu cả hai hãng sản xuất thiết bị di động này có đi vào vết xe đổ của Nokia?
Microsoft Lumia 535 chính thức đặt dấu chấm hết cho thương hiệu Nokia Lumia. Ảnh: The Verge
Sự sụp đổ của Nokia là minh chứng của việc bảo thủ
Có lẽ năm nay là năm đáng buồn nhất đối với các fan của Nokia khi thương hiệu Nokia Lumia của hãng đã chính thức được thay thế bằng Microsoft Lumia. Điển hình là sản phẩm Microsoft Lumia 535 vừa được ra mắt. Sự sụp đổ của “đế chế Nokia” thực tế không phải là một sự kiện quá bất ngờ bởi những bước đi của hãng đã để lại nhiều sai lầm lớn.
Cụ thể, trong khi các hãng khác đang thi nhau đuổi theo miếng mồi béo bở mang tên Android thì Nokia vẫn trung thành với hệ điều hành Symbian vốn đã lỗi thời. Cho đến khi Samsung đạt được những thành công nhất định thì Nokia mới bắt đầu chuyển sang hệ điều hành Windows Phone. Hơn thế nữa, nền tảng Windows Phone mà Microsoft xây dựng chưa thực sự hấp dẫn được người dùng bởi khả năng tương tác của nó không tương đồng với sự đơn giản của giao diện, nếu không muốn nói là đem lại khá nhiều phiền toái cho người dùng cơ bản.
BlackBerry Passport tạo nên cơn hút trên thị trường nhưng vẫn chưa đủ. Ảnh: Hạo Nhiên
BlackBerry hiện tại như thế nào?
Nokia sau một thời gian bám trụ vào Windows Phone đã phải trả giá đắt với việc bán mình cho Microsoft. Trong khi đó, BlackBerry đã tự mình gây dựng nên hệ điều hành mới từ smartphone đến tablet. Những cố gắng tưởng chừng rất tích cực đó vẫn không đủ để gây ấn tượng với người dùng. Bởi trên thực tế, hệ điều hành của BlackBerry tuy thông minh và đơn giản nhưng lại khó làm quen, thiếu vắng sự có mặt của các ứng dụng phổ biến hoặc bản thân các ứng dụng chưa thực sự tốt. Vì lẽ đó mà BlackBerry 10 vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu của đa số người dùng.
Thời gian gần đây đã xuất hiện nhiều tin đồn cho rằng BlackBerry sẽ tiếp bước Nokia mà bán đi thương hiệu của mình. Tuy nhiên, có lẽ những tin đồn này sẽ khó có thể trở thành hiện thực bởi BlackBerry đang có dấu hiệu hồi sinh mạnh mẽ. Kể từ khi C.E.O John S.Chen lên nắm quyền, vấn đề tài chính của BlackBerry đã được cải thiện rất nhiều.
Hơn nữa, việc 200,000 chiếc BlackBerry Passport được đặt hàng chỉ sau hai ngày hãng cho phép đặt hàng đã thể hiện sự quan tâm trở lại của người dùng đối với thương hiệu này.
Camera UltraPixel chỉ có độ phân giải 4 megapixel chưa đủ để người dùng chú ý đến HTC. Ảnh: Internet
HTC và những vấn đề nan giải?
Khác với BlackBerry và Nokia, HTC chọn Android làm điểm đến của mình và thậm chí còn là người tiên phong trong hệ điều hành này. Tuy là vậy nhưng sau một thời gian, HTC càng ngày càng “hụt hơi” so với các nhà sản xuất thiết bị chạy Android khác như LG, Samsung, Xiaomi…
Thực tế, các sản phẩm của HTC đang gặp rắc rối khi tiếp cận với người dùng bởi những lí do như giá thành khi vừa ra mắt khá “chát” nhưng chẳng bao lâu sau đã “giảm không phanh”, các thiết bị của hãng cũng không có nhiều điểm khác biệt so với mặt bằng chung,... Chính vì thế mà các flag-ship tiêu biểu của hãng dù sở hữu thiết kế đẹp và sang trọng, cấu hình cao nhưng vẫn không thể gây ấn tượng với đại đa số người dùng.
Bên cạnh vấn đề giá cả, HTC còn gặp vấn đề với việc tiếp cận người dùng cơ bản. Một ví dụ điển hình chính là ở camera. Mặc dù công nghệ camera độc quyền UltraPixel trên các thiết bị như One M7, M8… là một trong những điểm nhấn của sản phẩm. Song cũng chính thế mạnh ấy đã trở thành điểm bất lợi khi hãng giới thiệu với người dùng cơ bản bởi vì nó chỉ hiện hữu trên các camera có độ phân giải 4 megapixel. Và trên thực tế, bản thân họ cũng chẳng thật sự quan tâm UltraPixel là gì. Người dùng chỉ quan tâm đến việc bỏ tiền túi ra và xem mình nhận được gì từ sản phẩm mà họ muốn sở hữu.
Chính về thế, trong khi các đối thủ khác sở hữu camera độ phân giải cao thì HTC chỉ dậm chân ở 4 megapixel. Mặc dù không đánh giá camera trên HTC là tệ nhưng cái người dùng cần có lẽ không phải là công nghệ độc quyền mà lại là ở độ phân giải camera.
BlackBerry và HTC vẫn còn nhiều thứ phải làm với các sản phẩm của mình. Ảnh: The Verge
Trong tương lai, liệu BlackBerry và HTC có giống Nokia hay không?
Là hai hãng chịu nhiều thua lỗ và phải đối mặt với vấn đề tài chính, thế nhưng cả BlackBerry và HTC đều đang có những dấu hiệu hồi sinh tích cực nhờ vào việc thay đổi kịp lúc hoặc phát huy tiếp những truyền thống vốn có. Tuy nhiên, thương trường vốn chẳng khác gì chiến trường, chúng ta không thể nói trước được điều gì. Thế nhưng ở thời điểm hiện tại, người dùng trung thành của HTC và BlackBerry hoàn toàn có thể vui mừng trước sự cải thiện lạc quan về vấn đề tài chính gần đây của hai hãng.
Mặc dù vậy, dấu hiệu tích cực này không đủ để chứng minh BlackBerry và HTC đã thoát khỏi bờ vực thua lỗ bởi những cố gắng của cả hai hãng vẫn chưa thật sự thuyết phục. Cái họ cần chính là các thiết bị chủ lực có thể cạnh tranh được với Apple, Samsung, LG… và để làm được điều này thì BlackBerry và HTC cần giải quyết được rất nhiều vấn đề nan giải khác mà cả hai đang vướng phải.