Điện thoại

Những điện thoại Android nổi bật nhất từng được sản xuất

Những điện thoại Android nổi bật nhất từng được sản xuất

Đây là những thiết bị đánh dấu những cột mốc quan trọng và có ý nghĩa nhất trong chặng đường phát triển của Android.


 

Chính vì vậy sự bình chọn trong bài viết này chỉ mang tính chủ quan và chắc chắn sẽ gây “động chạm” tới những người dùng đang sở hữu những thiết bị đình đám khác.

1. Google Dream (T-Mobile G1): Khai quốc công thần

Chiếc T-Mobile G1 đã trở thành huyền thoại

Chắc có lẽ đây là vị trí duy nhất không gây nên sự tranh cãi nào. Đến bây giờ nhìn lại, người ta có thể thấy G1 thật cục mịch, xấu xí, yếu ớt và đầy những thiếu sót về tính năng. Thế nhưng ở thời điểm ra mắt cuối năm 2008, chiếc điện thoại với màn hình 3.2 inch, đi kèm một bàn phím QWERTY vật lý này thực sự là một chiếc điện thoại gây được nhiều chú ý, bởi nó được trang bị “linh hồn” là một hệ điều hành mới mẻ nhưng đầy hứa hẹn, sự “hứa hẹn” đã khiến ngày nay không ai trong chúng ta không biết tới tên của nó: Android.

Đó là một hệ điều hành đẹp, nhiều tùy biến, và đầy đủ chức năng (vào thời điểm đó). Chiếc điện thoại này là nhân vật sáng giá nhất vào thời điểm đó có thể khiến người ta có thể rời mắt khỏi chiếc iPhone quá thành công và hào nhoáng.

Dù doanh số khá khiên tốn, chỉ khoảng hơn 1 triệu sản phẩm được bán ra, nhưng không còn gì để phản đối, G1 đã đi vào lịch sử của ngành công nghiệp điện thoại như một huyền thoại.

2. HTC Hero: Kẻ thức thời là trang tuấn kiệt

Hero đánh dấu kỷ nguyên Android bắt đầu trên phạm vi toàn thế giới

HTC Hero thậm chí không phải điện thoại đắt nhất, đẹp nhất, hay mạnh mẽ nhất của HTC ở thời điểm nó ra mắt, nhưng nó là chiếc điện thoại đầu tiên của một nhà sản xuất độc lập sử dụng hệ điều hành Android (những chiếc G1, G2 cũng do HTC sản xuất, nhưng chỉ là theo đơn đặt hàng của T-Mobile). Nó là cột mốc đánh dấu thời kỳ Android bắt đầu bước ra “ánh sáng” để tranh tài với những chiến binh Symbian, iOS, Windows Mobile hay Blackberry OS.

Cảm giác sang trọng mà lớp vỏ nhôm của máy mang lại, sự tinh tế và đẹp mắt của giao diện Sense UI, cùng sự xuất hiện chính thức của công nghệ cảm ứng đa điểm (G1 và G2 gặp rắc rối pháp lý với Apple nên không thể công khai áp dụng công nghệ này) khiến người dùng Android không còn cảm thấy chạnh lòng trước sự mượt mà và vẻ long lanh của những chiếc iPhone nữa.

Kể từ đây, Sense UI đã thiết lập một “chuẩn mực” về khái niệm một  “giao diện đẹp” trên điện thoại (ngày nay tiêu chuẩn này đã không còn mấy giá trị).

Từ dấu mốc này, các nhà sản xuất bắt đầu sử dụng Android cho các thiết bị điện thoại của mình, bắt đầu là Samsung, rồi LG, và tiếp theo là Motorola, Sony,.... để rồi dẫn đến một thế giới Android muôn màu như ngày nay.

Kẻ thức thời là trang tuấn kiệt, “Hero” đã lọt vào danh sách này nhờ điều ấy.

3. Motorola Droid : Cứu rỗi một đế chế

Chiếc điện thoại này đã trở thành vị cứu tinh của Motorola

Ngày nay chúng ta nghĩ Motorola là một nhà sản xuất hết thời, chậm đổi mới, và sẽ phá sản nếu không được Google mua lại vào năm ngoái.

Thế nhưng sự phá sản của Motorola có thể đến từ trước đấy rất lâu, từ năm 2009, nếu như họ không có một “người hùng” như chiếc Droid.

