Doanh nghiệp

Những ông lớn của ngành PC đang làm gì để chống lại sự sụp đổ ?

Những ông lớn của ngành PC đang làm gì để chống lại sự sụp đổ ?

Nhưng có một điểm chung rút ra được từ bài học chiến lược của 3 nhà sản xuất máy tính hàng đầu và có vẻ như khá quen thuộc với các doanh nghiệp Việt trong năm vừa qua. Thứ nhất là trở thành những cỗ máy thâu tóm sẽ giúp tăng cường sức mạnh cạnh tranh một cách nhanh chóng và mạnh mẽ thay vì tự làm. Hai là rút khỏi thị trường đúng lúc và cố gắng chuyên môn hóa trong một lĩnh vực truyền thống có vẻ như sẽ mang lại hiệu quả cao.


 

Dell đang thỏa thuận với 2 quỹ đầu tư vào các doanh nghiệp chưa niêm yết về việc mua lại cổ phần. Điều này đồng nghĩa với việc Dell có thể sẽ rời khỏi sàn chứng khoán Nasdaq trong nay mai.

 

Michael Dell, người sáng lập và cũng là Tổng Giám đốc của Dell, đã để ngỏ khả năng này từ năm 2010. Nhưng một năm sau đó, kế hoạch này dần lãng quên khi giám đốc tài chính của Dell lên tiếng phủ nhận.

Và chỉ mới gần đây, mọi chuyện bắt đầu nóng lên khi giá cổ phiếu Dell đã giảm quá sâu (hơn 30% so với năm ngoái). Thêm vào đó là sự yếu kém trong hoạt động kinh doanh khi sản lượng máy tính cá nhân bán ra toàn cầu năm 2012 đã giảm 12,3% so với năm ngoái, theo số liệu của Gartner, một công ty tư vấn ở Mỹ.

Cần phải nhắc lại rằng mô hình sản xuất và bán lẻ máy tính của Dell một thời được coi là hình mẫu đáng học hỏi. Hoạt động theo mô hình kinh doanh trực tiếp, sản phẩm được tùy biến với mức giá thấp, dịch vụ bán hàng và hậu mãi hoàn hảo. Với tiêu chí nhanh chóng đến tay người tiêu dùng và hàng tồn kho thấp, Dell dần trở thành nhà sản xuất và phân phối máy tính cá nhân hàng đầu.

Câu chuyện này một lần nữa khơi dậy mối lo ngại về sự sụp đổ của ngành công nghiệp máy tính cá nhân trước sự tấn công ồ ạt của các thiết bị di động cầm tay, bao gồm cả điện thoại và máy tính bảng. Doanh thu máy tính cá nhân toàn cầu ngày càng giảm.

Biểu đồ sản lượng máy tính bán ra của các hãng lớn

Trở lại điều hành vào năm 2007, nhìn thấy trước xu hướng này và sau nhiều nỗ lực chiếm lại thị phần không thành công trước các đối thủ nặng ký, Michael Dell đã quyết định thay đổi hoạt động sang một hướng mới. Theo đó, Dell chuyển dần hoạt động từ nhà cung cấp thiết bị máy tính cá nhân/máy chủ sang nhà cung cấp dịch vụ và giải pháp hoàn chỉnh cho doanh nghiệp như lưu trữ, hệ thống mạng, an ninh, phần mềm..

Để thực hiện chiến lược này, năm 2009, Dell mua lại Perot Systems hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ với giá 3,9 tỉ USD. Dell còn bỏ hàng tỉ USD vào những công ty nhỏ tạo ra những sản phẩm như công nghệ lưu trữ hay phần mềm bảo mật. Tháng 7.2012, Dell còn thâu tóm Quest Software, một công ty sản xuất phần mềm cho trung tâm dữ liệu.

Mặc dù vậy, Dell vẫn tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh cũ. Doanh thu cả hai hoạt động là gần tương đương nhau (sản xuất phân phối chiếm 45% và dịch vụ chiếm 55%).

Nếu như Dell điển hình cho việc đa dạng hóa hoạt động nhằm tránh sự đi xuống của thị trường thì IBM lại có hướng xử lý ngược lại. Năm 2005, IBM, một hãng sản xuất và phân phối máy tính lớn ở Mỹ với thương hiệu toàn cầu khi đó, đã quyết tâm rời khỏi ngành công nghiệp sản xuất máy tính cá nhân (lúc này vẫn còn đang ở đỉnh cao) bằng cách bán lại bộ phận sản xuất máy tính của mình cho Lenovo để từ đó tập trung riêng vào hoạt động cung cấp dịch vụ.

