Vào ngày hôm qua (1/10/2014), Microsoft đã tổ chức sự kiện ra mắt chính thức hệ điều hành mới của mình với tên gọi Windows 10. Với sự xuất hiện đầy bất ngờ của Windows 10, còn quá ít điều mà người ta đã biết về hệ điều hành mới mẻ này. Dưới đây là phần tổng hợp những thông tin mà người sử dụng cần biết về hệ điều hành mới của Microsoft.
Tại sao lại là Windows 10 mà không phải là Windows 9?
Theo người đại diện của Microsoft, hệ điều hành mới sẽ đánh dấu bước chuyển mình quan trọng của nhà sản xuất phần mềm danh tiếng này, chính vì vậy Windows 10 là cái tên được lựa chọn. Với việc bỏ qua cột mốc Windows 9, Microsoft ngầm ám chỉ Windows 10 đã phá tan được một rào cản vô hình trong suy nghĩ của mọi người. Bên cạnh đó, với việc bỏ qua số 9 và lên thẳng tới số 10, gã khổng lồ phần mềm cũng muốn cho mọi người thấy rằng, Windows 10 là một sự khác biệt và cách tân hoàn toàn so với phiên bản hệ điều hành trước đó.
Nhiều người thắc mắc khi Microsoft bỏ qua Windows 9 và lên thẳng Windows 10 (Ảnh: Internet)
Trên mạng xã hội cũng có khá nhiều lời giải thích được đưa ra dành cho sự thay đổi này. Một tài khoản Twitter có tên Paul Thurrott còn đùa vui rằng: "Tại sao lại là Windows 10 ư? Bởi vì 7 - ăn - 9 mất rồi. Paul Thurrott đã chơi chữ khi số 8 trong tiếng Anh có cách phát âm tương tự như từ “ate” với nghĩa là ăn trong tiếng Việt.
Sự trở lại của cửa sổ Start Menu
Với Windows 8, Microsoft đã xóa bỏ đi cửa sổ Start Menu, thứ đã từng một thời trở thành biểu tượng của hệ điều hành này. Tuy nhiên, trước những phàn nàn của người dùng về sự bất tiện của giao diện Metro vốn không cần thiết trên máy tính, Microsoft đã thay đổi và đem cửa sổ Start Menu trở lại trên hệ điều hành mới.
Cửa sổ Start Menu trên Windows 10 sẽ là sự pha trộn giữa cửa sổ Start Menu trên Windows 7 và giao diện Metro trên Windows 8. Phần bên trái của cửa sổ Start Menu sẽ là danh sách các ứng dụng được trình bày dưới dạng icon và tên gọi như ở hệ điều Windows 7 trước đây. Trong khi đó, phần bên phải sẽ là sự góp mặt của các ô Live Tile như ở hệ điều hành Windows 8. Người sử dụng cũng có thể tiến hành cá nhân hóa giao diện của cửa sổ Start Menu bằng việc lựa chọn màu nền hay hiển thị thông tin cá nhân như tên hoặc hình ảnh đại diện.
Sau nhiều năm vắng bóng, cửa sổ Start Menu đã quay trở lại trên Windows 10 (Ảnh: blogs.windows.com)
Cùng với sự trở lại của cửa sổ Start Menu, công cụ tìm kiếm trên Windows 10 cũng sẽ được bố trí ngay ở khu vực cửa sổ này, tương tự như trên hệ điều hành Windows 7. Bên cạnh đó, Microsoft cũng tiến hành một vài thay đổi nhỏ với các ứng dụng Metro được bố trí theo dạng Live Tile trên máy.
Khi người sử dụng khởi chạy các ứng dụng Metro, chúng sẽ hiện ra dưới dạng cửa sổ thu nhỏ thay vì chiếm hết cả khung hình (theo chế độ maximize) như ở Windows 8. Thanh tiêu đề có khả năng kéo thả với 3 lựa chọn quen thuộc là thu nhỏ (minimize), phóng lớn (maximize), và đóng cửa sổ (Close) cũng đã được bổ sung cho các ứng dụng trên Store, qua đó giúp người dùng có thể linh hoạt hơn trong quá trình sử dụng.
