Blog công nghệ

Người Việt đang "ngu hóa" smartphone

Theo các số liệu thống kê mới nhất được TechniAsia báo cáo, trung bình đã có 145 điện thoại di động cho 100 người Việt vào năm 2012. Với việc là đất nước có dân số hơn 90 triệu người, tổng số điện thoại di động được người Việt Nam sử dụng đã lên đến 130 triệu chiếc.

 

 

Vậy người Việt có nhu cầu gì đặc biệt mà lại phải sở hữu nhiều chiếc điện thoại đến như vậy ?

 Chỉ nghe và gọi, sao cần đến smartphone?

 Thầy tôi, một tiến sĩ đầu ngành trong lĩnh vực viễn thông đã từng nói, cách mà người ta sử dụng một chiếc điện thoại cũng nói lên đẳng cấp thực sự của một đất nước hay một con người.

Với những nước kém phát triển, do cơ sở hạ tầng có phần hạn chế nên các dịch vụ còn thưa thớt. Cộng với đó là thu nhập thấp cùng trình độ dân trí có hạn của phần lớn dân cư, vậy nên nhu cầu của người dân ở đó chỉ gói gọn trong nội dung thoại. Nhưng với những nước phát triển hơn thì khác. Với người dân ở những nước phát triển hơn, điện thoại với họ không chỉ đơn thuần là một chiếc điện thoại thông thường mà nó còn là một chiếc máy tính, một tờ báo, một thứ đồ chơi hay một người bạn đường đáng tin cậy. Và tất nhiên, chiếc điện thoại lúc này không chỉ sử dụng với mục đích nghe và gọi nữa, thay vào đó người ta dùng nó để check mail, để nghe nhạc, để tra cứu thông tin và còn để làm nhiều việc khác. Rõ ràng sự phát triển của các dịch vụ về dữ liệu cũng lũy tiến cùng với sự phát triển của các chỉ số về kinh tế và con người. Vậy nên, mới có câu nói rằng, cách mà người ta sử dụng một chiếc điện thoại cũng nói lên đẳng cấp thực sự của một đất nước hay một con người. 

Dù là một nước còn đang phát triển với vô vàn khó khăn về kinh tế nhưng viễn thông ở Việt Nam được xếp vào hàng có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới. Ít có ai ngờ được rằng, trung bình một người dân Việt Nam sở hữu đến 1.4 chiếc điện thoại. Và càng bất ngờ hơn nữa, khi trong số 1.4 chiếc điện thoại tính trên đầu người đó,  phải có đến quá nửa là một chiếc smartphone là chuyện bình thường.

Chính vì điện thoại di động đã trở thành một vật dụng phổ biến như vậy, thế nên cái cách mà người Việt sử dụng điện thoại, đặc biệt là những chiếc smartphone cũng cho ta thấy một cái nhìn tương đối khách quan về chất lượng đời sống của người Việt và trình độ dân trí của cả cộng đồng.

 

 

 kKt quả khảo sát về người dùng smartphone tại các nước châu Á – Thái Bình Dương do Ericsson công bố

 

Theo kết quả khảo sát về người dùng smartphone tại các nước châu Á – Thái Bình Dương do Ericsson vừa công bố ngày 8/8/2012, khi được hỏi “Tính năng nào anh/chị sử dụng nhiều nhất trên thiết bị của mình?”, top 5 hoạt động được người dùng smartphone Việt sử dụng nhiều nhất lần lượt là gọi điện (99%), nhắn tin SMS (95%), lướt net (68%), truy cập mạng xã hội (38%) và sử dụng các ứng dụng (35%)

Thực chất thì các kết quả trên vẫn chưa thực sự khách quan cho lắm. Bởi những sự khác biệt ít nhiều về văn hóa giữa các nước. Và cũng bởi, người ta đã quên mất khi không đưa mục “chụp ảnh tự sướng” vào trong những mẫu thống kê đánh giá này.

 

Đa phần người Việt sử dụng smartphone với mục đích tự sướng

 

Tuy nhiên, chỉ cần nhìn vào kết quả trên thôi, ta cũng có thể nhận thấy được rằng, dù Viễn thông ở Việt Nam được xếp vào loại tăng trưởng hàng đầu trên thế giới, dù mật độ điện thoại của nước ta có dày đặc đến đâu thì chất lượng chính trong việc sử dụng điện thoại của người Việt cũng mới chỉ dừng ở mức độ nào. Hạ tầng Viễn thông có thể thay đổi trong ngày một ngày hai bằng những sự đầu tư về vốn và trang thiết bị. Nhưng trình độ dân trí và độ văn minh của cả một dân tộc thì khác, những thứ đó phải dùng thước đo có đơn vị tính bằng hàng thập kỉ. Và tất nhiên, việc tiến tới một cột mốc đơn vị mới không phải là một điều dễ dàng và nhanh chóng.

 

Người Việt nghèo nhưng chơi ngông.

