Doanh nghiệp

Những tập đoàn công nghệ đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam

Những tập đoàn công nghệ đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam

Trung Quốc, quốc gia đông dân nhất thế giới, đồng thời cũng là nơi đặt rất nhiều các nhà máy sản xuất linh kiện và lắp ráp các thiết bị điện tử trong suốt những năm qua. Với nguồn nhân lực dồi dào, nhân công rẻ, các hãng điện tử danh tiếng hàng đầu thế giới đều đặt nhà máy tại đất nước hơn 1 tỷ dân này. Tuy nhiên có vẻ như mọi việc đang có chiều hướng thay đổi và có lợi cho Việt Nam khi mà các ông lớn nhắm đến nước ta như một sự đầu tư lâu dài trong tương lai.

Việt Nam sớm trở thành công xưởng thế giới

Lao động ở Việt Nam dồi dào, có kỹ năng và chi phí thấp được xem là lý do quan trọng cho sự lựa chọn của các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới.

Một điểm quan trọng đó là các công xưởng tại Trung Quốc đang gặp phải rất nhiều vấn đề liên quan đến việc quản lý, tiền lương, ngược đãi và liên tiếp nổ ra những cuộc đình công. Theo tính toán của các chuyên gia phân tích, các cuộc đình công có ảnh hưởng rất lớn đến năng suất và doanh thu của công ty chủ quản. Bởi vậy, các tập đoàn, công ty công nghệ lớn muốn tìm kiếm một thị trường ổn định hơn đảm bảo trong kế hoạch lâu dài của họ, trong đó có Việt Nam. Dưới đây là 4 tập đoàn, công ty có sức đầu tư mạnh mẽ nhất vào thị trường nước ta.

Samsung

Samsung đang có lộ trình biến Việt Nam thành “cứ điểm sản xuất toàn cầu” lớn nhất thế giới của tập đoàn này. Với việc đưa vào hoạt động nhà máy Samsung tại Thái Nguyên, ông lớn Hàn Quốc đang dần khẳng định điều đó. Mới đây tập đoàn này đã đề xuất với các cơ quan chức năng dự án xây dựng nhà máy sản xuất màn hình có độ phân giải cao, với vốn đầu tư lên đến 1 tỷ USD.

Intel

Intel cũng tuyên bố Việt Nam là một trong những cứ điểm sản xuất quan trọng. 80% bộ vi xử lý Haswell thế hệ thứ 4 của Intel sẽ được sản xuất tại nhà máy ở TPHCM. Để đạt được điều này, nhà máy ở Việt Nam sẽ phải nhập 230 máy và thiết bị chuyên dùng từ các nhà máy của Intel ở Malaysia và Costa Rica. Tổng vốn đầu tư vào nhà máy TPHCM lên tới 1 tỷ USD. Đây cũng là dự án lớn nhất của Mỹ vào Việt NAM

Microsoft

Microsoft có kế hoạch dịch chuyển dây chuyền sản xuất điện thoại di động thông minh Nokia ở Trung Quốc, Hungary và Mexico về Việt Nam, và nhà máy Nokia ở Bắc Ninh sẽ trở thành địa điểm sản xuất chính của Nokia trên toàn cầu. Nhà máy Nokia Việt Nam có tổng vốn đầu tư 302 triệu USD và trong những năm tới Microsoft sẽ tiếp tục chi đậm vào nhà máy này khi mà mảng thiết bị của công ty Phần Lan đã chính thức thuộc về họ trong đầu năm nay.

LG Electronics

LG Electronics cũng chuẩn bị đưa tổ hợp sản xuất các sản phẩm điện tử, điện gia dụng tại khu công nghiệp Tràng Duệ, Hải Phòng vào hoạt động. Ban đầu, tổ hợp này chỉ được đầu tư 300 triệu đô la Mỹ, nhưng sau đó LG đã quyết định tăng lên 1,5 tỉ đô la Mỹ để đưa tổ hợp sản xuất ở Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất quan trọng. Cũng giống như Intel và Samsung, dự kiến toàn bộ sản phẩm của LG từ đây là để xuất khẩu.

Một điểm dễ nhận thấy nhất ở 4 tập đoàn kể trên đó là họ chuyên về sản xuất các thiết bị công nghệ cao, một ngành công nghiệp đang rất phát triển. Với nguồn lực dồi dào, họ tin rằng Việt Nam sẽ là một trong những hướng đi mới, một cứ điểm sản xuất trọng điểm đồng thời gạt bỏ đi sự lệ thuộc vào Trung Quốc. Tương lai về các sản phẩm Made in Viet Nam cũng không còn quá xa.

 

Top 10 công ty công nghệ có giá trị thị trường cao nhất

(Techz.vn) Trong những năm đầu thế kỷ 21, chúng ta đã chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ của các công ty công nghệ trên toàn thế giới. Trong bài viết này, Techz gửi đến bạn đọc 10 công ty công nghệ đang “làm mưa làm gió” trên các bảng xếp hạng kinh tế.