Quân sự

Một lần nữa, Trung Quốc khiếp sợ tàu ngầm của Việt Nam

Nhân dịp tàu ngầm Kilo 636 đầu tiên mang tên Hà Nội ngày 11/11 lên sà lan chuyên dụng về Việt Nam, chuyên giao quân sự Nga V. Litovkin đã đánh giá về uy lực, đóng góp của tàu ngầm được NATO mệnh danh là “Hố đen trong đại dương” này vào nền quốc phòng Việt Nam.  

Theo nguồn tin công nghiệp đóng tàu Nga, ngày 11/11, chiếc tàu ngầm - điện lớp Varshavyanka thuộc Dự án 636 (NATO gọi là Kilo 636) đầu tiên trong hợp đồng đặt mua 6 chiếc mang tên Tàu ngầm Hà Nội (ký hiệu HQ-182) được đưa lên một sà lan chuyên dụng vận chuyển về Việt Nam.

Lễ ký bàn giao Tàu ngầm Hà Nội đã diễn ra ngày 7/11 vừa qua tại TP Saint Petersburg với sự tham dự của Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân Việt Nam, Phó Đô đốc Phạm Ngọc Minh và Tổng giám đốc Nhà máy đóng tàu Admiralty Verfi, ông Alexander Buzakov.

Dự kiến, Tàu ngầm Hà Nội sẽ về đến cảng Cam Ranh (Khánh Hòa) và chính thức được bàn giao cho lực lượng Hải quân Việt Nam trong tháng 1/2014.

Trong khi đó, nguồn tin thuộc ngành công nghiệp quốc phòng Nga cho biết nước này sẽ bàn giao hai chiếc tàu ngầm Kilo 636 thứ hai mang tên Tàu ngầm Hồ Chí Minh (ký hiệu HQ-183) cho lực lượng Hải quân Việt Nam vào tháng 1/2014.

Chiếc tàu ngầm Kilo 636 thứ 3 trong 6 tàu ngầm Kilo 636 mà Việt Nam đặt mua của Nga trong họp đồng có tổng giá giá trị khoảng 2 tỉ USD, bao gồm cả các điều khoản đi kèm là Nga giúp Việt Nam xây dựng một trung tâm huấn luyện tàu ngầm tại cảng Cam Ranh và huấn luyện các thủy thủ tàu ngầm Việt Nam tại Nga, mang tên Tàu ngầm Hải Phòng (ký hiệu HQ-184) cũng sẽ chuyển giao cho Hải quân Việt Nam trong năm 2014.

 

Một lần nữa, Trung Quốc khiếp sợ tàu ngầm của Việt Nam-image-1384259028369

Nạp tên lửa chống hạm 3M54 Club-S vào ống phóng ngư lôi phía mũi tàu Kilo 636 - Ảnh: Tư liệu

Nhân dịp này, ông Victor Litovkin - chuyên viên quân sự, tổng biên tập tạp chí "Tổng quan quân sự độc lập" của Nga, cho biết tàu ngầm lớp Kilo 636 có thể tìm thấy mục tiêu ở khoảng cách lớn hơn 3-4 lần mà bản thân chúng có thể bị đối phương phát hiện, có thể bắn tên lửa và ngư lôi vào mục tiêu trên không, trên đất, trên biển và có thể đặt mìn.

Ở trạng thái ngập trong nước, tốc độ của tàu lên đến 37 km/giờ. Tàu có thể chìm đến độ sâu 300 mét và bơi tự động trong vòng 45 ngày.

“Thật khó để đánh giá hết tầm quan trọng của những chiếc tàu ngầm này. Việt Nam sẽ có thể sử dụng chúng nhằm bảo vệ một cách hiệu quả hơn lãnh hải, vùng kinh tế biển, hải đảo và các giàn khoan dầu khí của mình. Hạm đội nổi và hạm đội tàu ngầm sẽ hoạt động phối hợp với nhau. Tàu nổi phải được bảo vệ từ dưới nước, ngược lại, các tàu ngầm hoạt động dưới lòng biển, đặc biệt là ở khu vực gần bờ luôn luôn phải ẩn dưới tàu nổi” - chuyên viên quân sự Victor Litovkin cho biết.

Số lượng tàu nổi do Nga chế tạo cho Hải quân tại Việt Nam đang gia tăng. Trong số đó có các tàu tuần tiễu “Svetliak” (tàu pháo - PV). Được trang bị hai khẩu pháo, với tốc độ hành trình 30 hải lý/giờ, chúng có thể bơi tự động trong vòng 30 ngày.

