Thiết bị công nghệ

Những lưu ý rất quan trọng khi chọn Android TV box

Tết Nguyên Đán đang đến rất gần, phần lớn người dùng đã có thưởng cuối năm, dễ bị “kích thích trước những sản phẩm công nghệ nào đó, chẳng hạn như Android TV Box. Đối với những ai đang dùng dòng TV LCD/LED thông thường, đôi khi cảm thấy có chút tủi thân khi bắt gặp những dòng Internet/Smart TV cho khả năng lướt web, nghe nhạc và xem phim trực tuyến. Nếu người dùng bán TV thì mất giá, mua mới mẫu Smart TV thì tốn rất nhiều tiền, chưa kể giữ lại TV cũ sẽ trở nên vô dụng nếu gia đình ít người và ở trong căn nhà nhỏ. Đứng trước tình thế như vậy, người dùng thường chọn giải pháp mua thêm một thiết bị Android TV box để kết nối vào TV ở nhà, giúp cho nó trở nên thông minh và hữu dụng như một chiếc máy tính bảng thật sự.

Hiện nay, Android TV Box xuất hiện trên thị trường gồm hàng loạt tên tuổi khác nhau, từ thương hiệu lớn cho đến những cái tên rất lạ. Bên cạnh đó, dòng Android TV Stick cũng đang rất phổ biến trong thời gian vừa qua với mức giá rất rẻ, dễ dàng mang đi và cất giữ bất cứ nơi đâu vì thiết kế rất nhỏ gọn. Không đơn giản như chọn mua đầu CD/DVD, dòng Android TV Box/Stick để có hiệu suất cao, hệ thống hoạt động mượt và ổn định không những phụ thuộc vào cấu hình mà nó còn bị ảnh hưởng từ khả năng tối ưu hóa từ firmware (ROM) và rất nhiều thứ khác.

Android TV Box và Stick

Android TV Stick không những có thiết kế nhỏ gọn mà thường có mức giá rẻ hơn Android TV Box khoảng từ 15% đến 35% khi so sánh cùng một cấu hình (phần cứng) gần tương đương nhau, điều này càng đúng và xác suất rất cao đối với dòng thương hiệu nhỏ. Tại sao lại có mức giá chênh lệch giữa 2 dòng sản phẩm đến như vậy? Bởi lẽ, Android TV Stick thường bắt sóng rất kém, dễ bị nóng do thiết kế gó bó trong không gian nhỏ hẹp đã gây ảnh hưởng đến hiệu năng của thiết bị, dẫn đến trải nghiệm chưa thật sự đạt yêu cầu khi so sánh với dòng Android TV Box.

Đặc biệt hơn, Android TV Stick đến từ các thương hiệu lạ với nguồn gốc theo dạng hàng OEM, tất cả sản phẩm này thường có mức giá khá rẻ, điều này dễ làm người dùng bị lôi cuốn. Nếu người dùng vẫn thích chọn lựa dòng Android TV Stick vì mức giá rẻ, thiết kế gọn nhẹ để phục vụ cho nhu cầu cơ bản thì cần đến cửa hàng để trải nghiệm thực tế trước khi mua. Quan trọng hơn, hãy trải nghiệm luôn cả 2 dòng Android TV Box và Stick trong một mức giá chênh lệch khoảng 15% trở lại để so sánh, nhằm xem được hiệu năng thực tế có đủ đáp ứng người dùng hay không trước khi quyết định mua. Bởi lẽ, người dùng khi đã chính thức mua sản phẩm và đã hoàn tất khâu trả tiền sẽ rất khó trả lại.

Chọn thương hiệu lớn

Tại sao không ưu tiên lựa chọn cấu hình mà là thương hiệu? Đây có lẽ là một nghi vấn, câu hỏi sẽ được nhiều người đặt ra cho bài viết này. Câu trả lời nhanh và đơn giản nhất chính là việc sản xuất chiếc Android TV Box (bỏ qua Android TV Sitck) cũng tương tự như làm một chiếc điện thoại chạy Android. Một ví dụ đơn giản, sơ lược về quy trình sản xuất sản phẩm điện thoại, chẳng hạn như Sony hoặc Samsung đều phải bỏ rất nhiều thời gian và công sức để nghiên cứu, rồi thử nghiệm trên những dòng máy mẫu đến khi nào hoàn thiện xong thì sau đó mới sản xuất phiên bản thương mại để bán ra thị trường.

Do thương hiệu nhà sản xuất mang tầm thế giới, mỗi sản phẩm đều được kiểm tra kĩ lưỡng trong từng khâu trước khi đến tay người dùng. Chính vì vậy, những dòng sản phẩm đến từ thương hiệu lớn thường được đánh giá cao về hệ thống rất ổn định, rất hiếm khi bị lỗi lặt vặt trong suốt quá trình sử dụng, vốn những thương hiệu nhỏ rất khó đạt được điều này.

