Theo quy định của pháp luật, trong trường hợp thẻ ATM bỗng nhiên bị mất tiền như vậy phải xác định được lỗi do bên nào thì bên đó phải chịu. Vấn đề là làm thế nào để chủ thẻ biết được lỗi đó của ngân hàng, trong khi phía ngân hàng có thể đổ lỗi cho khách hàng bảo quản thông tin thẻ. Ngoài ra, xảy ra tình huống phức tạp hơn là chủ thẻ ATM rút tiền ở cây ATM của (một hay nhiều) ngân hàng khác và bị mất tiền thì ngân hàng nào sẽ chịu trách nhiệm?
Chủ thẻ có thể mất thông tin thẻ ATM do kẻ gian cài cắm thiết bị lấy cắp thông tin thẻ, mã pin, còn gọi là skimming.
Để trả lời cho các băn khoăn này, chúng tôi đã gặp gỡ trao đổi với nhân viên một số ngân hàng chuyên về thẻ hoặc công nghệ. Vì các lý do khác nhau nên tất cả đều không muốn được nêu danh tính hay tên ngân hàng nào trong bài viết này.
Trước hết, về băn khoăn làm thế nào chủ thẻ xác định được lỗi của ngân hàng để bắt đền thì câu trả lời là chủ thẻ không phải làm gì cả, ngoại trừ việc báo khoá thẻ, khiếu nại với ngân hàng và chờ đợi. Phía ngân hàng sau khi điều tra, truy xuất lịch sử rút tiền, hình ảnh camera đối tượng rút tiền, camera tại cây ATM giao dịch trước khi xảy ra vụ việc... có thể báo công an truy tìm thủ phạm.
Với khách hàng, trong hầu hết vụ việc, kể cả khi phải đền bù, ngân hàng thường không nhận lỗi để thông tin chủ thẻ bị hack, mà chỉ hứa hẹn chung chung kiểu nếu kết quả xác minh xác định nguyên nhân bị mất tiền không do lỗi của khách hàng, ngân hàng cam kết sẽ bồi hoàn đầy đủ số tiền bị tổn thất. Từ việc trích xuất camera, sơ bộ ban đầu ngân hàng có thể biết thẻ bị làm giả hay không thông qua thẻ rút là thẻ chính do ngân hàng phát hành hay thẻ trắng (tuy nhiên, tội phạm giờ cũng rất tinh vi, ngoài hoá trang, xoá vân tay còn làm thẻ giả như thật, chứ không đơn thuần thẻ trắng).
Trên lý thuyết, nếu tìm được thủ phạm và thu lại được tiền, ngân hàng sẽ đền bù cho khách hàng. Tuy nhiên, tìm được thủ phạm rút trộm tiền không dễ bởi lẽ đối tượng một khi đã cố tình rút tiền ở giờ oái oăm (đêm muộn, gần sáng, khi chủ thẻ ít dùng và kiểm tra tin nhắn điện thoại) thì thừa biết sẽ phải hoá trang để che mắt camera và tránh để lại dấu vân tay. Bằng không thì khách hàng cứ mòn mỏi đợi câu trả lời vì không có bằng chứng lỗi do phía ngân hàng. Trong khi khả năng lỗi do chủ thẻ không phải là không thể: quẹt thẻ thanh toán ở điểm giao dịch POS không đáng tin cậy, thẻ bị người nhà sử dụng (mà không biết)...
Ngoài ra, một nguyên nhân khiến cho việc điều tra nguyên nhân tiền bị rút là do ngân hàng khó xác định được cây ATM của ngân hàng nào bị cài đặt thiết bị đánh cắp thông tin thẻ. Nguyên tắc, cây ATM của ngân hàng nào có lỗi thì ngân hàng đó phải có trách nhiệm bồi thường, nhưng ngay cả xác định được cây ATM khác thì phải điều tra, đối soát rất mất thời gian. Trong khi khách hàng sốt ruột muốn lấy lại tiền, họ sẽ thường nhận được hứa hẹn chờ công an điều tra.
Nói tóm lại, chủ thẻ ATM bỗng dưng bị rút tiền muốn được đền bù lại không phải dễ. Những vụ báo chí đăng như vụ Agribank hồi tháng Tư năm ngoái hay mới nhất là vụ BIDV mà VnReview.vn đã đưa tin được đền bù nhanh chóng một phần có thể thấy rõ ràng do lỗi chính từ phía ngân hàng.
Hiện nay, một số ngân hàng đã cho phép rút tiền không cần thẻ bằng cách sử dụng vân tay hoặc mã QR. Tuy nhiên, không phải cây ATM nào cũng đáp ứng được việc này. Do vậy, trước hết, theo lời khuyên của các nhân viên ngân hàng, bạn nên có thêm tài khoản trực tuyến khác ngoài tài khoản thẻ ATM. Khi nhận được tiền lương chẳng hạn, bạn nên ngay lập tức chuyển sang gửi tiết kiệm ở tài khoản trực tuyến, chỉ để lại một số rất nhỏ để tiêu khi cần thanh toán bằng thẻ.
Khi sử dụng thẻ, bạn nên thỉnh thoảng đổi mật khẩu (mã pin), hạn chế rút tiền ở cây ATM của ngân hàng khác. Nguyên nhân không phải chỉ vì cước phí rẻ mà nếu có sự cố gì, đơn giản như bị nuốt thẻ, thì bạn cũng phải mất thời gian chờ đợi nhiều hơn.
Trong trường hợp bạn bị rút tiền bất ngờ mà thẻ vẫn ở trong ví của mình, hành động trước hết là hãy cầm thẻ chụp lại (có dấu tích thời gian) để chứng minh thẻ không bị thất lạc. Sau đó, báo khoá thẻ và đến ngân hàng khiếu nại. Lưu ý, cần phải có giấy hẹn trả kết quả khiếu nại của ngân hàng. Theo quy định, ngân hàng phải có trách nhiệm phản hồi với bạn trong vòng 5 ngày làm việc (nếu là giao dịch cùng hệ thống), và tối đa 7 ngày làm việc nếu khác hệ thống.
Trường hợp đến hạn mà không có phản hồi từ ngân hàng, bạn có thể gửi khiếu nại tới cơ quan chức năng là Ngân hàng Nhà nước, hoặc đưa vụ việc ra toà. Tất nhiên, không ngân hàng nào muốn rơi vào cả hai trường hợp, nên họ sẽ phải xử lý vụ việc nhanh chóng hơn.
Nhưng dù thế nào, tốt nhất vẫn là đề phòng tránh bị mất tiền trong thẻ ATM.
Theo: Vnreview.vn
Một ngân hàng trả lương tháng gần 100 triệu cho nhân viên
(Techz.vn) Thu nhập bình quân của mỗi nhân viên VIB khoảng 23 triệu đồng, còn người nhận lương cao nhất đạt gấp 4 lần con số này.