Sản phẩm - Dịch vụ

Nhiều quý bà bị “đánh lừa” vì thuốc giảm cân cấp tốc?

Nhiều quý bà bị “đánh lừa” vì thuốc giảm cân cấp tốc?

Hiện nay, nhiều phụ nữ vì quá tự ti với thân hình “quá khổ” của mình nên ngay sau khi được bạn bè mách có loại thuốc giảm cân rất hiệu quả, đã không tiếc tiền mua và sử dụng, để rồi hứng chịu hậu quả đau lòng…

Có rất nhiều lý do để chị em tìm đến phương pháp giảm cân: Vì quá tự ti với thân hình “quá khổ”, do bận bịu với công việc cơ quan và gia đình nên không thể tham gia các lớp tập thể dục được… Chính vì thế, để giữ lại vóc dáng tuổi thanh xuân, nhiều người đã chọn giải pháp mà bạn bè mách nước vừa nhanh, hiệu quả mà lại không tốn thời gian, đó là thuốc giảm cân cấp tốc.

Theo một thống kê chưa đầy đủ, tại Việt Nam hiện nay có khoảng trên 100 loại thuốc giảm cân đang được lưu hành. Ngoài ra, còn rất nhiều các loại thuốc giảm cân tự chế, không nhãn mác khác đang được bày bán tràn lan trên mạng.

Nhiều quý bà bị “đánh lừa” vì thuốc giảm cân cấp tốc

Hướng dẫn phân biệt hàng thật - hàng giả của một nhà phân phối thuốc giảm cân

Hiện tại, thuốc giảm cân đang tràn ngập cả thị trường, trên mạng online cũng như trong các hiệu thuốc và spa thẩm mỹ. Tìm hiểu tại một số hiệu thuốc và trên các trang web quảng cáo tràn lan thuốc giảm cân, với giá bán dao động từ 900.000 đồng/hộp đến 1.200.000 đồng/hộp. Nhiều nhất là các sản phẩm: 2 D.D, 2x P.S, S., 3 D.F... 

Do thiếu sự quản lý của các cơ quan chức năng, các loại thuốc đa phần mập mờ nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác cũng như cách hướng dẫn sử dụng, nên người sử dụng rất dễ mua phải thuốc giả, kém chất lượng ảnh gây nên hậu quả khó lường.

Thực tế, nhiều loại thuốc giảm cân ngoài được quảng cáo có xuất xứ từ Mỹ, Nhật… nhưng trên vỉ thuốc, lọ thuốc lại có chữ Trung Quốc. Các loại thuốc này chỉ ghi giá bán, chứ không hề có hướng dẫn cũng như hạn sử dụng.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, những loại thuốc giảm cân được cho là cấp tốc, giảm đến gần chục kg/tháng chỉ là hoang đường. Thuốc được bào chế có tác dụng giảm cân là có, tuy nhiên những loại thuốc này chỉ có tác dụng từ từ và có tác dụng khi sử dụng kết hợp với chế độ sinh hoạt và tập luyện hợp lý. Để có đánh giá đúng và đảm bảo cơ sở khoa học về các loại thuốc có khả năng làm giảm cân thì cần phải kiểm định rõ ràng các thành phần ghi trên vỏ hộp. Việc nhà sản xuất công bố các thành phần trên vỏ hộp cũng chưa hẳn đã thực sự chứng minh được công dụng thật của sản phẩm. Bởi, có rất nhiều sản phẩm hàng hóa nhãn mác ghi một đằng, chất lượng lại một nẻo, các thành phần ghi trên nhãn chưa chắc đã tồn tại trong sản phẩm hoặc có thì hàm lượng cũng không đủ như công bố.

Mới đây, một danh sách thực phẩm giảm cân nhiễm độc vừa được cơ quan An toàn thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) công bố đã gây sốc dư luận nhiều nước. Trong đó có một số sản phẩm đã và đang được rao bán ở Việt Nam.

Theo đó, tất cả đều có dấu hiệu độc hại: Chứa hoá chất cấm, có một số thành phần không được công bố rõ ràng, mức độ an toàn chỉ mới thử nghiệm lâm sàng, dùng hoá chất cho phép nhiều hơn quy định. Những hoá chất này thật sự nguy hiểm với bệnh nhân có tiền sử huyết áp cao, tai biến, đột quỵ, bị bệnh động mạch vành, xung huyết, loạn nhịp tim, bị chứng tăng nhãn áp góc độ hẹp. Những bệnh nhân bị rối loạn chức năng gan hoặc bệnh nhân có dùng thuốc: Sumatriptan, Dihydroergotamine, Dextromethorphan, Meperidine, Pentazocine, Fentanyl, Lithium, Tryptophan... trong thời gian gần, cũng có thể bị nguy hiểm nếu sử dụng các thực phẩm giảm cân đó. Đáng lo ngại hơn, những người không có tiền sử bệnh, nếu hấp thụ một lượng Sibutramine cao cũng sẽ có nguy cơ bị bệnh về huyết áp, tim, gan.

Bằng quảng cáo hấp dẫn như: Giảm cân nhanh chóng, chứa dược thảo và các thành tố tự nhiên… trên các thực phẩm giảm cân đã “đánh lừa” sự tỉnh táo của nhiều người tiêu dùng. Trong khi đó, các thành phần tiềm ẩn độc tính lại không được nhà sản xuất công bố trên bao bì hay trong chiến dịch quảng cáo. Việc làm này là bất hợp pháp và đe dọa sức khỏe của người tiêu dùng.

Một thân hình lý tưởng, tràn đầy sức sống là mong muốn và hoàn toàn có thể thực hiện được với nhiều phụ nữ nếu có những chia sẻ, những kinh nghiệm của những người đã sử dụng những sản phẩm có tác dụng tốt. Đồng thời, độc giả cần cần đưa ra những thông tin cảnh báo về những sản phẩm kém chất lượng, quảng cáo “láo” giúp nhiều người tránh tốn kém về tiền bạc, thời gian, đặc biệt là sức khỏe để chạy theo những sản phẩm vô ích đó.

Sức khỏe Online - nơi giúp bạn giải đáp mọi thắc mắc về sức khỏe

Bạn đọc xin vui lòng gửi thông tin về chuyên mục bằng cách:

E-mail: [email protected]

Điện thoại đường dây nóng Hotline: 0912 699 828

Tòa soạn: Chuyên mục Sức khỏe Online, Báo Đời sống và Pháp luật điện tử, tầng 4, tòa tháp Ngôi Sao (Star Tower), đường Dương Đình Nghệ, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội.