Nhịp sống số

Ngày nào dân Việt còn xem phim lậu, phim Việt Nam vẫn mãi chỉ xách dép cho phim Mỹ, phim Hàn

Còn web phim lậu, đừng mong phim Việt phát triển

Ở Việt Nam, không khó để chỉ ra một danh sách dài những website cung cấp các nội dung phim không có bản quyền. Chính vì thế, với những người yêu điện ảnh, truyền hình, những cái tên như phimmoi.net, phim3s hay hdonline đã chẳng có gì là xa lạ.

Các website này cung cấp những dịch vụ free và có thể trả tiền để hưởng những gói premium theo ý muốn. Thế nhưng nội dung trên đó là sản phẩm của những nhà cung cấp khác. Và vì là web lậu, tất nhiên họ sẽ không trả chi phí sử dụng nội dung phim cho những đơn vị này.

Sự bùng nổ của các website phim không bản quyền đem đến khá nhiều lựa chọn giải trí cho người dùng Việt Nam. Tuy nhiên cũng vì thế, nó ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu của các phòng chiếu, các nhà sản xuất phim và xa hơn nữa là sự phát triển của cả một nền điện ảnh.

Long thành cầm giả ca - một tác phẩm tốt của nền điện ảnh Việt Nam. 

Không ít người trong chúng ta đã từng ca thán về những bộ phim Việt Nam vốn nghèo nàn về bối cảnh, diễn viên và những câu thoại mang đầy tính giả tạo, dạy đời. Cũng không ít người trong chúng ta từng chê bai những bộ phim hài Việt là nhảm nhí và lố bịch. Thế nhưng có bao nhiêu người trong số này thực sự góp một ý kiến chân thành để điện ảnh Việt Nam phát triển? Chí ít là ra rạp để xem phim Việt thay vì xem miễn phí trên những website vi phạm bản quyền.

Câu trả lời là rất nhỏ. Và vì chúng ta không đóng góp, không có ý thức phải bỏ tiền ra để xem một tác phẩm điện ảnh, kể cả nó là những bộ phim bom tấn đến từ Hollywood, nền điện ảnh của chúng ta cứ mãi dậm chân một chỗ như thế này. Vì sao ư? Đơn giản là làm phim tốn quá nhiều tiền mà chẳng hề có lãi.  

Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là chúng ta dồn tất cả lý do lại và đổ lỗi cho người xem. Hơn ai khác, những nhà quản lý mới là những người phải chịu trách nhiệm. Chẳng một website lậu nào có thể sống sót được một khi các nhà quản lý dùng biện pháp kỹ thuật để ra tay. Thế nhưng bằng một cách thần kỳ nào đó, chúng vẫn sống tốt, sống khoẻ hết lần thanh tra này đến lần thanh tra khác. Chúng ta cứ xa xả về việc tôn trọng bản quyền, thế nhưng, có một nghịch lý là chính những nhà quản lý mới là những người dễ dàng thoả hiệp với cái xấu.

Không xử lý mạnh tay, làm sao dẹp nổi cái xấu?

Còn nhớ hồi năm 2013, Pubvn đã từng bị xử trảm tại Việt Nam. Cũng trong năm đó, những phàn nàn của Hiệp hội Điện ảnh Mỹ (MPA) và TVB Hồng Kông khiến Hayhaytv, web xem phim lậu số 1 Việt Nam ở thời điểm đó bị ép vào cửa tử. Để rồi từ đó đến nay, Hayhaytv không còn dám đăng tải phim Âu Mỹ mà chỉ dám cung cấp những phim bộ châu Á để lách vấn đề về bản quyền.

Vậy mới thấy, chỉ cần Bộ Văn Hoá – Thể thao – Du lịch và Bộ Thông tin & Truyền thông muốn, không gì là họ không thể làm được. Ai cũng có thể kể ra một danh sách dài những web xem phim lậu tại Việt Nam, vấn đề là vì một lý do tế nhị nào đó, những nhà quản lý vẫn ngoảnh mặt làm ngơ và xem như chúng chẳng hề tồn tại.

