Trong thế giới tôn giáo, Jerusalem được biết đến là thành phố lâu đời nhất thế giới, là vùng đất thiêng với sự hội tụ của ba tôn giáo lớn là Hồi giáo, Thiên chúa và Do Thái. Ngày nay nơi đây đã trở thành một địa điểm du lịch nổi tiếng, không chỉ bởi ý nghĩa lịch sử hay những di tích có từ nhiều thế kỷ trước, mà còn bởi một hội chứng kỳ lạ đã được khoa học công nhận, hội chứng Jerusalem – khi những người hành hương nghĩ mình là Chúa.
Nhưng dường như việc tự coi mình là “đấng toàn năng” không chỉ có ở hội chứng tôn giáo này, nó còn xuất hiện ở một lĩnh vực rất khác: Thế giới công nghệ. Khi các founder trở lại nắm quyền tại công ty mình sáng lập, không ít người đã mạnh miệng tuyên bố mình sẽ vực dậy cả công ty, đưa nó trở lại thời kỳ hoàng kim như trước đây. Khác biệt duy nhất có lẽ là nhân vật được họ mang ra để tự so sánh, ví von không phải là Maria hay Jesus, mà là “vị phù thủy của thế giới công nghệ” – Steve Jobs.
Sự kiện tư nhân hóa của Dell trong thời gian vừa qua như một dịp để mọi người cùng nhìn lại sự chèo lái công ty của Michael Dell kể từ khi trở lại vị trí CEO năm 2007. Nhưng thay vì giống với Steve Jobs, dường như Michael Dell lại mang nhiều nét tương đồng với một nhân vật khác, Jerry Yang – founder của Yahoo, người bị chỉ trích vì đã khiến công ty này tuột dốc không phanh trong thời kì ông trở lại nắm quyền điều hành.
Yang cũng từng được so sánh với Steve Jobs khi ông trở lại điều hành Yahoo năm 2007. Yang, giống như Dell, cũng nói về những tài sản có giá trị chưa được khai thác hết tiềm năng của Yahoo như Finance, Search, Mail hay IM.
Và quả thật là, không phải Yahoo không có được một nền tảng vững chắc để tiếp tục phát triển. Vấn đề nằm ở chỗ từ lâu các mảng kinh doanh chính của Yahoo đã quá lớn và quá thành công để bị đánh bại, nhưng nó không còn năng động, không sáng tạo và không thu hút được các khách hàng trẻ nữa
Cây bút Kenvin Kelleher của Pandodaily đã viết về Dell: “Nơi nào Dell dẫn đầu thì thị thường không thể phát triển mạnh, và nơi nào thị trường công nghệ phát triển mạnh, thì Dell khó có thể dẫn đầu.” Tương tự như vậy, khi đó những lĩnh vực vốn là thế mạnh của Yahoo thì khó có thể tiếp tục phát triển, trong khi những lĩnh vực đang và sẽ phát triển mạnh lại không phải là thế mạnh của hãng này.
Khi Yang bắt đầu trở lại vị trí CEO, ông đã thực sự thể hiện tình cảm gắn bó với công ty do mình sáng lập, và ngược lại, mọi người cũng rất yêu mến và đặt nhiều hy vọng vào vị lãnh đạo “mới” này. Nhưng tất cả những gì ông thể hiện lại là hình ảnh một vị lãnh đạo hay chần chừ và có nhiều quyết định cảm tính.
Không khó để đưa ra được nhận xét trên. Đầu tiên, theo nhiều nguồn tin, Yang từng bí mật gặp gỡ Steve Jobs để trò chuyện và lắng nghe những lời khuyên từ vị CEO của Apple, để cuối cùng lại chần chừ không làm theo. Rồi khi Yang từng sửng sốt khi nhận ra mình không còn nhiều thời gian để cứu vãn công ty, không thấy được những áp lực từ các cổ đông vốn đã bùng phát dữ dội ngay từ khi ông bắt đầu trở lại vị trí CEO.
Không ít lần những người làm việc cùng Yang đã cố gắng thuyết phục ông đưa ra quyết định tư nhân hóa công ty ngay sau khi nắm quyền tiếp quản – một động thái sẽ giúp Yang có toàn quyền quyết định trong việc tinh giản bộ máy hoạt động cồng kềnh của Yahoo, cũng như có thể tập trung hơn cho những sản phẩm chiến lược. Hơn thế nữa, nó còn giúp ông tránh được những phản ứng tiêu cực từ các cổ đông thù địch hay việc công ty bị thâu tóm một cách ngoài mong muốn. Tất nhiên như chúng ta đã biết, Jerry Yang đã không đồng ý, bởi ông cho rằng kể cả khi không tư nhân hóa, thì hai viễn cảnh trên đều khó có thể xảy ra. Quan điểm này đã dẫn tới một sai lầm có lẽ là lớn nhất trong sự nghiệp của vị lãnh đạo này: Từ chối bán lại công ty cho Microsoft vào năm 2008 với mức giá kỷ lục 44 tỉ USD.
