Chỉ cần những mẹo nhỏ, ngay cả những chị em phụ nữ cũng có thể chăm sóc tốt cho chiếc xe, đảm bảo cho xe luôn hoạt động hiệu quả, vận hành êm ái mà không cần phải thông thạo những yếu tố kỹ thuật hay sách hướng dẫn. Dẫu vậy, không ít những người đàn ông không biết đến điều này.
Hiện nay, ở Việt Nam, xe máy là phương tiện giao thông phổ biến nhất. Mọi tầng lớp người dân và hầu hết người trưởng thành đều sở hữu một chiếc xe máy trong bối cảnh đường sá chật chội, đi xe hơi thì khó mà đi xe đạp thì chậm và cực. Bởi vậy, muốn người bạn đồng hành trên mọi nẻo đường một cách trơn tru, linh hoạt và đặc biệt không "nghẻo" giữa chừng thì tốt nhất bạn nên làm những thao tác dưới đây một cách thường xuyên.
Thay dầu
Dầu nhớt là thành phần không thể thiếu, giúp duy trì khả năng vận hành hiệu quả cho máy xe.
Tuy nhiên, nhiều người không ý thức được việc thay dầu đúng lịch, khi có những quan niệm “hài hước” như đi 3-4 tháng thì thay dầu một lần, hay thậm chí quên bẵng, đi cả năm thấy xe yếu thì thay nhớt…
Trên thực tế, người ta thường hay lấy mốc di chuyển cứ mỗi 1.500km thì thay dầu nhớt một lần.
Tất nhiên, còn tùy thuộc vào yếu tố loại dầu nhớt nào (có những loại đặc biệt, đắt tiền thì quãng đường thay dầu sẽ dài hơn, có khuyến cáo đi kèm), mức độ thường xuyên di chuyển quãng đường dài…song nhìn chung, nếu người dùng sử dụng loại dầu nhớt phổ biến thì cứ định kỳ mỗi 1.500 km là nên thay.
Một mẹo nhỏ để người dùng dễ nhớ là dán một mẩu giấy vào dưới yên xe, trong đó ghi số KM lúc thay dầu (cùng ngày tháng), vậy là khi nào “ke” thấy đi hết 1.500 km thì ta có thể thay dầu.
Ngoài ra, một mẹo cần chú ý khác là người dùng nên trung thành với một thương hiệu nhớt nhất định. Nếu thay ngoài hàng thì có khả năng người dùng sẽ bị thay dầu nhớt rởm (loại đun lại nhớt thải), như vậy rất hại cho máy của xe.
Để an toàn, người dùng nên mua dầu nhớt từ chính đại lý phân phối uy tín rồi mang ra hàng thay, với công thay chỉ từ 5.000 – 10.000 đồng.
Một mẹo nhỏ nữa là hàng ngày, trước khi nổ máy thì người dùng nên đạp nổ vài cái (đạp giò khởi động khi chưa bật khóa điện), nhằm đưa dầu lên bao phủ máy xe sau cả một đêm không sử dụng.
Sau đó, người dùng cho nổ máy và để xe như vậy khoảng 30 giây tới 1 phút trước khi tăng ga di chuyển.
Với thao tác này, máy xe sẽ luôn “khỏe” và đảm bảo vận hành bền bỉ theo thời gian.
Săm – Lốp
Với săm xe máy, người dùng không nên vá nhiều, nếu phải vá từ 2-3 miếng trở lên thì ta nên thay, vì chi phí vá săm khi đó cũng gần bằng việc thay săm mới, và quan trọng nhất là việc dùng săm vá nhiều sẽ không đảm bảo an toàn, đặc biệt khi di chuyển với tốc độ cao.
Người dùng nên mua săm chính hãng (Honda, Yamaha…) hoặc săm có thương hiệu như Sao vàng, Casumina…và để sẵn trong cốp xe, bởi thông thường các tiệm sửa xe luôn “chặt chém” đáng kể đối với những người thay săm giữa đường. Nếu có săm thì việc mặc cả công thay sẽ đơn giản hơn rất nhiều.Trong khi đó, đối với lốp xe, người dùng nên quan sát chi tiết hoa văn trên lốp để cảm nhận độ mòn.
Nếu không thành thạo, người dùng có thể nhờ tiệm sửa xe quen biết để ý giúp, bởi lốp xe là phụ tùng khó “hỏng” nhưng cần phải biết thay khi đã mòn để đảm bảo an toàn, nếu không săm xe sẽ dễ bị cán đinh, nhanh xịt…
Tương tự săm xe, người dùng cũng nên lựa chọn lốp xe tiêu chuẩn (với kích thước phù hợp loại xe) ở các đại lý phân phối chính hãng hoặc tên tuổi.
Thông thường, sau mỗi 40.000km, người dùng sẽ thay lốp để đảm bảo an toàn.
