Những điều chưa kể về bức ảnh Bác Hồ và hai bé thiếu nhi quen thuộc trên các tấm bưu thiếp
2 bé gái trong bức giờ đã đều trở thành bà nội bà ngoại. Một trong 2 bé trong ảnh – bà Đặng Minh Châu, năm nay đã 77 tuổi, vui vẻ kể lại rằng: Đó là ngày 3/3/1953, bà vẫn nhớ rõ vì lúc đó bà đã ghi ngày tháng đằng sau tấm ảnh bằng nét bút mực trẻ thơ. Đó là vào dịp lễ kỷ niệm ngày thành lập Đảng Lao động Việt Nam, cũng là ngày thống nhất Việt Minh – Liên Việt và ngày thành lập Khối liên minh nhân dân Việt – Miên – Lào.
Hồi ấy bà Minh Châu theo cha ở tại cơ quan Bộ Kinh tế, sau là Bộ Công Thương, đóng ở gần Tân Trào, cách không xa khu hội trường, nơi tổ chức lễ kỷ niệm nói trên. Hội trường được làm bằng tre nứa, vách là những tấm phên đan bằng những lóng tre nứa úp ngược với nhau với màu lục xen màu trắng trông rất đẹp mắt.
Bà thấy cha mình đứng ngoài hội trường cùng một số những người khác. Bỗng nhiên có ai đó hô lên: Bác đến, Bác đến! – Ồ Bác Hồ đến thật rồi!". Bác giơ tay tươi cười chào mọi người. Cả đám đông nhanh chóng vây quanh Bác. Có chú nói to: Xin Bác cho chụp ảnh ạ!
Cùng ngay đó có vài chú hái vội mấy bông hoa rừng lấp ló gần hội trường rồi cài nơ lụa và nhanh chóng giao cho bà Châu cùng bà Thu Giang. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Đăng Định dắt hai bé gái đến gần Bác. Bác tươi cười kéo hai cháu đứng sát vào Bác.
Có chú nhắc: Nhìn vào ống kính và cười lên đi! Bà Châu cười miệng rộng đến mang tai, còn Thu Giang vẫn mím chặt môi. Hóa ra bà Thu Giang sợ lộ hai cái răng cửa vừa mới thay chưa kịp mọc răng mới.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Đăng Định bấm máy tách tách rồi lại chạy vòng ra phía sau Bác kéo cây nứa bị lấn vào ảnh. Mấy người khác cũng chạy tới cùng giúp sức nhưng không thành. Nghệ sĩ Đinh Đăng Định đành đổi góc chụp.
Bức ảnh Bác Hồ và hai em bé gái đứng gần bên vách nứa của hội nghị là bức ảnh thứ 2 đã ra đời lúc đó. Bức ảnh này gốc là đen trắng, chứ không phải ảnh màu như được lưu truyền. Bức ảnh sau đó được in thành bưu thiếp và tranh cổ động.
Còn bức ảnh có cây nứa lấn vào một bên góc ảnh cũng đã được nghệ sĩ Đinh Đăng Định kịp lưu lại nhưng không được công khai. Điều đặc biệt là trong bức ảnh này Bác Hồ cười tươi, phong thái tự nhiên hơn bức ảnh sau mà mọi người biết đến.
May mắn bà Minh Châu đã có và giữ được bức ảnh bị lấn nứa. Bà Minh Châu nói mình thích bức ảnh đầu tiên hơn vì bác mỉm cười rất tươi. Sau khi chụp ảnh này mấy tháng thì hai bà cùng sang Lư Sơn - Quế Lâm, Trung Quốc.
Bà Vũ Thu Giang chia sẻ rằng ấn tượng của bà về Bác Hồ là một người ít nói, trầm lặng, hiền hậu, giản dị. Mỗi khi Bác Hồ xuất hiện ở đâu, Bác như là một người tổ chức, bao quát, để ý mọi việc và quan tâm đến tất cả mọi người.
Bà Minh Châu kể, hai bà hôm đó còn được ngồi cùng mâm cơm với Bác. Bác luôn ưu tiên phụ nữ và trẻ em, bác gọi: "Các cô, các cháu vào ăn trước đi!". Vào mâm, mọi người không ai ăn được, cứ ngồi ngây ra nhìn Bác. Đến khi Bác phải bảo: "Nào mọi người ăn đi chứ! Đây là công sức lao động của nhân dân đấy!", thì mọi người mới bắt đầu ăn. Bác cầm đĩa thức ăn lên gắp vào bát cho từng người.
Bà Minh Châu và bà Thu Giang cho rằng cả hai có được hình ảnh bên Bác Hồ là một sự may mắn, chứ không phải do ưu tú hay do chọn lựa gì. Khi đó bà Thu Giang thường xuyên đến nơi làm việc của mẹ là cán bộ Hội Phụ nữ gần Tân Trào ở khu ATK. Hội Phụ nữ ở gần khu hội nghị cách khoảng 1 cây số, đi qua một con ngòi rất nông, chỉ đến bắp chân thì đến khu hội nghị.
Có lúc Bác Hồ đi công tác qua cũng ghé thăm Hội Phụ nữ. Trước hôm được chụp ảnh đó, bà Thu Giang và Minh Châu cũng có lần được gặp Bác. Một lần Bác Hồ ghé thăm mang theo hai quả bưởi và Bác bảo: "Năm nay Bác không cho các cô quà đâu, Bác cho các cháu thôi".
Ngoài hai bức ảnh chụp chung với Bác, hai bà Minh Châu và Thu Giang còn giữ được một số bức ảnh khác, trong đó có bức hai bà đang múa ở ngoài sân hội nghị. Bức ảnh đó trước thuộc sở hữu của bà Đặng Việt Nga - con cụ Trường Chinh, do mọi người khi đó tưởng nhầm bà Việt Nga là em bé trong ảnh. Một lần bà Minh Châu đến chơi với bà Việt Nga, tình cờ thấy và bảo: "Ôi ảnh này là ảnh của em chứ không phải ảnh chị" và xin được về.
Trên bức ảnh đó, Bác Hồ đang đứng cùng nhiều người, trong đó có cả các chuyên gia Trung Quốc xem hai cháu thiếu nhi múa hát trong giờ hội nghị giải lao. Hai bà múa hát bài gì nay không còn nhớ tên, chỉ nhớ câu hát và giai điệu, vừa kể hai bà vừa đồng thanh ngân nga: "Cày sâu cuốc bẫm xong rồi người dân cầy thi đua". Bà Minh Châu cho rằng trong bức ảnh, bà Thu Giang tay múa dẻo hơn mình.
Sổ lương của Bác Hồ khi làm phụ bếp trên tàu Pháp lần đầu được công bố
(Techz.vn) – Những trang sổ lương của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi còn làm phụ bếp dưới tên Nguyễn Văn Ba (Nguyễn Ái Quốc) được công bố rộng rãi.