Doanh nghiệp

Những người đàn ông quyền lực bậc nhất làng công nghệ Việt Nam

Trương Gia Bình

Trương Gia Bình có lẽ là tên tuổi đã quá quen thuộc đối với những người yêu công nghệ tại Việt Nam. Ông chính là thành viên sáng lập của Tập đoàn FPT – một trong những tên tuổi hàng đầu trên thị trường công nghệ Việt.

Sinh năm 1956 tại Nghệ An, Trương Gia Bình sở hữu hai bằng phó giáo sư, tiến sĩ. Ông từng là trưởng khoa Quản trị kinh doanh của trường Đại học Quốc Gia Hà Nội. Bên cạnh việc giữ chức vụ chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn FPT, hiện ông còn nắm vai trò chủ tịch Hội đồng quản trị đại học FPT, chủ tịch Hiệp hội phần mềm Việt Nam.

Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn FPT. (Ảnh: Internet)

Ông Bình hiện nắm hơn 15,6 triệu cổ phiếu FPT, tương đương 7,24% cổ phần, trị giá hơn 770 tỷ đồng. Với khối tài sản khổng lồ này, ông Bình hiện đang là người giàu nhất của tập đoàn FPT và đứng trong top 20 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán.

Nguyễn Tử Quảng

Nguyễn Tử Quảng sinh tại xã Ninh Nhất huyện Hoa Lư, nay xã này thuộc thành phố Ninh Bình tỉnh Ninh Bình. Ông theo học khối phổ thông chuyên toán trường Đại học Sư phạm Hà Nội và sau đó trở thành sinh viên Khoa Công nghệ Thông tin trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

CEO Bkav - ông Nguyễn Tử Quảng và một sản phẩm thuộc hệ thống nhà thông minh SmartHome. (Ảnh: Internet)

Năm 1995, Nguyễn Tử Quảng, khi đó đang là sinh viên năm ba Khoa công nghệ thông tin, trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã bắt đầu viết ra phiên bản đầu tiên của phần mềm diệt virus Bkav.

Tháng 12 năm 2001, Nguyễn Tử Quảng thành lập Trung tâm Phần mềm và Giải pháp an ninh mạng (Bkis) dưới sự bảo trợ của Đại học Bách khoa Hà Nội với chín thành viên khác. Anh trở thành Giám đốc của Trung tâm này.

Từ một dự án nhỏ ban đầu tại trường Bách Khoa Hà Nội, Nguyễn Tử Quảng cùng với những cộng sự của mình đã biến thương hiệu Bkav không chỉ còn là một phần mềm diệt virus. Bkav sau này đã phát triển thành một tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam với hơn 1.600 nhân viên và các sản phẩm mang tầm thế giới.

Sự kiện đánh dấu bước phát triển của tập đoàn Bkav là việc Bkav chính thức được thương mại hóa với các phiên bản phần mềm diệt virus BkavPro, BkavEnterprise và BkavGatewayScan. Cũng từ đó, những lỗi nhỏ của sản phẩm cũng như những phát ngôn của anh thường chịu cái nhìn vô cùng khắt khe của cộng đồng mạng cũng như giới truyền thông trong nước.

Thời gian gần đây, Bkav của Nguyễn Tử Quảng đạt được thành công lớn với hàng loạt các sản phẩm tiêu biểu như các sản phẩm nhà thông minh SmartHome hay mới nhất là mẫu điện thoại Bphone đình đám.

Nguyễn Mạnh Hùng

Nguyễn Mạnh Hùng (sinh năm 1962) là một tướng lĩnh cấp cao trong Quân đội Nhân dân Việt Nam, hàm Thiếu tướng. Ông hiện đang nắm vai trò Tổng Giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel, Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Quân đội.

Ông từng tốt nghiệp chuyên ngành Điện tử viễn thông tại Liên Xô cũ, Thạc sỹ điện tử viễn thông (Australia), Thạc sỹ quản trị kinh doanh (Đại học Kinh tế Quốc dân).