Má phanh
Rất nhiều người đi xe máy chủ quan với phanh, khi họ để mức phanh rất sâu tới nỗi lúc nhấn bóp cả 2 phanh thì xe vẫn phải di chuyển thêm…vài mét mới dừng hẳn.
Việc tinh chỉnh phanh “ăn” là rất cần thiết và quan trọng, sao cho lúc nhấn bóp 2 phanh thì gần như xe sẽ phải dừng/khựng ngay lập tức.
Theo thời gian, má phanh sẽ bị ăn mòn dần, và để đảm bảo phanh vẫn “ăn” thì người dùng cần đi siết phanh chặt hơn ở các tiệm sửa.
Tuy nhiên, khi má phanh quá mòn thì người dùng sẽ phải thay mới.
Má phanh cũng là một trong những loại phụ tùng không “hỏng” tới mức mắt thường nhìn thấy, nhưng người dùng cần ý thức để chủ động thay trước khi quá muộn.
Thông thường, người dùng nên thay mới má phanh sau quãng đường di chuyển 25.000 – 30.000km.
Ắcquy
Hiện nay, loại ắcquy khô đang được dùng chủ yếu, vì sự tiện dụng, an toàn.
Thường chúng ta chỉ thay ắcquy khi loại phụ tùng này hỏng hẳn, thể hiện qua việc “bỗng dưng” không đề được xe, còi xe yếu hoặc mất hẳn, đèn ở mặt đồng hồ và đèn xi nhan mờ…
Nếu mua ngoài (không phải thay trong các cửa hàng sửa xe) thì chi phí tiết kiệm hơn, bởi nhiều cửa hàng bán ắcquy chính hãng giúp thay luôn ắcquy (công thay ngoài tiệm chỉ khoảng 5.000 đồng).
Những thương hiệu ắcquy chất lượng và dễ tìm là Pinaco (Đồng Nai) hay Habaco (Hải Phòng)…
Nhông – xích – đĩa
Theo thời gian, xích xe máy sẽ bị rão dần, còn nhông, đĩa bị mòn.
Khi xích rão, thợ sửa xe sẽ tiến hành căng xích, nhưng rồi theo thời gian, xích không thể căng được nữa.
Cách sửa tạm thời khi đó là cắt bỏ bớt mắt xích, song thao tác này chỉ nên làm một lần.
Những xe máy bị rão xích thì người dùng sẽ nghe thấy tiếng động va chạm rất khó chịu mỗi khi tăng ga hay di chuyển, vì xích chạm vào hộp xích.
Mặc dù chưa bị “hỏng” ngay song việc dùng xích rão là rất nguy hiểm, có khả năng tuột giữa đường hoặc khi đi với tốc độ cao, xích rão có thể gây tai nạn cho người lái.
Thông thường, thời điểm thay đồng bộ nhông – xích – đĩa mới là khi người dùng đi quãng đường được 15.000 – 20.000km (với loại phụ tùng này, ta nên thay cả bộ, không nên thay riêng lẻ từng thứ).
Việc xích nhanh rão hay không còn phụ thuộc vào loại đường thường đi (đường gập ghềnh, hay leo dốc… thì xích mau rão hơn) hoặc do khối lượng tải, do vậy, khi thấy xích bị kêu và đã căng hết xích thì người dùng nên thay ngay.
Gương – Còi
Việc đi xe máy có đủ 2 gương chiếu hậu là rất cần thiết để đảm bảo an toàn, giúp người dùng quan sát được đầy đủ 2 bên đường phía sau xe.
Trong trường hợp gương bị vỡ, gẫy thì người dùng nên mua gương chính hãng từ nhà sản xuất xe, vì loại gương chính hãng được thiết kế an toàn, đảm bảo, khác với những loại gương gia công rẻ tiền.
Tương tự, còi xe cũng rất quan trọng khi đi xe từ ngõ ra, hay “nhắc nhở” những người tham gia giao thông lơ đễnh…
Nếu còi xe bị hỏng, người dùng không nên chủ quan bỏ qua, mà cần thay thế để đảm bảo an toàn cho bản thân.
Dây đồng hồ đo tốc độ
Rất nhiều chiếc xe sau một thời gian sử dụng tương đối thì bị hỏng dây đồng hồ đo tốc độ.
Tuy nhiên, người dùng thường chủ quan cho rằng đây là thứ không quan trọng lắm nên bỏ mặc mà vẫn lái xe hàng ngày.
Họ không để ý rằng dây đồng hồ đo tốc độ giúp xác định số KM mà xe đã di chuyển, từ đó chỉ ra những lúc nào người dùng cần thay thế phụ tùng để đảm bảo an toàn (thay dầu nhớt, má phanh, nhông – xích – đĩa, săm lốp…).
Giá cả của dây đồng hồ đo tốc độ cũng rất phải chăng, người dùng nên tham khảo kỹ và thay ngay sau khi thấy loại phụ tùng này bị hỏng.