Minix là một trong những thương hiệu lớn trong làng công nghệ chuyên sản xuất thiết bị Android TV Box

Tại thị trường Việt Nam, hiện tại đang có vài thương hiệu lớn chuyên về dòng Android TV Box, đó chính là HiMedia, Minix, Mygica... cùng những cái tên khác. Tất cả nhà sản xuất đều cung cấp cho thị trường từ sản phẩm giá rẻ cho đến cao cấp, phù hợp với nhu cầu sử dụng thực tế của từng người, gia đình. Bên cạnh hệ thống ổn định, hầu hết sản phẩm Android TV Box đến từ những thương hiệu lớn đều được hỗ trợ, cập nhật phần mềm, firmware (ROM) tại trang web chính thức của từng hãng. Đây là điều rất quan trọng cần phải có cho Android TV Box, nhằm cải thiện hiệu năng, khắc phục những lỗi và nhược điểm tồn tại của sản phẩm.

Quan trọng không kém, Android TV Box đến từ thương hiệu lớn thường cho trích xuất hình ảnh lên TV với màu sắc trung thực, độ tương phản cao, tất cả mọi thứ đều được tối ưu hóa rất tốt với độ chuẩn xác cao. Ngược lại, những thương hiệu nhỏ mà còn kết hợp với sản phẩm giá rất rẻ, màn hình TV sẽ bị tình trạng “dư” hay bị ám màu sắc nào đó, thường thấy nhất là độ tương phản thấp và màu đen hiển thị chưa chuẩn, buộc người dùng phải “chữa cháy” bằng cách điều chỉnh màu sắc từ TV. Ngoài ra, Android TV Box đến từ thương hiệu lớn, đặc biệt sản phẩm có mức giá tầm khoảng 2 triệu đồng trở lên thường hỗ trợ đầy đủ phím điều hướng ảo, tiện dụng cho việc tắt, mở và khởi động lại máy.

Cấu hình – Giá cả

Như đã đề cập một phần nội dung ở phía trên, Android TV Box đến từ thương hiệu lớn thường cho hiệu năng đạt mức rất cao so với cấu hình thực tế của sản phẩm. Chúng ta có thể dùng một ví dụ đơn giản về cấu hình của dòng iPhone so với Android để so sánh và phân tích. Dòng iPhone chỉ cần bộ vi xử lý lõi kép và RAM 1 GB là đủ ăn đứt nhiều dòng máy chạy Android giá rẻ với bộ vi xử lý lõi tứ và RAM 2 GB là đủ dùng. Để có được điều này, hệ điều hành IOS đã được tối ưu rất tốt, tận dụng tối đa được sức mạnh từ phần cứng iPhone. Tất nhiên, Android TV Box đến từ Minix hay MyGica chẳng hạn cũng không thể nào tối ưu hóa tốt như dòng Apple nhưng khả năng tối ưu hóa phần cứng là rất tốt so với thương hiệu nhỏ.

Đối với người dùng có nhu cầu sử dụng đơn giản, dành phần lớn thời gian để xem phim với độ phân giải tối đa Full HD, lướt web và truy cập mạng xã hội như Facebook thì một chiếc Android TV Box trong khoảng 2 triệu trở lại. Với mức giá này, sản phẩm đến từ thương hiệu lớn thường trang bị bộ vi xử lý lõi tứ và RAM 1 GB. Người dùng cần ưu tiên chọn CPU với thương hiệu Amlogic dòng S805 trở lên, bởi đi kèm với nó chính là chip đồ họa lõi tứ Mali-450, đáp ứng tốt cho nhu cầu chơi game đơn giản và video với độ phân giải Full HD theo chuẩn nén H.265. Ngoài dòng Amlogic S805, người dùng có thể chọn bộ vi xử lý Rockchip để thay thế, nhưng khuyến cáo nên từ dòng RK3188 trở lên, để hỗ trợ giải mã video và chơi game được tốt hơn. Và tiếp theo đó, cần ưu tiên thiết bị có hỗ trợ an-ten rời để bắt sóng WiFi tốt hơn

Đối với nhu cầu sử dụng cơ bản, Android Box chỉ cần bộ vi xử lý lõi tứ và RAM 1 GB là đủ đem lại hiệu năng tốt, đáp ứng tốt cho video với độ phân giải Full HD (Hình: vntvbox)

Dòng TV 4K ngày càng có giá rẻ hơn, đang dần lấp chỗ những dòng sản phẩm có màn hình lớn hơn 50 inch nhưng độ phân giải chỉ dừng lại ở Full HD. Android TV Box đáp ứng cho tiêu chí phát nội dung 4K không những cần quan tâm đến cấu hình gấp rưỡi cho đến gấp đôi dòng thiết bị cấp thấp, mà cần phải quan tâm đến nhiều thứ khác. Cụ thể, thiết bị bắt buộc phải trang bị bộ vi xử lý thấp nhất cũng từ Amlogic S812 hoặc RK3288 trở lên, RAM 2GB và bộ nhớ trong tối thiểu 16 GB. Ngoài vấn đề an-ten rời là bắt buộc, cần ưu tiên chọn WiFi có hỗ trợ băng tần kép với chuẩn “ac” nếu thiết bị phát WiFi trong gia đình có hỗ trợ tiêu chuẩn này.