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel. (Ảnh: Internet)

Ông là Hùng người có nhiều đóng góp quan trọng đưa Viettel thành tập đoàn hùng mạnh, phá thế độc quyền trên thị trường viễn thông Việt Nam và đưa Viettel từng bước tiến vững chắc ra thị trường nước ngoài.

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2014, Viettel nắm giữ vị trí số một về doanh thu và số lượng thuê bao điện thoại. Tổng doanh thu của Viettel trong năm 2014 đạt 196.650 tỷ đồng, tương đương với gần 10 tỷ đô la Mỹ. Với kết quả này, Viettel đạt tốc độ tăng trưởng doanh thu lên đến 20% so với năm 2013, đem về lợi nhuận trước thuế đạt 40.532 tỷ đồng.

Viettel đang xây dựng chiến lược phải trở thành công ty toàn cầu. Tại các thị trường nước ngoài mà Viettel đầu tư thì phải là 1 trong 3 công ty to nhất ở thị trường đó. Viettel cũng đặt mục tiêu đầu tư ở khoảng 25 nước khác nhau, có một thị trường nước ngoài từ 600-800 triệu dân vào năm 2020 và trở thành Top 10doanh nghiệp viễn thông thế giới

Lê Hồng Minh

Người sáng lập, chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần VinaGame có lẽ là gương mặt ít được biết đến nhất trong danh sách này. Tuy nhiên, các sản phẩm của VinaGame thì chắc chắn ai cũng đã từng nghe qua và sử dụng. Trong số này có thể kể đến các dịch vụ và sản phẩm đình đám như Zalo, Zing Me, Mp3 Zing hay hàng loạt các trò chơi trực tuyến.

Lê Hồng Minh - CEO của Công ty Cổ phần VinaGame (Ảnh: Internet)

Sau quãng thời gian học ở Australia, Minh đã có 4 năm làm việc tại hãng kiểm toán PricewaterhouseCoopers và công ty quản lí quỹ VinaCapital. Nhưng sau đó, người thanh niên tốt nghiệp chuyên ngành tài chính - kinh doanh tại Đại học Monash, Australia này quyết tâm thành lập một công ty trò chơi trực tuyến.

Sự chuyển hướng sự nghiệp này được Minh, năm nay 35 tuổi, gọi là “quá trình tự mày mò” khi anh trò chuyện với phóng viên tờ Financial Times (Anh) ngay tại văn phòng của Vinagame tại Tp.HCM.

Ông Lê Hồng Minh trong buổi tiếp chuyện cùng Stephen Elop - cựu CEO Nokia trong lần ông này đặt chân đến Việt Nam. (Ảnh: Internet)

7 năm sau đó, rủi ro mà Minh chấp nhận ngày nào dường như đã đem đến cho anh trái ngọt. Vinagame ra đời ở thời điểm khi lĩnh vực kinh doanh trực tuyến ở Việt Nam gần như là con số 0 và cũng gần như chẳng ai ở Việt Nam khi đó có kinh nghiệm về lập trình các trò chơi. Minh đã tranh thủ được tốc độ phát triển nhanh chóng của Internet để xây dựng công ty của mình.

Minh cho rằng, điều thực sự làm mình bất ngờ chính là thành công ngoài dự kiến của VNG từ rất sớm. Một bất ngờ khác thú vị không kém được anh chia sẻ chính là cá tính, phẩm chất của những người cộng sự của mình khi khởi nghiệp, và cho rằng đây là yêu tố mà không nhiều người làm lãnh đạo nhận ra hay nhận thức đầy đủ.

 

Thế nào là một chiếc điện thoại Made in Việt Nam?

(Techz.vn) Dòng chữ Made in Việt Nam xuất hiện khá nổi bật trên mặt sau của Bphone hay những mẫu smartphone do Samsung sản xuất. Vậy gọi những mẫu máy này là sản phẩm Made in Việt Nam có hoàn toàn chính xác?