Sinh ra trong thời đại công nghệ thông tin phát triển, những đứa trẻ lớn lên với đủ loại thiết bị màn hình điện tử xung quanh mình. Qua nghiên cứu, các nhà khoa học đã chỉ ra phần nào sự ảnh hưởng của các thiết bị này đối với não bộ, cụ thể là khả năng ngôn ngữ của trẻ.
Nghiên cứu được thực hiện bằng cách theo dõi gần 900 trẻ 18 tháng tuổi và khoảng thời gian chúng tiếp xúc với máy tính hoặc smartphone trong ngày. Từ đó dựa trên danh mục khảo sát để đánh giá chính xác sự phát triển ngôn ngữ của chúng.
Kết quả, 1/5 trẻ sử dụng máy tính và điện thoại trung bình 28 phút/ngày. Trong khi đó, theo các chuyên gia, cứ mỗi 30 phút sử dụng như vậy trẻ sẽ gia tăng khả năng phát triển "chậm nói diễn cảm" đến 49%. Có thể hiểu là khả năng sử dụng âm thanh và từ ngữ của trẻ sẽ bị hạn chế.
Trẻ tiếp xúc với thiết bị màn hình điện tử được cho là sẽ bị chậm nói. (Ảnh minh họa)
Mặc dù những nghiên cứu trên mới chỉ là bước đầu nhưng lại khá được ủng hộ khi nó khớp với khuyến cáo về việc trẻ em dưới 18 tháng hoàn toàn không được phép dùng thiết bị công nghệ.
Cũng theo Michelle MacRoy-Higgins và Carlyn Kolker, hai tác giả nghiên cứu sự phát triển ngôn ngữ ở trẻ nhỏ, trẻ học ngôn ngữ tốt nhất thông qua tương tác giữa chúng và người khác. Những đứa trẻ dành thời gian bên máy tính, điện thoại sẽ có ít cơ hội để giao tiếp với bố mẹ, anh chị,... tác động không nhỏ đến quá trình học ngôn ngữ của chúng.
Tất nhiên, để có thể đưa ra lời giải thích rõ ràng và chi tiết về mối quan hệ giữa việc sử dụng điện thoại hay máy tính bảng với sự chậm nói ở trẻ, cần đào sâu nghiên cứu hơn nữa.
Điều quan trọng và bức thiết nhất đối với các bậc làm cha mẹ, đó là cần tương tác nhiều hơn với con cái (chơi đùa, kể chuyện, dạy chúng vẽ, đọc...). Tương tác được xem như phương pháp tốt nhất để dạy ngôn ngữ cho trẻ, chứ không nên bỏ mặc chúng với các thiết bị điện tử.