Tư vấn

Nhu cầu dùng smartphone của dân Việt đơn giản chỉ “nghe, gọi”

Có đến 95% người dùng Việt Nam mua smartphone để nhắn tin SMS và 99% để gọi điện thoại, trong khi các tiện ích khác do smartphone mang lại được sử dụng rất khiêm tốn.


Theo kết quả khảo sát về người dùng smartphone tại các nước châu Á – Thái Bình Dương do Ericsson vừa công bố ngày 8/8/2012, thật bất ngờ khi được hỏi “Tính năng nào anh/chị sử dụng nhiều nhất trên thiết bị của mình?”, top 5 hoạt động được người dùng smartphone Việt sử dụng nhiều nhất lần lượt là gọi điện (99%), nhắn tin SMS (95%), lướt net (68%), truy cập mạng xã hội (38%) và sử dụng các ứng dụng (35%).

Trong khi đó, tại các quốc gia đang phát triển, tỉ lệ người dùng smartphone để gọi điện và nhắn tin thấp hơn rất nhiều, chẳng hạn tại Úc, tỉ lệ này là 81% và 89%; tại Singapore 77% và 92%; tại Malaisia là 65%, 90%…

Theo khảo sát của Ericsson, tại các nước đang phát triển, các tính năng là thế mạnh của smartphone như truy cập mạng xã hội, lướt net, check mail, chạy các ứng dụng (app) có tỉ lệ sử dụng rất cao, đạt trên 50% người dùng. Chẳng hạn tại Úc, tỉ lệ này lần lượt là 58%, 71%, 60% và 64%; tại Malaisia là 69%, 71%, 53%, 54%; tại Singapore là 64%, 82%, 75% và 70%. Tại Việt Nam, tỉ lệ này là 38%, 68%, 25% và 35%.

 

Mục đích sử dụng smartphone của người Việt so với các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh: Ericsson CumsumerLab tháng 8/2012.

 

Ông Jan Wassenius, Tổng Giám đốc Ericsson Việt Nam, Lào và Campuchia cho biết, thực ra những thói quen sử dụng smartphone của người Việt cũng nằm trong xu thế chung của các nước mới nổi. Phần lớn người dùng vẫn chưa có thói quen khai thác các tiện ích do smartphone mang lại như ngân hàng trực tuyến, tivi trực tuyến, kho ứng dụng (app store)….

Thực tế này, ở một khía cạnh nào đó cho thấy các nhà mạng chưa khai thác được hết tiềm năng lợi nhuận từ việc đầu tư cho mạng 3G cũng như sự bùng nổ smartphone và máy tính bảng đang diễn ra.

Trong khi đó, theo đại diện Ericsson, các nhà mạng không việc gì phải sợ thất thu từ việc người dùng dần chuyển sang sử dụng cuộc gọi VoIP và tin nhắn (instant message) từ các ứng dụng như Skype, Yahoo Messenger, Viber… “Thậm chí nhà mạng có thể kiếm thêm lợi nhuận từ đây”, đại diện Ericsson khẳng định.

Ví dụ điển hình được dẫn ra từ Úc, nhà mạng Teltra đã có thể tăng APRU (doanh thu trên mỗi thuê bao) từ 20 USD lên 40 USD nhờ vào việc đưa ra các gói cước phù hợp với nhu cầu từng người dùng, từ gói cước dành cho một tính năng riêng biệt trên smartphone như truy cập mạng xã hội hay lướt net; gói cước cho một khoảng thời gian nhất định một ngày, vài ngày hay thuê bao tháng, đến gói cước về chất lượng dịch vụ (đảm bảo tốc độ truy cập luôn đạt 1Gbps…).

Hoặc như ở Ấn Độ, nhà mạng Aircel lại có một cách kinh doanh khác khi bắt tay trang web nghe nhạc trực tuyến đông người truy cập nhất tại quốc gia này để cung cấp các gói cước chuyên về nghe nhạc như theo số lượng bài, theo thời lượng…

Việt Nam đang có lợi thế để khai thác các dịch vụ theo hướng này. Dù sao, không thể phủ nhận rằng số lượng các thiết bị có khả năng kết nối 3G tại Việt Nam đang tăng lên và nhà mạng cần đáp ứng các nhu cầu của người dùng.

 

 

Theo cafef5