Nhịp sống số

Nhãn hiệu iPad ở Trung Quốc có thể thuộc về 8 ngân hàng

Hoặc ngừng bán iPad hoặc gặp rắc rối về mặt pháp lí, đó là thông điệp do công ty Proview của Trung Quốc mới gửi các nhà cung cấp ở nước này.

Hôm thứ Tư 7/3/2012, khi Apple công bố chiếc iPad mới nhất của mình, công ty Proview - nhà cung cấp màn hình bị phá sản của Trung Quốc - cảnh báo các nhà cung cấp trong nước không được bán máy tính bảng này hoặc phải đối mặt với hành động pháp lí. Điều này cho thấy, cuộc tranh chấp về quyền sở hữu thương hiệu iPad ở Trung Quốc đã trở thành một trận chiến nóng bỏng.

Vụ tranh chấp thương hiệu này đã phát triển theo chiều hướng mới với việc các chủ nợ của Proview tuyên bố rằng, thương hiệu iPad đang thực sự nằm dưới sự kiểm soát của họ, và Proview không thể bán nó cho Apple.

Trong một thư ngỏ gửi ngày 7/3/2012, Proview tuyên bố có quyền sở hữu thương hiệu iPad tại Trung Quốc. Mọi việc mua bán, cất trữ và vận chuyển iPad, bao gồm cả chiếc iPad mới nhất của Apple, đều phải dừng lại vì sử dụng nhãn hiệu trái phép, công ty nói thêm.

 

Tuyên bố này là hành động mới nhất trong một loạt các biện pháp Proview đã thực hiện để cố cấm bán iPad tại Trung Quốc. Proview (đã mua lại thương hiệu iPad hồi năm 2001) cũng đã đệ trình nhiều vụ kiện và khiếu nại yêu cầu chính quyền Trung Quốc thực hiện những biện pháp ngăn cản Apple "vi phạm thương hiệu" này.

Apple đã chiến đấu bằng cách “lôi” Proview ra tòa. “Người khổng lồ công nghệ Mỹ” cho rằng họ đã mua thương hiệu iPad từ Proview vào cuối năm 2009, và rằng Proview đã không tôn trọng thỏa thuận của mình. Để giải quyết tranh chấp, một tòa án Trung Quốc cấp cao hơn đang cân nhắc vụ kiện.

Tuy nhiên, kết quả phán quyết của Toà án có thể không có tính chất quan trọng. Hôm thứ Tư 7/3/2012, một nhóm tư vấn của Trung Quốc cho biết, thương hiệu iPad thực sự đang nằm trong tay của 8 ngân hàng nắm quyền kiểm soát các tài sản của Proview từ tháng 3/2009, sau khi Proview bị thua lỗ tài chính. Trong 8 ngân hàng này có cả Bank of China - Ngân hàng nhà nước của Trung Quốc.

Hejun Vanguard Group - nhóm tư vấn đại diện cho 8 ngân hàng - cho biết, bất kì cuộc đàm phán nào để mua nhãn hiệu đều phải được thực hiện với các ngân hàng, chứ không phải với Proview. "Apple đã hoàn toàn nhận thức được điều này", phó chủ tịch Huang Yiding của Hejun Vanguard Group cho biết trong một cuộc phỏng vấn. "Apple đang hành động như thể họ đã bị Proview lừa".

Proview nợ các ngân hàng 180 triệu USD, theo ông Huang. Tháng trước, một đại diện của Proview cho biết Apple cần chi 400 triệu USD để mua nhãn hiệu iPad. Theo nhiều chuyên gia pháp lí, hành động đòi cấm iPad tại Trung Quốc là chiến thuật của Proview để gây áp lực lên Apple, buộc Apple phải thương lượng giải quyết.