Trở lại thời điểm năm 2009, Motorola vẫn được cho là một người tiên phong trong ngành công nghiệp viễn thông nói chung và lĩnh vực sản xuất điện thoại nói riêng, nhưng kể từ sau những chiếc V6, V8, những sản phẩm tạo nên cơn sốt một thời, Motorola chưa có một sản phẩm nào ra hồn, và chỉ còn sống lay lắt dựa trên vinh quang còn dư lại của một thời kỳ hào hùng. Thời điểm đó họ có 2 lựa chọn, một là tập trung phát triển một dòng sản phẩm mới, với hy vọng sự thành công của nó sẽ là cứu cánh cho cả công ty, hay chờ đợi sự phá sản, rồi sát nhập vào một công ty “trẻ khỏe” hơn, một viễn cảnh không còn xa. Họ đã chọn cách thứ nhất, và đối tác mà họ đã chọn là Google, với hệ điều hành đầy hứa hẹn Android.

Lựa chọn nhà mạng Verizon, công ty có tình cảnh tương tự Motorola, nhưng đã được “cứu sống” nhờ hợp đồng phân phối iPhone, Motorola tin vào kinh nghiệm của nhà mạng này trong việc tiếp thị và tung ra thị trường một siêu phẩm lớn. Việc mua thương hiệu Droid từ Lucasfilm là một chiêu marketing không thể độc đáo hơn, thể hiện sự cao tay của nhà mạng này.

Ngay trong tuần đầu tiên hồi cuối năm 2009, Droid đã bán được 250.000 bản, biến nó thành chiếc Android bán nhanh nhất đến thời điểm đó, để rồi đạt được doanh số hơn 2 triệu chiếc cho đến khi phiên bản Droid tiếp theo ra mắt.

Điều gì làm nên thành công của Droid? Đó là một cấu hình siêu mạnh vào thời điểm đó: CPU Texas Instrument 600Mhz với đồ họa rời từ PowerVR, RAM 256MB, 512 ROM, nhưng vẫn đi kèm một thẻ nhớ SDHC dung lượng tới 16GB. Đi kèm với đó là một màn hình khổng lồ 3.7 inch với độ phân giải rất cao 854x480, và trang bị hệ điều hành 2.2.3 mới nhất. Quá nhiều thông số ấn tượng, cùng với sự PR mạnh mẽ của Verizon đã khiến số phận của Motorola được đảo ngược, khiến họ có được 2 điều: một dòng sản phẩm có thương hiệu mạnh (Droid), cùng một nguồn tài chính dồi dào đủ để nuôi sống toàn bộ công ty trong những tháng ngày thất bát sau này - LOL. Nói cách khác, Droid đã sắm danh anh hùng để cứu cả một đế chế đang suy sụp.

4. Sony Ericsson Xperia X10: 1GHz và sự khởi đầu đầy hứa hẹn

Thiết kế của X10 đã làm người viết nhiều đêm thao thức

X10 không phải điện thoại đầu tiên có chip 1Ghz (chiếc Toshiba TG-01 của thị trường Nhật mới có vinh dự này), nhưng nó là sản phẩm đầu tiên được bán ra ở quy mô lớn và lại là sản phẩm đầu tiên của Sony dùng Android.

Lần đầu nhìn thấy X10, người viết đã xao xuyến rất nhiều và mãi sau này vẫn có khi mơ về chiếc điện thoại này (j/k). Nó rất quyến rũ, rất mạnh mẽ, và được tùy biến rất sâu, nên mang bản sắc Sony rất rõ ràng.

Với X10, Sony đã đặt chân và dần dần giao phó hoàn toàn mảng điện thoại của mình vào tay Android/Google. Đó là lý do mà X10 lọt vào danh sách này, mặc dù về tầm ảnh hưởng cũng như thiết kế thì nó vẫn kém 1 vài siêu phẩm sau này của Sony

5. Google Nexus One: Khởi đầu một thương hiệu

Sản phẩm "cụ ông" của gia đình Nexus đình đám

Google ban đầu không có ý định phát triển một dòng sản phẩm phần cứng cho riêng mình (và thực chất đến giờ cũng vậy), nhưng họ cảm thấy cần có một dòng sản phẩm mang tên họ, và dòng sản phẩm đó sẽ nhận được mọi sự hỗ trợ tối đa (mặc dù họ không trực tiếp sản xuất phần cứng) từ họ. Đó là lý do mà thương hiệu Google NEXUS đã được khai sinh.

Thương hiệu này có thành viên đầu tiên là chiếc Nexus One, được HTC gia công cho Google và ra mắt vào tháng 1 năm 2010. Với việc được trang bị hệ điều hành Android mới nhất, cộng với việc được mở khóa Bootloader sẵn, thiết bị này lý tưởng cho những nhà phát triển cũng như những người dùng muốn trải nghiệm Android một cách “tinh khiết” nhất. Tốc độ hoạt động của chiếc máy này là “vô đối” vào thời điểm đó, một phần nhờ CPU tốc độ cao 1GHz, dung lượng RAM lớn lên đến 512MB RAM, nhưng phần lớn nữa là do nó nhận được những cập nhật mới nhất từ chính Google mà không cần qua một khâu tinh chỉnh của nhà sản xuất nào khác. Rất tiếc, một sự cố về nguồn cung tấm nền AMOLED đã khiến màn hình 3.7 inch của Nexus One chỉ được trang bị tấm nền Super LCD phổ thông, một điểm yếu hiếm hoi trên chiếc điện thoại này.