Giống như Dell, Lenovo cũng thâu tóm các doanh nghiệp khác để mở rộng hoạt động kinh doanh. Nhưng điểm khác biệt ở đây là Lenovo lên kế hoạch từ rất sớm và tập trung duy nhất vào mảng máy tính cá nhân, trong đó nhấn mạnh vào mảng máy tính dành cho doanh nghiệp.

Năm 2011, Lenovo hoàn thành tiếp 2 thương vụ. Một là mua lại Medion, hãng điện tử ở châu Âu, với giá 738 triệu USD, và tăng gấp đôi thị phần trên thị trường máy tính cá nhân ở Đức. Thương vụ thứ hai là mua lại Lenchi 450 triệu USD để thành lập liên doanh với NEC và trở thành công ty máy tính cá nhân lớn nhất của Nhật. Đến năm ngoái, Lenovo tiếp tục chi 148 triệu USD mua CCE, công ty máy tính lớn nhất Brazil. Đồng thời mở thêm nhà máy ở nhiều thị trường, bao gồm cả Mỹ.

Kết quả cho cả quá trình này là thị phần toàn cầu của Lenovo đã tăng từ mức 7% năm 2009 lên con số gần 16% vào năm 2012, theo The Economist. Trong quý III/2012, Lenovo đã đánh bật HP và chiếm ngôi vị số một trong thị trường sản xuất máy tính cá nhân.

Câu chuyện về bộ ba IBM, Dell và Lenovo ghi nhận lại thời điểm thoát ra và gia nhập thị trường máy tính cá nhân một cách rõ nét. Nếu như Dell còn băn khoăn lưỡng lự giữa đôi đường hoạt động thì Lenovo lại thể hiện rõ sự quyết tâm với thị trường này đúng lúc IBM kiên quyết dứt áo ra đi.

Vấn đề ở đây là trong một chu kỳ tăng trưởng của ngành công nghiệp máy tính cá nhân đang đi xuống, Dell và Lenovo sẽ còn trụ được bao lâu, hay sẽ phải thoát ra như IBM?

Dell hiện đang chịu cả sự tấn công từ 2 phía bởi những ông lớn giàu truyền thống. Đó là Lenovo, HP, Asus, Acer trong mảng sản xuất hay IBM hay Oracle trong mảng dịch vụ. Có thể đó cũng là lý do khiến Dell cân nhắc việc hủy niêm yết để tránh mọi con mắt dồn vào khi thực hiện kế hoạch thay đổi và cải tổ.

Còn Lenovo thì đang đối mặt với chi phí mở rộng thị trường ngày càng gia tăng mạnh mẽ. Mặc dù vậy, một lợi điểm mà Lenovo có được là sự hậu thuẫn của thị trường trong nước, vốn chiếm đến 45% doanh thu.

Kết quả vẫn còn nằm ở tương lai. Như chính ông Yang Yuanquin, Giám đốc Điều hành của Lenovo, thừa nhận rằng lợi nhuận của Lenovo là nằm ở dài hạn. Mặc dù có sự xâm chiếm mạnh mẽ từ các thế lực thiết bị di động khác, ông Yang vẫn đặt niềm tin vào các mảng máy tính cá nhân, vốn chiếm 85% doanh thu của Lenovo, theo The Economist.

Để tạo yếu tố mới thúc đẩy tăng trưởng trong chu kỳ đi xuống, Lenovo sẽ phải tạo ra sự khác biệt mới thay vì dựa vào các sản phẩm truyền thống. Hiện nay, Lenovo cũng đang bắt đầu sản xuất các loại thiết bị di động, bao gồm cả điện thoại và máy tính bảng. Tất nhiên, Lenovo bao giờ cũng thử nghiệm đầu tiên ở thị trường Trung Quốc. Và giải pháp đó có thể là một đám mây dịch vụ kết nối với các thiết bị di động và máy tính cá nhân, như ông Yang đề xuất.

Nhưng có một điểm chung rút ra được từ bài học chiến lược của 3 nhà sản xuất máy tính hàng đầu và có vẻ như khá quen thuộc với các doanh nghiệp Việt trong năm vừa qua. Thứ nhất là trở thành những cỗ máy thâu tóm sẽ giúp tăng cường sức mạnh cạnh tranh một cách nhanh chóng và mạnh mẽ thay vì tự làm. Hai là rút khỏi thị trường đúng lúc và cố gắng chuyên môn hóa trong một lĩnh vực truyền thống có vẻ như sẽ mang lại hiệu quả cao.