Sức mạnh của mạng xã hội
Báo chí thường được xem là quyền lực thứ tư, đứng sau lập pháp, hành pháp và tư pháp nhưng tại thời điểm này, có lẽ quan niệm này cần phải được xem lại khi sức mạnh của mạng xã hội đã vượt ra ngoài sự tưởng tượng của con người. Ngày nay, mạng xã hội đóng vai trò “người phán xử” của không ít vấn đề nóng vì nhờ nó mà người dân được trao quyền quan sát, nhận định, phán xét… và tất nhiên độ tin cậy phụ thuộc vào lương tâm người dùng.
Chia sẻ của nữ ca sĩ Tóc Tiên về mạng xã hội
Chẳng lấy ví dụ đâu xa, một loạt biệt danh “hot girl bánh tráng”, “hot girl ảnh thẻ”, “mỹ nữ vạn người mê”... đều là do cư dân mạng đặt ra. Những cá nhân kia đâu cần đi thi cuộc thi nào, đâu cần phải do chuyên gia nào nhận định, chỉ cần bộ phận cư dân mạng tôn họ lên, thì mặc định sẽ là như vậy. Điều này cũng chính là biểu hiện cho “tâm lý đám đông”, là cốt lõi để mạng xã hội điều khiển được dư luận.
Không chỉ vậy, mạng xã hội chính là công cụ kiếm tiền hữu hiệu. Tính đến năm 2018, dân số Việt Nam là 96,02 triệu người và có đến 55 triệu người trong số đó đang sử dụng mạng xã hội. Với lượt người dùng khủng như vậy, không khó để các cá nhân và trang mạng kiếm tiền quảng cáo. Thậm chí có những người kiếm được hàng trăm triệu mỗi tháng chỉ thông qua việc bán hàng, pr trên các mạng xã hội như Facebook, Instagram...
Từ chuyện tốt biến thành hiểm họa khôn lường
Mạng xã hội cũng như bao ứng dụng tiện ích khác - giống như một con dao hai lưỡi. Nó có thể đem lại cho bạn niềm vui, thâm chí vật chất, nhưng cũng có thể khiến bạn bị nhấn chìm nhanh như một con thuyền va phải tảng băng giữa biển lớn. Ngày nay, hình thức quảng cáo quán ăn, nhà hàng trên mạng xã hội là một câu chuyện không hề xa lạ, thậm chí nó còn được coi là “chiến lược kinh doanh”. Bởi, có rất nhiều hội nhóm trên mạng xã hội được lập ra để giới thiệu, review những địa điểm ăn chơi tụ tập ngon, rẻ, chất lượng.
Có những hội, nhóm có tới gần 400.000 thành viên, được xét duyệt tham gia bằng các câu hỏi của quản trị viên nên hầu hết đều là các nick chính chủ, hoạt động thường xuyên. Các quán ăn, nhà hàng sẽ tận dụng những cá nhân có sức ảnh hưởng để “thuê pr”, còn mức “cat – xê” là tùy vào mức độ ảnh hưởng. Theo một nguồn tin đáng tin cậy, reviewer D tại Hà Nội có thể có ngay 5 triệu đồng khi đăng một bài review quán ăn nhỏ nào đó. Những quán ăn được anh review, lượng khách tăng đột biến dù đồ ăn có thể dở hoặc mất vệ sinh. Vô hình chung, các reviewers trở thành những người “định hướng” lựa chọn cho số đông.
Bên cạnh những reviewers có tâm, một bộ phận khác lại vì đồng tiền mà bất chấp giúp các quán ăn, nhà hàng hạ bệ đối thủ. Nhà hàng T chỉ vì một bài review của một cá nhân “nổi tiếng” trong cộng đồng reviewer mà đóng cửa, tất cả nhân viên buộc phải nghỉ làm, rơi vào cảnh thất nghiệp. Thậm chí, người chủ thua lỗ phá sản mà trở nên túng quẫn. Câu chuyện này không phải của riêng ai mà đã xảy ra rất nhiều lần, gây ra những ảnh hưởng vô cùng tiêu cực tới cuộc sống của những người bị nhắm đến.
Việc cần làm
Khi mà quản trị mạng không thể kiểm soát hết những thông tin được đăng tải, thì chính chúng ta phải tự mình bảo vệ quyền lợi bản thân. Có rất nhiều cách để thoát khỏi chiêu trò đối thủ, như: thuê những reviewers uy tín để “đính chính” tin đồn thất thiệt. Hay có thể mở các khuyến mãi hấp dẫn để mọi người tự trải nghiệm và đánh giá. Đây là cách cực kì hiệu quả, vì đôi khi không cần những reviewers nổi tiếng, chỉ cần sự công nhận của một bộ phận nhỏ “cư dân mạng” cũng đủ giúp bạn thoát khỏi “bẫy” trên mạng xã hội. Tuy nhiên, giải pháp bền nhất đối với các quán ăn nhà hàng chính là cải thiện chất lượng món ăn, vệ sinh, dịch vụ mỗi ngày. Bởi, dù cho có thuê pr rầm rộ như thế nào mà món ăn dở, không đảm bảo vệ sinh hay dịch vụ kém thì khách hàng cũng sẽ quay lưng với bạn mà thôi.
Mạng xã hội nào của VN sẽ thay thế Facebook
(TechZ.vn) Việt Nam đang cần xây dựng một mạng xã hội mới nhằm thay thế Facebook bởi sự ảnh hưởng ngày càng lớn của mạng xã hội này.