Android TV Box cao cấp đến từ MyGica trang bị đến 2 anten WiFi rời, hỗ trợ băng tần kép với chuẩn “ac”

Ngoài phần cứng buộc phải mạnh mẽ, phần lớn Android TV Box thường được trang bị cổng kết nối HDMI phiên bản 1.4 “vừa đủ” giúp trích xuất hình ảnh lên TV, trình chiếu nội dung video ở độ phân giải 4K tạm ổn. Tuy nhiên, HDMI 1.4 chỉ có thể truyền tải nội dung 4K ở tốc độ khung hình 30Hz, khá thấp và không đạt hết hiệu năng của TV. Chính vì vậy, người dùng cần ưu tiên lựa chọn HDMI phiên bản 2.0 để trình chiếu video 4K ở tốc độ khung hình 50/60Hz, đồng thời cũng không quên chọn sản phẩm có hỗ trợ cổng USB 3.0 để việc trình chiếu trực tiếp video 4K ở bitrate cao vẫn trở nên “mịn” và chạy trơn tru.

Lựa chọn theo tình hình thực tế

Ngoài dòng TV LCD/LED đã chiếm số lượng rất lớn trên toàn thế giới, loại TV CRT công nghệ cũ vẫn còn nhiều gia đình ngày xưa vẫn sử dụng để xem truyền hình mỗi ngày. Việc lựa chọn Android TV Box để kết nối tới dòng TV CRT không cần quan tâm đến cấu hình, thay vào đó cần quan tâm đến cổng kết nối AV (RCA). Bởi nó có độ phân giải rất thấp và không hỗ trợ cổng HDMI. Nếu người dùng chỉ có kết nối trực tiếp từ Android TV Box đến TV LCD/LED với độ phân giải tối đa đạt mức Full HD, không có thiết bị trung gian như dàn Amply/Receiver thì không cần chú ý nhiều đến các cổng kết nối, bởi bất cứ dòng nào cũng hỗ trợ cổng HDMI.

Nhiều gia đình có điều kiện về kinh tế, sở hữu nguyên dàn hệ thống âm thanh “khủng” và TV 4K đắt tiền. Ngoài cấu hình phần cứng rất mạnh mẽ đối với Android TV Box, người dùng cũng cần quan tâm hơn đến cổng kết nối như AV, HDMI, Coaxial, Optical, khe cắm thẻ nhớ và USB 3.0, đôi khi cả giắc cắm tai nghe và micro. Qua đó, Android TV Box không những cho hiệu năng mạnh mẽ, hệ thống chạy ổn định, đáp ứng chất lượng hình ảnh tuyệt vời mà ngay cả tín hiệu âm thanh cũng đạt chuẩn “digital” đúng nghĩa khi kết nối với dàn loa tương thích thông qua dàn Receiver cực chất.

Android TV Box thuộc dòng cao cấp cần phải tích hợp nhiều cổng kết nối, khe cắm USB 2.0/3.0 và những tính năng khác

Kết luận

Với số tiền đầu tư khoảng từ 1.5 triệu lên đến 3.5 triệu, người dùng dễ dàng sở hữu được Android TV Box đáp ứng  nhu cầu sử dụng cá nhân và cho toàn bộ thành viên trong gia đình. Nếu không tìm hiểu, phân tích thật kĩ về Android TV Box vốn rất đa dạng về cấu hình, chủng loại chip và hàng loạt công nghệ kết nối thì người dùng đôi khi chọn lựa sản phẩm không được ưng ý như mong muốn ban đầu đã đề ra. Chính vì vậy, trước khi quyết định mua Android TV Box, hãy thực hiện khảo sát từng bước trong bài viết, nhằm có thể đưa ra chọn lọc ra được vài sản phẩm ưng ý. Lưu ý thêm, do nội dung bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không bắt buộc phải áp dụng hết các tiêu chí chọn lựa như trên, người dùng vẫn có thể cảm nhận và chọn mua theo kinh nghiệm riêng của mỗi cá nhân.

 

Sắm TV chơi Tết: Chọn SmartTV hay TV kết hợp Android TV Box

(Techz.vn) Bên cạnh kiểu dáng gọn nhẹ, Smart TV đem đến trải nghiệm thông minh và thú vị cho nhu cầu giải trí ngày càng cao, cách thức sử dụng khá dễ dàng nên phần lớn người dùng đều nhanh chóng làm chủ được mọi tính năng trên dòng sản phẩm này. Trong khi đó, chiếc TV thường (cơ bản) kết hợp với Android TV Box cho khả năng hoạt động vượt trội hơn Smart TV, từ tốc độ xử lí rất nhanh cho đến hệ sinh thái khá phong phú, chỉ có điều hơi cồng kềnh.