Các tính năng mới
Khi nói đến các tính năng mới trên hệ điều hành Windows 10, một trong những điểm được người đại diện của Microsoft nhấn mạnh là khả năng hoạt động đa nhiệm trên nền tảng mới. Ở hệ điều hành Windows 8, nền tảng này cung cấp cho người sử dụng khả năng chia màn hình thành 2 phần (Snap View) với một bên chạy các ứng dụng desktop, trong khi bên còn lại chạy các ứng dụng trên nền Metro. Sang đến Windows 10, công cụ Snap Enhancement giúp bạn có thể chia màn hình làm 4 phần với việc bố trí các ứng dụng ở 4 góc phần tư của màn hình.
Với Snap Enhancement, bạn có thể chia màn hình thành 4 phần để làm việc (Ảnh: blogs.windows.com)
Bên cạnh khả năng hoạt động đa nhiệm với 4 cửa sổ ứng dụng kể trên, Windows 10 còn cung cấp một tính năng mới với tên gọi Multi Desktop. Multi Desktop sẽ giúp tạo ra nhiều màn hình desktop phục vụ cho những mục đích khác nhau của người sử dụng. Bạn cũng có thể chuyển đổi dễ dàng giữa các màn hình desktop khác nhau này.
Các ứng dụng Metro trên Windows 10 được bật mở và thao tác dưới dạng cửa sổ thông thường (Ảnh: blogs.windows.com)
Microsoft còn cung cấp thêm một công cụ mới với tên gọi New task view. Công cụ này sẽ được thể hiện dưới dạng một biểu tượng trên thanh công cụ. Khi nhấn vào biểu tượng này người sử dụng có thể tiến hành chuyển đổi nhanh chóng giữa các ứng dụng đang chạy và các màn hình desktop (trên hệ multi desktop) đã nói đến ở trên. Có thể hiểu nôm na rằng, task view sẽ giúp ta thực hiện các tác vụ giống như khi nhấn tổ hợp Alt + Tab như ở trên hệ điều hành Windows 8 vậy.
Công cụ mới với tên gọi New Task View, hỗ trợ việc chuyển đổi giữa các ứng dụng (Ảnh: blogs.windows.com)
Với cửa sổ câu lệnh Command hay CMD, Microsoft cũng đã bổ sung thêm tính năng giúp Copy Paste các câu lệnh bằng cụm phím tắt Ctrl +V thay vì phải kích chuột phải và ấn Paste như trước đây. Đây là một thay đổi nhỏ nhưng rất hữu ích với người dùng.
Mức cấu hình tối thiểu?
Theo những lời giới thiệu từ phía Microsoft, Windows 10 sẽ là một nền tảng đa môi trường với sự phủ sóng của nhiều thiết bị như smartphone, máy tính bảng và máy tính để bàn (PC). Tuy nhiên trước khi nghĩ đến một thiết bị di động thông minh, nhiều người quan tâm hơn đến sự tương thích trên phiên bản PC của nó. Điều này là tất nhiên khi mà máy tính vẫn là công cụ làm việc chính của mọi người và đây cũng là những gì mà đại đa số người sử dụng đang trông chờ từ Microsoft.
Windows 10 có khả năng hoạt động trên nhiều loại thiết bị như smartphone, máy tính bảng và máy tính để bàn (Ảnh: blogs.windows.com)
Theo một tweet được đăng tải trên trang cá nhân của Frank Shaw - Phó chủ tịch phụ trách truyền thông của Microsoft, ông này cho biết, yêu cầu phần cứng của Windows 10 tương tự như với Windows 8. Điều này đồng nghĩa với việc một thiết bị được mua về để chạy trên nền tảng Windows 8 sẽ hoàn toàn có thể tương thích với việc nâng cấp lên Windows 10.
Theo những thông tin được đưa ra từ Shaw, mức cấu hình tối thiểu để hoạt động tốt trên nền tảng hệ điều hành mới từ Microsoft bao gồm:
- Bộ VXL tốc độ 1 GHz hoặc nhanh hơn, có hỗ trợ PAE, NX và SSE2
- Dung lượng RAM tối thiểu 1 GB (32 bit) hoặc 2 GB (64 bit)
- Bộ nhớ tối thiểu: 16 GB (32 bit) hoặc 20 GB (64 bit)
- Card đồ họa: Microsoft DirectX 9 với trình điều khiển WDDM
Với những ai đang quan tâm đến Windows 10, các bạn có thể download về phiên bản thử nghiệm (sẽ được Microsoft cung cấp trong 1 2 ngày tới) để cài đặt và trải nghiệm hệ điều hành mới mẻ này.