Thiết bị công nghệ

Màn hình sapphire trên smartphone: Liệu có cần thiết?

Cuối cùng, bộ đôi iPhone 6 đã không được trang bị màn hình sapphire giống như nhận định trước đó. Mọi việc gần như chính xác đến 90% khi Apple đã từng cam kết toàn bộ nhà máy ở Arizona sẽ dành tất cả thời gian vào việc nghiên cứu một vật liệu bền bỉ có khả năng chống xước tuyệt đối được cấu thành từ sapphire, nhưng rồi 10% còn lại đã xảy ra. Phải chăng Apple đã nhận ra được những yếu điểm của loại màn hình này, bởi vậy mà họ đã không trang bị cho sản phẩm của mình? Hoặc “Quả táo” cảm thấy công nghệ này chưa thực sự cần thiết trên smartphone hiện nay?

iPhone 6 cuối cùng cũng không được trang bị màn hình Sapphire. Ảnh: Hồng Long

Đặc tính của sapphire

Sapphire không còn quá xa lạ với nhiều người trên toàn thế giới, khi chiếc đồng hồ có giá thành cao hơn 800.000 vnđ đều được trang bị mặt kính được làm từ vật liệu này. Đặc điểm đầu tiên của Sapphire đó là nó rất cứng, trong thang đo độ cứng Mohs, sapphire đạt điểm 9, đồng thời đứng thứ ba sau kim cương và moisannite. Để dễ hơn cho việc so sánh, Gorilla Glass 3 (công nghệ kính cường lực dùng rất nhiều trên smartphone hiện nay) đạt độ cứng 622 – 700 trên thang Vickers quy đổi ra thang độ cứng Mohs nằm ở mức từ 5.5 – 6, khả năng chống xước của Sapphire ở thang Vicker đạt 2035, gấp hơn 3 lần so với công nghệ kính đương đại. Đó là đặc tính tự nhiên, sapphire nhân tạo thậm chí có độ cứng ấn tượng hơn cùng với đó là khả năng chống bị ăn mòn và khả năng chịu nhiệt lượng cao.

Chống xước, chống chịu va đập truyệt vời là những đặc tính của màn hình Sapphire. Ảnh: Softpedia

Bên cạnh những ưu điểm về độ cứng, khả năng chịu đựng của sapphire, vật liệu này vẫn tồn tại một số nhược điểm mà khiến nhiều nhà sản xuất e ngại, song, các nhà khoa học đã nhanh chóng lên tiếng. Các nhược điểm như độ nặng, khả năng truyền ánh sáng kém hơn so với kính cường lực sẽ nhanh chóng được khắc phục để sớm đưa vào sử dụng rộng rãi. Minh chứng là màn hình trên chiếc điện thoại Ascend P7 Sapphire của nhà sản xuất Huaweii ra mắt cách đây không lâu cho chất lượng hiển thị tương đương với kính cường lực. Đây cũng là lý do để giới công nghệ tin rằng : ”sapphire là công nghệ màn hình trong tương lai”.

Chất lượng của màn hình sapphire

Thực tế đã chứng minh, màn hình có phủ sapphire sẽ giúp tăng khả năng chống trầy, chống vỡ lên rất cao so với một màn hình làm bằng thủy tinh cường lực thông thường. Ngoài việc tăng sức “đề kháng” cho thiết bị di động, sapphire còn mang lại một vẻ đẹp bóng bảy và sang trọng. Không phải tự nhiên, các dòng sản phẩm đắt tiền như Vertu lại sử dụng công nghệ màn hình này.

Ascend P7 - chiếc smartphone sử dụng màn hình Sapphire đầu tiên trên thế giới. Ảnh: PhoneArena

Điểm mạnh của sapphire đó là nếu người dùng lỡ tay làm rơi điện thoại thì nó cũng chẳng hề bị vỡ như màn hình thuỷ tinh. Và như vậy chắc chắn bạn sẽ chẳng cần đến việc mua thêm vỏ bọc cho smartphone hoặc thậm chí cả việc . Ngoài ra, việc bỏ chung điện thoại với nhiều chùm chìa khóa cũng không phải là vấn đề đáng lo ngại với đặc tính tuyệt vời của sapphire.

Màn sapphire chưa phù hợp với xu hướng smartphone hiện nay

Về thiêt kế, khuynh hướng smartphone hiện nay là làm sao đạt được những thiết bị mỏng hơn, nhẹ hơn nhưng đồng thời phải làm cho chúng có kích thước lớn hơn. Điều này thực sự là một công việc hết sức khó khăn. Để tăng kích thước và giảm trọng lượng smartphone, bắt buộc nhà sản xuất phải lựa chọn một loại vật liệu phù hợp có khối lượng riêng nhỏ và độ dày phân tử thấp hơn. Trong khi đó, sapphire tỏ ra không phù hợp với xu thế này, vật liệu này có độ đặc cao hơn 30% so với kính cường lực. Ngược lại, nhà sản xuất Corning liên tục cho ra mắt những tấm kính mỏng hơn, có độ đàn hồi tốt hơn so với công nghệ cũ phù hợp với xu thế màn hình ngày càng “cong” như hiện nay.

Lớn hơn, mỏng hơn và nhẹ hơn là xu hướng sản xuất smartphone hiện nay. Ảnh: ZDnet

Nếu giới khoa học không tìm ra được một cách thức chế tạo sapphire tốt hơn, sẽ rất khó để vật liệu này được ứng dụng vào màn hình smartphone. Sapphire truyền thống không thể thích hợp với các bề mặt rộng lớn và có khả năng cong sát về hai cạnh, đây cũng là lý do Apple loại bỏ vật liệu này khỏi iPhone 6 khi màn hình của thiết bị này bó cong về rìa màn hình.

Smartwatch sẽ là thiết bị phù hợp hơn với màn hình Sapphire. Ảnh: Apple

Trong thời đại cấu hình đã trở nên bão hòa, một chiếc smartphone tầm trung cũng cho khả năng xử lý trơn tru mọi tác vụ thì việc cạnh tranh về giá thành sản phẩm là một cuộc chiến vô cùng khốc liệt. Nếu một hãng sản xuất nào đó cố tình cho ra những mẫu smartphone màn hình sapphire họ sẽ đối mặt với vấn đề giá thành. Chi phí sản xuất màn hình sapphire được ước tính gấp 10 lần so với kính cường lực thông dụng. Và về phía người dùng, họ sẽ không chi ra một số tiền lớn hơn rất nhiều chỉ để sở hữu một sản phẩm có độ bền ấn tượng, trong khi vẫn còn có những giải pháp rẻ tiền hơn như miếng dán cường lực, phủ thủy tinh.

Kết luận

Sapphire là công nghệ màn hình smartphone trong tương lai! Đúng! Nhưng không phải là tương lai gần. Các nhà sản xuất cần phải kết hợp một cách nghiêm túc với các nhà nghiên cứu khoa học để có thể chế tạo một vật liệu mới phù hợp về giá thành, về xu hướng thiết kế của smartphone. Vậy hiện tại, sapphire sẽ phù hợp với thiết bị như thế nào? Câu trả lời rất đơn giản, sẽ phù hợp hơn với các sản phẩm có diện tích màn hình nhỏ hơn như smartwatch chẳng hạn. Còn với smartphone, có lẽ vẫn còn xa lắm!

 

Tại sao iPhone 6 không được trang bị màn hình sapphire?

(Techz.vn) Trước đây, Apple đã từng có dự định trang bị màn hình sapphire lên 2 mẫu máy iPhone 6.