Một ngày cuối tháng 6, ông Thành, 70 tuổi, giáo viên nghỉ hưu ở quận Hai Bà Trưng tới trụ sở Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao Hà Nội - PC50, trình báo bị lừa mất toàn bộ số tiền tích cóp.
Ông Thành cho biết, sáng 23/6, đang ở nhà thì điện thoại bàn đổ chuông. Một phụ nữ tự giới thiệu là nhân viên VNPT thông báo gia đình ông phải trả gần 9 triệu đồng cước tháng 6. Thắc mắc, ông được người này hướng dẫn bấm phím "9" để kết nối tới cơ quan công an để làm rõ. Từ đây, giọng một người đàn ông miền Nam giải thích, ngoài số điện thoại tại Hà Nội, ông Thành còn đứng tên đăng ký một số khác tại TP HCM. Sau đó, người này yêu cầu ông cung cấp số điện di động đang sử dụng để liên lạc.
Mỗi lần người này gọi điện, trên màn hình di động của ông Thành hiển thị số gọi đến là (+83) 92311xx. Anh ta hướng dẫn ông có thể tìm hiểu số điện thoại trên qua tổng đài 1080 sẽ biết đang làm việc với ai. Gọi kiểm tra, ông Thành được trả lời số máy trên là của một đơn vị Công an tại TP HCM.
Người này sau đó chủ động liên lạc lại với ông Thành và chuyển máy để ông nói chuyện với sếp của anh ta. Người tự xưng là Lê Minh cho biết đang điều tra một đường dây ma túy xuyên quốc gia do Nguyễn Huy Hùng, nhân viên một ngân hàng cầm đầu. Theo lời Lê Minh, Hùng đã sử dụng một số tài khoản tại ngân hàng vào các phi vụ mua bán hàng trăm bánh heroin nên cần làm rõ những người liên quan.
Giấy biên nhận nạn nhân nộp tiền và những chiếc thẻ được chúng rút tiền của các bị hại.
Sau đó, "điều tra viên" này tra hỏi ông Thành có giao dịch nhà đất, chứng khoán hay có tài khoản, sổ tiết kiệm… tại ngân hàng này không? ông thật thà “khai báo” có một sổ tiết kiệm 720 triệu đồng gửi tại ngân hàng; đồng thời khẳng định bản thân là cán bộ hưu trí hoàn toàn trong sạch, số tiền trên không liên quan gì đến tội phạm.
Lê Minh đề nghị ông cung cấp số sổ tiết kiệm để “xác minh”. Sau đó, Minh nói vì cơ quan điều tra ở TP HCM nên không có điều kiện tới ngân hàng nơi ông Thành gửi tiền để làm việc. Kẻ này đề nghị ông chuyển toàn bộ tiền tiết kiệm vào tài khoản của cơ quan công an để “phục vụ điều tra”.
Với mong muốn nhanh chóng được “minh oan”, ông Thành rút toàn bộ tiền gửi vào số tài khoản do Lê Minh cung cấp. Trong thời gian từ sáng đến 16h30 cùng ngày, ông thực hiện mọi yêu cầu do Lê Minh đặt ra như không tiết lộ việc đang “cộng tác với cơ quan công an” cho bất cứ ai, kể cả người thân; giữ liên lạc, không ngắt điện thoại và làm theo mọi hướng dẫn của “công an”.
Sau khi hoàn tất việc chuyển tiền, Lê Minh cho biết cơ quan công an sẽ hoàn lại tiền cho ông Thành vào ngày hôm sau. Tuy nhiên, chờ mãi không thấy liên lạc từ Lê Minh, ông gọi lại nhưng không được nên trình báo cơ quan chức năng.
Theo thống kê của PC50 Hà Nội, chỉ trong thời gian từ cuối tháng 5 đến 23/6, có 16 người dân ở các tỉnh thành trên toàn quốc bị lừa đảo với phương thức tương tự. Trong đó, có 7 người ở Hà Nội và 2 người ở TP HCM bị chiếm đoạt gần 2 tỷ đồng. Tại Đà Nẵng, trong vòng một tuần giữa tháng 6, có 3 người cũng dính bẫy lừa đảo qua điện thoại, bị chiếm đoạt gần một tỷ đồng.
Cảnh sát cho hay, những cuộc gọi trên đều liên quan đến các tổng đài từ nước ngoài về Việt Nam qua kết nối VoIP (một công nghệ cho phép truyền âm thanh thời gian thực qua băng thông Internet và các kết nối IP), do kẻ xấu sử dụng công nghệ cao và thiết bị thông tin trái phép để thực hiện. Khi hiển thị trên màn hình, những số điện thoại này bắt đầu từ mã quốc gia (+83), nhưng người nghe đã nhầm tưởng, chỉ căn cứ vào những số cuối, trùng với số điện thoại có thật tại Việt Nam.
Qua thực tế điều tra cho thấy, những kẻ lừa đảo có tổ chức, là người nước ngoài (Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia) cầm đầu và lôi kéo người Việt Nam tham gia. Khi bị hại chuyển tiền vào tài khoản sẽ bị chúng rút tiền ngay để chiếm đoạt, hoặc chia nhỏ vào nhiều tài khoản khác nhau rồi chuyển ra nước ngoài để thực hiện việc rút tiền.
* Tên bị hại đã thay đổi.
Đọc thêm: Nỗi lòng kẻ bán người mua điện thoại mùa World Cup
Theo: VnExpress