Hoặc các tàu khu trục tên lửa "Gepard” (hiện Việt Nam đã có 2 tàu Đinh Tiên Hoàng ký hiệu HQ-011 và Lý Thái Tổ ký hiệu HQ-012 - PV) nhằm đối phó với các mục tiêu trên mặt nước, dưới nước và trên không. Khi xây dựng các tàu này có sử dụng công nghệ đảm bảo xác suất bị phát hiện thấp.

Riêng tàu mang tên lửa "Molniya" (tàu pháo tên lửa - PV) đã thể hiện những tính năng rất tốt nên phía Việt Nam ký kết thỏa thuận với Nga để sản xuất theo giấy phép thêm 10 chiếc tương tự.

 

Một lần nữa, Trung Quốc khiếp sợ tàu ngầm của Việt Nam-image-1384259030773

Mô phỏng cảnh tàu ngầm Kilo 636 phóng tên lửa chống hạm 3M54 Club-S từ ống phóng ngư lôi phía mũi tàu

Nhìn chung, thị phần vũ khí của Nga tại Việt Nam trong thập kỷ qua đã đạt đến 90%. Ví dụ, bờ biển Việt Nam đang được bảo vệ trước các mối đe dọa từ biển bằng tổ hợp tên lửa "Bastion" của Nga. Mỗi tổ hợp gồm 36 tên lửa hành trình "Yakhont", không có lực lượng hải quân nào trên thế giới có phương tiện đối phó với chúng. Mỗi tổ hợp như vậy có thể bảo vệ hơn 600 km bờ biển và kiểm soát khu vực biển 200 ngàn km2.

Không quân Việt Nam đã nhận được 20 máy bay chiến đấu đa chức năng "Su-30" của Nga. Gần đây Việt Nam ký hợp đồng mua thêm 12 chiếc máy bay như vậy, có khả năng tấn công hiệu quả các mục tiêu trên không, trên đất và trên biển.

Một vài năm tới, trên bầu trời Việt Nam sẽ có máy bay không người lái do chuyên gia Nga chế tạo. Các phương tiện bay không người lái này có thể thực hiện chức năng tình báo trên lãnh thổ đối phương, chụp ảnh vị trí và chuyển động của thiết bị và đơn vị quân đội, hoặc tấn công các tọa độ xác định.

Trở lại với các tàu ngầm. Chiếc tàu ngầm đầu tiên bàn giao cho Việt Nam ngày 7/11 sẽ đến cảng Cam Ranh vào cuối năm nay và được trang bị cho hạm đội trong tháng 1/2014.

Cũng vào thời gian đó, Nga sẽ chuyển giao cho Việt Nam trung tâm đào tạo do các chuyên gia Nga thiết kế nhằm mục đích đào tạo thủy thủ đoàn của tàu ngầm. Các mô phỏng cho phép học viên thực hành hành động chiến đấu trong các tình huống khẩn cấp khác nhau. Trung tâm này sẽ hoạt động tại Cam Ranh, giáo viên là 40 thủy thủ Việt Nam được đào tạo ở Nga tại một trung tâm tương tự.

 

Kilo 636 - "Hố đen trong đại dương"

Tàu Kilo 636 chạy động cơ diesel/điện thuộc loại êm nhất thế giới, được mệnh danh là “hố đen trong đại dương”, thích hợp trong các nhiệm vụ trinh sát và tuần tra.

Tàu ngầm lớp Kilo 636 dài 73,8m, rộng 9,9m, có lượng giãn nước từ 3.000-3.950 tấn (tải trọng tối đa), tốc độ 20 hải lý/giờ, hoạt động ở độ sâu trung bình là 240 m và có thể lặn sâu tối đa 300 m. Tàu có tầm hoạt động 6.000 - 7.500 hải lý (khi chạy ở tốc độ 7 hải lý/h), thời gian hoạt động độc lập 45 ngày đêm và thủy thủ đoàn 52 người.

Vũ khí của tàu bao gồm 6 ống phóng ngư lôi cỡ 533 mm, tên lửa chống hạm 3M54 Club-S, 24 quả thủy lôi, tên lửa phòng không 9K34 Strela-3 hoặc 8 tên lửa 9K38 Igla.


 

Mời bạn xem thêm:  Truyền thông quốc tế 'ngả mũ' trước tàu ngầm Kilo Việt

  Hồng Long (NLĐ)