Do được phân phối qua kênh online, dẫn đến sự kém phổ biến trên thị trường, và sự xuất hiện của nhân vật số 5 sau đây mà doanh số của Nexus One khá èo uột, chỉ có khoảng hơn 100 nghìn máy được bán ra trong 2 tháng đầu. Dù sao thì nó cũng đã hoàn thành sứ mệnh của mình, là chiếc máy tiên phong trong gia đình Nexus ngày càng có nhiều quyền lực.

6. HTC Desire: Tốt vừa đủ là ... đủ

Người ta bảo điện thoại phải đột phá mới đáng mua, thế c&ogrograve;n mua HTC Desire làm gì?

Trong thị trường công nghệ, bạn có thể không cần là kẻ tiên phong, không cần là mở đường, không phải là kẻ đột phá, nhưng bạn vẫn sẽ thành công nếu biết cách trau chuốt, tối ưu hóa và PR tốt cho những gì mình có. HTC Desire là một mình chứng không thể rõ ràng hơn cho điều đó.

Desire không phải là một sản phẩm có cấu hình cao nhất, CPU Snapdragon 1GHz của nó yếu hơn nhiều Hummingbird trang bị trên Galaxy S (mẫu điện thoại cùng thời cũng rất thành công), RAM 512MB cũng là một dung lượng phổ biến, màn hình AMOLED rực rỡ cùng xuất hiện nhiều trên các sản phẩm của Samsung (đây là lý do mà nguồn cung màn hình AMOLED cho Nexus One khan hiếm). Thế nhưng tất cả những thứ ấy được đặt trong một lớp vỏ kim loại, một thiết kế nam tính và sang trọng, ẩn sau một lớp giao diện Sense UI trứ danh. Mọi yếu tố ấy được thương hiệu HTC nâng cánh để rồi giành nhiều giải thưởng cho điện thoại tốt nhất trong năm đó, đi kèm là một doanh số bán hàng đáng sợ mà nhiều đối thủ phải thèm thuồng.

7. Samsung Galaxy S: Làm nên một tên tuổi

Sự ra đời của Galaxy S là điểm xuất phát cho quá trình đua tốc độ các dòng chip di động

Có thể Desire là một chiếc điện thoại thành công, nhưng Galaxy S mới là chiếc điện thoại thành công nhất cả về mặt doanh số cũng như giá trị đánh bóng thương hiệu. Galaxy S đánh dấu thời kỳ Samsung nổi lên như một thế lực trong làng điện thoại, và đánh dấu chính thức sự khai sinh một dòng điện thoại mà cho đến nay đã đóng vai trò quan trọng nhất trong làng smartphone. Sự kiện của Samsung để giới thiệu những chiếc Galaxy S mới giờ đây được chú ý chẳng kém gì sự kiện giới thiệu sản phẩm mới của Apple.

Ở thời điểm ra mắt, sức mạnh của Galaxy S là không có đối thủ. Chính Galaxy S đã mở đầu cho cuộc đua rất hấp dẫn trên trường đua tốc độ CPU của các thiết bị di động, cuốn theo những tên tuổi nổi tiếng, trong đó có cả gã khổng lồ Apple.

Tiêu thụ được trên 10 triệu bản trên toàn thế giới, Galaxy S biến Samsung từ một anh nhà quê mới sản xuất điện thoại thành một nhà sản xuất danh tiếng không ai có thể xem thường, mở đầu cho thời kỳ thịnh vượng của Android.

8. Motorola Atrix: Tiên phong nhưng yểu mệnh

Điện thoại 2 nhân là tốt nhưng với Atrix thì nó chưa đủ tuyệt vời

Motorola Atrix là một nỗ lực tìm kiếm một thương hiệu mạnh khác, sau dòng Droid đã bắt đầu bị nhàm chán của gã khổng lồ nước Mỹ. Thế nhưng có vẻ điều đó đã thất bại thảm hại, vì chúng ta giờ đây biết đến Atrix như chiếc điện thoại đầu tiên được bán ra thị trường có 2 nhân xử lý (LG Optimus 2X được bán ra sau mặc dù được giới thiệu trước). Với con chip Tegra 2 mạnh mẽ và “nóng bỏng” (theo nghĩa đen và cả nghĩa bóng), doanh số của Atrix rất yếu kém, dù Moto đã trang bị một màn hình độ phân giải cực cao, đến chuẩn qHD (960x640) cho thiết bị này.

Dù sao thì, ngoài việc mở đầu xu thế đa nhân xử lý trên thiết bị di động, thiết bị này cũng được nhớ đến như tiên phong cho xu hướng “Transformer” của thiết bị di động khi đi kèm bộ phụ kiện độc đáo biến nó thành một chiếc laptop siêu nhẹ. Dù sao thì giá thành phụ kiện cao, vấn đề nhiệt độ chưa được giải quyết, cùng kiểu dáng cục mịch đã khiến cho Atrix và các phiên bản sau này của nó không được đón nhận nồng nhiệt.

9. Samsung Galaxy Note: Càng to càng thích

Galaxy Note, kẻ mở đầu cho trào lưu "to mới sướng"

Cách đây 2 năm, sở hữu một chiếc điện thoại như kiểu Galaxy S2 với màn hình 4.3inch đã bị cho là hơi “quá khổ”, nhưng Galaxy Note đã ra đời, và với màn hình lên tới 5.3 inch, nó đã khiến người ta mơ hồ dần giới hạn giữa điện thoại màn hình lớn và máy tính bảng màn hình nhỏ.

Rất nhiều chỉ trích về thiết kế quá đồ sộ, rất nhiều lo ngại cho doanh số của Note, nhưng con số 10 triệu chiếc được tiêu thụ đã đập tan mọi nghi ngờ về nhu cầu của người dùng về việc có một điện thoại màn hình to. Ngoài ra, đóng góp vào doanh số ấy còn là sự xuất hiện của chiếc bút cảm ứng. Việc ghi chú, vẽ trực tiếp trên màn hình là một trải nghiệm hay ho mà bạn nên thử.

10. Samsung Galaxy S3: Cứ chỉ trích, nhưng vẫn mua là được!

Bạn vừa chê nó à? Thế sao còn mua?

Không dám nói rằng thiết kế của S3 đẹp, không dám nói cấu hình của S3 là tốt nhất (mặc dù có vẻ như thế thật) ở thời của nó, nhưng có một điều chắc chắn: S3 hiện đang là chiếc điện thoại Android bán được nhiều nhất (hơn 50 triệu sản phẩm), và đã có lúc doanh số của nó vượt qua được chiếc iPhone danh tiếng (lần đầu tiên sau nhiều năm Apple thống trị).

Mọi người chỉ trích rất nhiều về thiết kế có phần nữ tính, về chất liệu sản xuất không cao cấp (đều là hậu quả của cuộc chiến pháp lý với Apple) của S3, nhưng rốt cục thương hiệu mạnh, cộng với sự trau chuốt trong các tính năng vẫn khiến người tiêu dùng móc hầu bao. Từ sau chiếc S2 thành công và nhận được nhiều chủ yếu là lời khen, có vẻ Samsung đã quen với việc người ta cứ chỉ trích đi, cứ chê bai đi, nhưng cứ mua đi là được! - LOL.

11. Google Nexus 4: Tốt nhất, rẻ nhất

Điện thoại rẻ, nhưng giá trị không rẻ

Dòng Nexus càng ngày có quyền lực càng lớn trong thế giới điện thoại, đơn giản vì sự nâng cấp phần mềm của Google ngày càng đáng chú ý.

Thế nhưng Nexus 4 thực sự tạo ra một cơn shock, một trận địa chấn thực sự: một sản phẩm với cấu hình cực kỳ khủng khiếp, ngang với các thiết bị đầu bảng trên thị trường, với thiết kế đẹp, cùng với sự đảm bảo hỗ trợ của Google, nhưng chỉ có mức giá của điện thoại bình dân! Sự cháy hàng trên phạm vi toàn thế giới đã cho thấy được độ “nóng” của sản phẩm này như thế nào.

Chiến lược mới của Google đã được thể hiện rõ: bán những thiết bị tốt nhất mang tên mình ở mức giá thấp nhất có thể được, để người dùng có cơ hội trải nghiệm những phiên bản Android mới nhất.

Tuy nhiên, để không làm “mất lòng” những đối tác, không đụng đến miếng cơm của họ, Google phải cắt giảm số lượng đặt hàng Nexus 4 ở một mức độ hợp lý, khiến cho những chiếc máy này trở nên khan hiếm và phải chấp nhận trả giá cao hơn nhiều để mua được.

Dù sao thì những chiếc Nexus giờ đây đã khiến những nhà sản xuất phải tính đến nhiều thứ hơn là chỉ chăm chăm tăng cấu hình cho những sản phẩm của mình để lôi kéo người dùng. Bây giờ ta thấy những hãng sản xuất chú trọng vào những tính năng mang tính nâng cao trải nghiệm người dùng (tiêu biểu là Samsung), mà ít chú ý đề cập đến cấu hình trong những quảng cáo của mình hơn.

Đọc thêm: Top 10 sản phẩm Android tốt nhất trong nửa đầu năm 2013