 Có một điều mà nhiều người nước ngoài, đặc biệt là những người đến từ các nước phương tây không khỏi kinh ngạc. Đó là vì họ thấy người Việt mình giàu quá. Đâu đâu cũng thấy điện thoại di động, từ những cô cậu sinh viên tuổi đời còn rất trẻ, các bà các chị kiếm sống bằng việc bán rau ngoài chợ, các bác xe ôm đứng ở mỗi ngã tư đường cho đến các anh các chị cán bộ công chức nhà nước, ai cũng sở hữu cho mình một chiếc điện thoại di động để tiện liên lạc và tận hưởng những tiến bộ của cộng đồng.

Tuy nhiên, đây chỉ là một phần nho nhỏ trong cái bất ngờ lớn hơn mà chỉ có những người nước ngoài mới đặt chân đến Việt Nam mới có thể cảm nhận được. Bởi không chỉ là những chiếc điện thoại di động đơn thuần, những chiếc điện thoại trong tay các cô cậu sinh viên mới ra trường kia, hay trong tay các anh các chị cán bộ công chức nhà nước đa phần thuộc loại đắt tiền nếu không muốn nói là thuộc hàng siêu phẩm.

 

Không quá nhiều người ngạc nhiên trước hình ảnh một bà bán nước chè, xài iPhone, mặc quần áo hàng hiệu

 

Có người nước ngoài đã từng bảo với tôi rằng, người Việt chuộng iPhone lắm, thậm chí là chuộng hơn cả Anh, Pháp, Nhật hay thậm chí cả Hoa Kỳ. Bởi vì cậu ta đi đâu cũng thấy iPhone, iPhone trong tay các e gái mắt xanh mắt đỏ đang chụp ảnh tự sướng bên bờ hồ Hoàn Kiếm, iPhone trong tay các bà các mẹ đang tay bế tay bồng, rồi còn cả trong tay một bà chủ cửa hàng đang ngồi quạt chả. Nói tóm lại là đi đâu cũng thấy iPhone, thậm chí có thể nói rằng nhà nhà dùng iPhone, người người dùng iPhone. 

Có thể với những người mới đặt chân đến mảnh đất này lần đầu tiên, điều này là tương đối lạ lẫm. Nhưng với người Việt ta hay với những người nước ngoài đã sành sỏi văn hóa Việt thì điều này lại chả lạ lùng gì. Bởi ai trong chúng ta cũng biết rằng, người Việt mình “đẳng cấp” lắm. Đẳng cấp trong ẩm thực, đẳng cấp trong xe cộ, thời trang, áo quần, và tất nhiên đẳng cấp cả ở trong cách mà người ta sử dụng những chiếc điện thoại.

 Với người Việt, đẳng cấp là một giá trị vô hình mà hầu như ai cũng muốn hướng tới. Một chiếc xe tay ga, một bộ quần áo hàng hiệu luôn phải đi kèm với một chiếc điện thoại di động đắt tiền. Và vì thế ,nghiễm nhiên, khi họ chọn mua điện thoại, họ không quan tâm mấy đến tính năng, không màng đến kiểu dáng cái màagrave; họ phân vân phần nhiều là nên mua một chiếc iPhone hay vác về nhà một chiếc Samsung Galaxy S4. Đa phần với nhiều người, đặc biệt là người Bắc, chỉ khi sở hữu những thứ ấy trong tay, họ mới cảm thấy rằng mình đang tồn tại và có chỗ đứng trong mắt mọi người.

 

 

Và dĩ nhiên, với tâm lý ấy, sở hữu một chiếc điện thoại xịn, cấu hình cao là mong muốn của rất nhiều người, đặc biệt là với những người thuộc giới kinh doanh và những người Việt trẻ. Cách mà người ta chạm đến những chiếc điện thoại đắt tiền cũng có nhiều phương thức khác nhau. Có người vì nhu cầu công việc, có người vì mong muốn được khám phá của bản thân, cũng có người coi đó là món quà ra mắt từ cậu nhân viên trẻ mới vào nghề. Nhưng cũng không hiếm những cô cậu sinh viên bỏ ra số tiền bằng cả mấy tháng lương quần quật làm thêm chỉ để sắm một chiếc iPhone cho bằng bè bằng bạn.

Việc người ta bỏ tiền ra tiêu bằng chính sức lao động của họ thì chẳng có gì sai. Cái sai lầm của người Việt là mỗi khi quyết định mua một sản phẩm công nghệ nào đó họ sẽ mua theo khả năng, thậm chí vượt quá khả năng chi trả của khả năng thay vì mua theo nhu cầu. Và chính vì những hành động như thế mà chiếc smartphone đã dần bị người Việt biến thành một món đồ trang sức để thể hiện đẳng cấp của chủ nhân thay vì thực hiện công năng của một chiếc điện thoại cao cấp.

Thiết nghĩ, mỗi người đều có một phong cách và thói quen sử dụng điện thoại khác nhau, đó là quyền của mỗi người. Nhưng có một điều mà tất cả chúng ta đều nên ghi nhớ, “Cách mà người ta sử dụng một chiếc điện thoại cũng nói lên đẳng cấp thực sự của một đất nước hay một con người.”

Đọc thêm:  Người Việt dùng điện thoại: Khoe và làm phiền nhau là chính