Phải chăng, có một nét “văn hoá vỉa hè” đang tồn tại ở thị trường phim lậu Việt Nam, nơi mà “Trong hơn 180 quán bia vỉa hè ở Hà Nội thì có tới 150 quán là có công an chống lưng phía sau” như lời vị Chủ tịch Hà Nội mới đây vừa phát biểu. Liệu có ai dám khẳng định, phía sau những website chiếu phim lậu kia không có những cái chống lưng vững chắc và đầy quyền lực như thế này.

Nóng bỏng cuộc chiến phim bản quyền 

Nói đi cũng phải nói lại, người dùng Việt Nam thờ ơ với phim bản quyền một phần là vì chính thu nhập có phần bấp bênh của họ. Chẳng gì sướng bằng nhận lương quốc tế sống ở Việt Nam, và cũng chẳng gì khổ bằng nhận lương Việt Nam nhưng tiêu tiền kiểu quốc tế. Khi giá những bộ phim bản quyền vẫn còn quá cao, xem phim lậu là sự lựa chọn khả dĩ nhất cho số đông mọi người.

Và để giải quyết vấn đề xem phim lậu, cùng với sự vào cuộc của chính quyền, việc có những nguồn xem phim bản quyền với giá thành hợp lý chính là đáp án hợp lý nhất cho bài toán mãi chẳng có lời giải đáp. Bao giờ mới ngăn chặn được phim không bản quyền tại Việt Nam?

Netfilix và iflix: 2 ứng viên đầy tiềm năng của thị trường phim bản quyền tại Việt Nam. 

Thị trường phim ảnh trong nước năm vừa qua chứng kiến sự nhập cuộc của khá nhiều những cái tên cung cấp dịch vụ phim trả tiền. Chỉ cần search cụm từ “phim bản quyền”, không khó để tìm ra những nhà cung cấp dịch vụ như vậy qua internet.

Netfix, iflix chính là những cái tên sáng giá nhất đến từ các nhà cung cấp quốc tế. Hiện tại các mức gói cước hàng tháng dành cho người sử dụng Netflix bao gồm 180k - 220k - 260k/tháng. Trong đó với gói cước rẻ nhất 180k/tháng, người sử dụng sẽ không thể xem phim với độ phân giải HD. Để xem được độ phân giải HD, người dùng phải chọn gói Standard (220.000 đồng/tháng) và Ultra HD chỉ có ở gói Premium (260.000 đồng/tháng). 

 

Với iflix, dịch vụ xem phim bản quyền này chỉ vừa mới xuất hiện hồi đầu năm 2017 với cái giá rất rẻ, chỉ 59.000 đồng/tháng để có thể xem được các nội dung bản quyền ở chất lượng HD. Mức giá này thậm chí còn có thể rẻ hơn, chỉ 45.000 đồng/tháng nếu thanh toán trọn gói theo năm.

Bên cạnh Netflix và iflix, một sản phẩm của Việt Nam với tên gọi Film+ cũng rất đáng để dùng thử. Mức giá dành cho dịch vụ xem phim bản quyền này cũng khá rẻ, chỉ 50.000 đồng cho gói thuê bao tháng và 37.500 đồng/tháng cho gói thuê bao năm.

Có thể thấy mức phí bỏ ra để xem phim bản quyền giờ đây đã khá phù hợp với thu nhập bình quân của người Việt Nam và chỉ ngang bằng mức giá thành viên của nhiều trang web lậu. Chính vì vậy, nếu bạn vẫn còn chê đắt và chấp nhận xem phim lậu, đừng trách cơ quan quản lý, chính não trạng và ý thức của bạn mới có vấn đề. Và cũng vì vậy, đừng đòi hỏi quá nhiều ở một nền điện ảnh còn phải đang lò rò từng bước chân phát triển. 

 

Bài học bảo mật từ một chiếc iPhone bị mất cắp

(Techz.vn) Từ chiếc iPhone mất cắp, kẻ trộm có thể tìm ra gmail, thay đổi mật khẩu email của bạn và thậm chí là thực hiện các giao dịch ngân hàng trong nháy mắt. Đây là bài học xương máu của một người vừa bị mất đi chiếc điện thoại iPhone.