Tin tức công nghệ

Những lỗi dễ bị phạt tiền triệu mà tài xế Việt thường mắc phải khi lái xe về quê dịp lễ

Lỗi tốc độ:

1. Chạy quá tốc độ cho phép:

Chạy đường dài, để tiết kiệm thời gian, khi gặp đường cao tốc, các tài xế thường tăng tốc hết mức có thể và không ít người mát chân ga quá đà, vượt qua tốc độ giới hạn lúc nào không hay, hoặc thậm chí biết nhưng vẫn cố tình chạy tiếp.

Mức giới hạn vốn được xác định để các tài xế điều khiển phương tiện ở tốc độ hợp lý, phù hợp với điều kiện giao thông, đủ khả năng xử lý nếu có gì bất thường xảy ra. Vượt quá tốc độ đồng nghĩa việc bạn làm giảm khả năng phản ứng trước những tình huống đột ngột, tăng khả năng gặp va chạm và thậm chí thương vong của chính bản thân và những người đi cùng cũng như người tham gia gia thông xung quanh.

2. Chạy dưới tốc độ tối thiểu:

Chuyện tưởng hiếm, nhưng không phải không có. Như khi chạy trên cao tốc với tốc độ tối thiểu là 60 km/h, bạn có thể gặp ai đó trong tình trạng "bạn vội nhưng tôi không vội" với tốc độ chỉ khoảng 50-55 km/h.

Theo quy định trong nghị định 46/2016, nếu chạy dưới tốc độ tối thiểu cho phép, tiêu biểu trên đường cao tốc, tài xế sẽ bị phạt tiền từ 800.000 - 1.200.000 đồng.

Lỗi chạy sai làn, sai biển báo

1. Rẽ trái nhưng đi vào làn có mũi tên đi thẳng - đi sai biển báo:

Trong trường hợp lái xe rẽ trái mà lại đi vào làn có mũi tên đi thẳng thì đây là lỗi: "Không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường". Với lỗi này, người điều khiển ôtô sẽ bị phạt 100.000-200.000 đồng; còn người điều khiển môtô, xe gắn máy sẽ bị phạt mức phạt từ 60.000-80.000 đồng.

2. Lỗi sai làn:

Khi trên mặt đường phân chia thành nhiều làn được phân biệt bằng vạch kẻ đường, và mỗi làn chỉ cho một số loại phương tiện giao thông nhất định đi trên đó. Ví dụ, làn dành riêng cho ôtô con, ôtô tải, xe máy … và có biển báo “đường dành riêng” như biển 412 (a,b,c,d) với ý nghĩa "làn đường dành riêng cho từng loại xe” hoặc một số loại biển khác như 304, 305.

Khi di chuyển trên làn đường không đúng với làn đường dành cho phương tiện mà đang điều khiển thì bị xử phạt với lỗi: "đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định" mức phạt 800.000-1.200.000 đồng; môtô, xe gắn máy chịu mức phạt 300.000-400.000 đồng.

Uống rượu, bia khi lái xe

Lễ tết là dịp gặp gỡ, giao lưu, và đã giao lưu thường phải có bia, có rượu. Nếu có ý từ chối vì "phải lái xe", các tài xế lại sợ bị trách vì không "hết mình". Vì thế, không ít người cả nể, đành làm cốc bia, chén rượu đáp lễ. Và nếu bị kiểm tra, bị phạt là khó tránh khỏi, hay thậm chí có thể gặp họa vì cốc bia, chén rượu đó.

Theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP, các mức phạt liên quan đến hành vi lái xe khi đã uống rượu, bia như sau:

Với người điều khiển ôtô và các loại xe tương tự:

- Phạt tiền 2.000.000-3.000.000 đồng với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở. Ngoài ra, người vi phạm bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 1-3 tháng.

- Phạt tiền 7.000.000-8.000.000 đồng với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 3-5 tháng.

- Phạt tiền 16.000.000-18.000.000 đồng đối với người điều khiển xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở; hoặc không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ. Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 4-6 tháng.

Theo Vnexpress

 

Toyota Việt Nam nói gì về việc triệu hồi 20.000 xe Vios và Yaris

(Techz.vn) Toyota Việt Nam cho biết, việc triệu hồi 20.000 xe Vios và Yaris lần này không liên quan gì tới những nghi vấn gần đây về việc túi khí không nổ, đây là thông tin không chính xác và không được dựa trên bất cứ một kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền nào.