Kỹ sư CNTT luôn là một nghề nghiệp được đánh giá cao trong xã hội. Và bởi thế, khoản thu nhập mà họ có thể nhận được từ công việc của mình cũng chẳng hề thấp một chút nào.
HP trả kĩ sư phần mềm trung bình 110.506 USD/năm (2,3 tỉ đồng/năm). Một nhân viên cho biết trong 15 năm làm việc tại đây, không có gì đáng phàn nàn trừ việc lương cơ bản thấp hơn chút ít so với các hãng khác.
Kĩ sư phần mềm tại Amazon có lương trung bình 110.907 USD/năm (2,34 tỉ đồng/năm). Amazon có nhiều ưu điểm như bổng lộc tốt, lương cao, môi trường tuyệt vời, cơ hội học hỏi, lãnh đạo thân thiện, địa điểm đẹp bên cạnh nhược điểm là cường độ làm việc khá căng thẳng.
Lương trung bình của kĩ sư phần mềm eBay là 114.720 USD/năm (2,4 tỉ đồng/năm). Ưu điểm khi làm việc tại đây là môi trường tốt, cơ hội thăng tiến, mọi người thân thiện, được học nhiều điều mới mẻ trừ thức ăn quá tệ.
Hãng sản xuất đơn vị xử lí đồ họa (GPU) NVIDIA trả trung bình 115.649 USD/năm (2,44 tỉ đồng/năm) cho kĩ sư phần mềm. Lãnh đạo công ty có khả năng tạo ra những điều thú vị trong công việc song lịch làm việc khá căng, không cân bằng được giữa cuộc sống riêng tư và công việc cũng như bổng lộc thấp.
Kĩ sư phần mềm tại công ty mạng máy tính Arista có lương trung bình 116.067 USD/năm (2,45 tỉ đồng/năm). Tại đây, họ có cơ hội học hỏi trong môi trường luôn chuyển động không ngừng cũng như giúp đỡ người mới vào nghề.
Lương trung bình năm của kĩ sư phần mềm tại Integral Systems – nhà sản xuất thiết bị vệ tinh mặt đất - là 117.927 USD/năm (2,49 tỉ đồng/năm). Ưu điểm khi làm việc tại đây là mức lương hậu hĩnh, bổng lộc cao, thời gian linh hoạt. Nhược điểm là các phòng ban bị cô lập, tương tác giữa lãnh đạo và nhân viên cũng khá ít ỏi, có quá nhiều Phó Chủ tịch.
Facebook trả trung bình 121.507 USD/năm (2,56 tỉ đồng/năm) cho kĩ sư phần mềm. Ưu điểm không thể chối cãi là Facebook tập hợp những con người thông minh nhất tại khu vực San Francisco.
Lương trung bình của kĩ sư phần mềm tại chuỗi bán lẻ Walmart là 122.110 USD/năm (2,57 tỉ đồng/năm). Làm việc tại đây, họ có sự ổn định, có thể học hỏi từ nhiều lĩnh vực. Nhược điểm là dù diện tích văn phòng lớn, nội thất lại không theo kịp.
Kĩ sư phần mềm tại Oracle có lương trung bình 122.905 USD/năm (2,59 tỉ đồng/năm). Nếu được đặt vào một dự án tốt, bạn có thể học hỏi được nhiều kinh nghiệm quý báu, thưởng hậu hĩnh.
Apple trả trung bình 124.630 USD/năm (2,63 tỉ đồng/năm) cho kĩ sư phần mềm. Ưu điểm khi làm việc tại đây là cường độ stress thấp, văn phòng đẹp, lương cao, luôn được ganh tị khi nói ra nơi làm việc là Apple.
Lương trung bình của kĩ sư phần mềm tại Twitter là 124.863 USD/năm (2,63 tỉ đồng/năm). Nhân viên cảm thấy hài lòng nhờ bổng lộc hụa hĩnh, được cộng tác với những người “siêu thông minh” và được làm nhiều việc thú vị. Dù vậy, có quá nhiều “giám đốc kĩ thuật”, giám đốc cấp cao, giám đốc, Phó chủ tịch với một công ty có quy mô nhỏ như Twitter.
Kĩ sư phần mềm tại Google có lương trung bình 127.143 USD/năm (2,68 tỉ đồng/năm) . Ưu điểm là Google có văn hóa công sở vô cùng tuyệt vời, ai cũng có cơ hội đề xuất những ý tưởng có ảnh hưởng lớn.
Yahoo trả kĩ sư phần mềm trung bình 130.312 USD/năm (2,75 tỉ đồng/năm). Theo nhân viên, văn hóa tại đây là thứ nhiều công ty khác phải học hỏi.
Lương trung bình của kĩ sư phần mềm tại mạng tuyển dụng LinkedIn là 136.427 USD/năm (2,88 tỉ đồng/năm). Ưu điểm của LinkedIn là văn hóa kĩ thuật xuất sắc, các công việc thường nhật luôn là thách thức thú vị, luôn có những điều mới mẻ để học hỏi. LinkedIn cũng có mô hình kinh doanh tốt. Ngoài ra, bạn luôn được tiếp xúc với nhiều chuyên gia giỏi thuộc mọi lĩnh vực. Tuy nhiên, công ty không miễn phí ăn sáng và ăn tối.
Juniper Networks – nhà sản xuất thiết bị mạng - là hãng trả lương kĩ sư phần mềm cao nhất với mức lương trung bình 159.990 USD (3,37 tỉ đồng/năm). Một nhân viên tại đây cho biết hãng sở hữu nhiều thiên tài và có nhiều cơ hội để tạo ra sự khác biệt trên thị trường. Nhược điểm của công ty là tệ quan liêu trong các lớp quản lý.