Yang có nhiều quyết định cảm tính. Giữ vị trí lãnh đạo công ty, ông vẫn nhìn đứa con tinh thần của mình qua lăng kính màu hồng – tự hào về một Yahoo với vai trò là một cổng thông tin số một, khăng khăng bảo lưu quan điểm rằng Yahoo vẫn có thể cạnh tranh được với Google – một cuộc chiến mà vốn từ lâu thắng bại đã quá rõ ràng. Trong những email gửi cho những nhân viên tận tụy của công ty, ông vẫn luôn cho rằng vấn đề nhận diện tên và thương hiệu, cùng với những khoản đầu tư lớn vào xây dựng máy tìm kiếm là những lý do dẫn đến việc Yahoo bị định giá thấp hơn giá trị thực của nó.
Ở một khía cạnh nào đó, khó có thể đổ lỗi toàn bộ cho Yang. Đó đều là những suy nghĩ và cảm xúc thông thường của đa số các founder. Họ luôn lạc quan mỗi khi đề cập đến công ty mình đã gây dựng lên, coi chúng như một phần di sản của mình. Lịch sử của thung lũng Silicon đã ghi nhận không ít trường hợp các công ty nhận được đề nghị mua lại từ các gã khổng lồ với một mức giá hoàn toàn hợp lý, nhiều khi còn cao một cách “điên rồ”, nhưng cuối cùng vẫn bị các founder từ chối, thậm chí với một thái độ có phần ngạo mạn, kiêu căng. Đó có thể là một quyết định sáng suốt – như trường hợp của Facebook, nhưng cũng có thể là một sai lầm lớn hay gây nhiều tranh cãi – với trường hợp của Viddy.
Khi Yang trở lại nắm quyền, Yahoo đã là một công ty khác, phải cạnh tranh để tồn tại trong một thực tế thị trường khác, với những cổ đông khác. Dù trước đó có một thời gian dài làm trong hội đồng quản trị, thì Yang vẫn khó có thể bắt kịp với những biến đổi nhanh chóng của thị trường. Một tư tưởng “ngoài luồng” như vậy có thể có lợi khi bạn bắt tay xây dựng một công ty mới, chứ không phải khi đang cố gắng cứu một gã khổng lồ khỏi lao dốc.
Lý do nhiều công ty lớn nhất gần đây có CEO chính là các founder không phải là bởi họ là siêu nhân có đáp án cho mọi câu hỏi. Đó là do founder giữ vị trí CEO đã luôn phát triển và thích nghi cùng với công ty. Lôi một founder ra khỏi công ty của chính anh ta rồi nhiều năm sau mới kéo anh ta trở lại trị trí điều hành giống như việc giao công việc và trách nhiệm của một người đàn ông trưởng thành vào tay một cậu nhóc 12-13 tuổi. (Và mong chờ nhóc ta sẽ làm tốt tất cả mọi thứ!)
Đợi đã, vậy còn trường hợp của Steve Jobs thì sao?
Khác biệt lớn nhất giữa Yang và Jobs chính là khi Jobs trở lại Apple, ông sẵn sàng vứt bỏ những khuôn mẫu cứng nhắc, tiến hành những bước đi táo bạo để vực dậy công ty. Yang thì không.
Và đây là những gì Steve Jobs đã làm ngay khi vừa trở lại Apple: hủy bỏ hàng loạt sản phẩm đang phát triển, sa thải hàng ngàn nhân viên để tinh giản bộ máy và trở thành bạo chúa tại Cupertino. Ông đã đưa Apple xâm nhập những thị trường mới như âm nhạc, truyền thông, điện thoại di động, hay đặc biệt là đưa Apple dẫn đầu thị trường ở một loại sản phẩm mới – máy tính bảng – với thành công rực rỡ của iPad. Steve Jobs trở lại không phải để cố gắng giữ lại hình ảnh một Apple cũ kỹ, ông trở lại để mang đến một luồng sinh khí mới và những cải cách toàn diện cho công ty do chính mình sáng lập.
Apple được cứu không phải bởi những kinh nghiệm kinh doanh lâu năm hay những hào quang của thành công trong quá khứ, nó được cứu bởi Steve Jobs sẵn sàng vứt bỏ mọi thứ trừ triết lý và thương hiệu của Apple để “yêu lại từ đầu?
Tất nhiên, Michael Dell cũng có thể làm điều tương tự với Dell – giờ đã trở thành một công ty tư nhân do ông lãnh đạo. Về lý thuyết, ông sẽ có thể làm mọi thứ ông muốn. Nhưng điều này cũng sẽ không mang lại nhiều ý nghĩa nếu cuối cùng, Dell vẫn chỉ là “bình mới rượu cũ” như ta đang thấy ở Yahoo: tầm nhìn cũ, sản phẩm cũ, thị trường cũ được bao bọc trong những phát ngôn mới mẻ và bóng bẩy cùng một vài đợt thay đổi nhân sự nho nhỏ để giảm thiểu chi phí quản lý.
Ngược lại quá khứ, Dell quay trở lại đảm đương vị trí CEO chèo lái công ty từ sáu năm trước, kết quả là giá cổ phiểu của công ty giảm mất hơn 40%. Vậy liệu việc tư nhân hóa lần này có tạo được khác biệt? Liệu công ty sẽ có được một chiến lược rõ ràng, sẵn sàng đoạn tuyệt quá khứ để có một khởi đầu mới?
Dell – cũng như Hewlett Packard – đều cho rằng mảng kinh doanh máy tính cá nhân vẫn sẽ giữ một vị trí quan trọng, bất chấp sự phát triển mạnh mẽ của thị trường phần mềm và dịch vụ doanh nghiệp, cùng với sự bùng nổ của thị trường máy tính bảng hay điện thoại thông minh. