Doanh nghiệp

Những cú khuấy đảo liên quan ông Nguyễn Đăng Quang: Ngàn tỷ trao tay

Trong tuần qua, thị trường chứng khoán chứng kiến thanh khoản tăng đột biến, với 2 phiên giao dịch có giá trị trên chục ngàn tỷ, nhờ giao dịch thỏa thuận của khối ngoại đối với cổ phiếu MSN của CTCP Tập đoàn Masan của ông Nguyễn Đăng Quang.

Giao dịch đầu tiên ghi nhận hôm 2/10 với hơn 11 ngàn tỷ đồng. Đây là khoản tiền Tập đoàn SK Group đã chi để mua gần 110 triệu cổ phiếu quỹ của MSN. Hôm 5/10, gần 60 triệu cổ phiếu MSN được sang tay thông qua giao dịch thỏa thuận, với tổng trị giá hơn 5,3 ngàn tỷ đồng. Giao dịch này, theo Bloomberg, được thực hiện bởi thương vụ bán ra của KKR của Mỹ.

Sở dĩ KKR bán ra ở mức giá thấp hơn so với giá mà Masan bán cổ phiếu quỹ cho SK Group là bởi ở mức giá này KKR đã thu về một khoản lợi nhuận lớn trong thời gian ngắn.

Trước đó, hồi tháng 4/2017, KKR mua cổ phiếu MSN ở mức giá 42.000 đồng. Với mức giá bán ra hơn 89.000 đồng, KKR thu lời khoảng 100 triệu USD trong vòng 1 năm.

Thống kê giao dịch cho thấy, trong phiên 5/10, các NĐT nước ngoài mua vòa 59 triệu cổ phiếu MSN, trong khi bán ra 55,8 triệu cổ phiếu MSN. Lượng bán ra của KKR là 54,8 triệu cổ phiếu. Như vậy, các giao dịch khủng của MSN chủ yếu thực hiện giữa các NĐT nước ngoài với nhau.

Theo Bloomberg, đối tác mua một nửa số cổ phiếu Masan mà KKR bán ra là GIC của Singapore. 

Vợ chồng ông Nguyễn Đăng Quang.

Trong vài năm gần đây, làn sóng nhà đầu tư ngoại vào Việt Nam khá mạnh. Đích ngắm của các đại gia ngoại thường là các doanh nghiệp đầu một số ngành có tiềm năng của Việt Nam như: bất động sản, bán lẻ, ngân hàng, hàng không, tiêu dùng nhanh,...

Hoạt động chốt lời của khối ngoại cũng diễn ra rất mạnh do nhiều NĐT vào Việt Nam khá sớm. Nhưng hầu hết những khoản mua bán đều được thực hiện nội khối, vốn cổ phần được chuyển từ NĐT ngoại này sang NĐT ngoại khác.

Ở mức giá cao gần kỷ lục, quỹ The Ton Poh Fund đã chuyển chuyển nhượng tổng cộng hơn 1 triệu cổ phiếu CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) cho một loạt các quỹ ngoại khác. Trước đó, The Ton Poh Fund cũng đã chuyển nhượng 1,5 triệu cổ phiếu MWG cho Hanoi Investments Holdings Limited.

Mức lợi nhuận lớn khiến nhiều quỹ ngoại chốt lời nhưng dòng vốn ngoại vẫn có xu hướng chảy vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Nhiều tổ chức khác vẫn rót tiền và kỳ vọng vào những doanh nghiệp đầu ngành Việt Nam như: đại gia bán lẻ MWG, đại gia tiêu dùng Masan, đại gia dầu khí Petrolimex, đại gia hàng không VietJet…

Trong vài năm qua, các đại gia ngoại đổ hàng tỷ USD vào các ông lớn như Vingroup, Sabeco, Vinamilk, VietJet, Thế giới di động, PNJ...

Gần đây, các thị trường mới nổi ở châu Á bị rút vốn mạnh nhất kể từ khủng hoảng 2008 do lãi suất ở Mỹ tăng mạnh và giới đầu tư lo ngại về một cuộc khủng hoảng tài chính mới, theo chu kỳ 10 năm có thể xảy ra.

Tuy nhiên, theo báo cáo của CTCK HSC, với nền tảng vĩ mô vững chắc, nền kinh tế Việt Nam đang được xem là một điểm khác biệt so với khu vực. Dòng vốn ngoại vẫn đổ vào, bất chấp tình hình rút ròng vốn đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt tại các thị trường mới nổi.

Hàn Quốc là một nước có dòng tiền đổ vào Việt Nam lớn nhất, thông qua cả vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI và cả gián tiếp FII.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), áp lực chốt lời tăng mạnh trong vài phiên gần đây, khiến VN-Index tuột mốc 1.000 điểm.

Nhóm cổ phiếu dầu khí giảm mạnh sau 1 thời gian tăng nóng. Giá dầu quay đầu giảm và dự báo sẽ không có khả năng bứt phá như kỳ vọng trước đó. Petrolimex, PV GAS, PVS, PVD,... đều giảm mạnh.

Một số cổ phiếu đầu ngành cũng chịu áp lực giảm mạnh như Vingroup (VIC) của ông Phạm Nhật Vượng, Masan của ông Nguyễn Đăng Quang, Novaland của ông Bùi Thành Nhơn...

Một số công ty chứng khoán (CTCK) có cái nhìn thận trong hơn trong các dự báo.

SHS cho rằng, VN-Index có thể tiếp tục điều chỉnh với ngưỡng hỗ trợ gần nhất tại 985 điểm (MA50). Nhà đầu tư ngắn hạn tiếp tục duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức cân bằng để dễ dàng ứng phó với các diễn biến của thị trường và chưa nên vội vã bắt đáy trong giai đoạn này. Nhà đầu tư dài hạn vẫn có thể tiếp tục nắm giữ những cổ phiếu đang có vị thế tốt trong danh mục và có triển vọng tăng trưởng tích cực trong thời gian tới.

BSC dự báo thị trường sẽ có khả năng tiếp tục giằng co trong vùng 992-996 điểm với thanh khoản giảm nhẹ trong các phiên sắp tới, trước khi phục hồi về mốc 1000 điểm. Nhà đầu tư nên tiếp tục theo dõi tình hình kinh tế vĩ mô trong nước và thế giới và hạn chế giao dịch.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 8/10, VN-Index giảm 12,27 điểm xuống 996,12 điểm; HNX-Index giảm 0,29 điểm xuống 114,38 điểm. Upcom-Index giảm 0,36 điểm xuống 53,67 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 270 triệu đơn vị, trị giá 6,0 ngàn tỷ đồng.

Theo: Vietnamnet 

 

Cuộc chiến giành “ngôi vương” trên thị trường bán lẻ của tỷ phú Phạm Nhật Vượng

(Techz.vn) Với việc VinCommerce, đơn vị thành viên của Tập đoàn Vingroup mua lại 100% cổ phần chuỗi siêu thị Fivimart từ Công ty Cổ phần Nhất Nam, Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đang từng bước vẽ lại bản đồ thị trường bán lẻ Việt Nam theo cách của riêng mình.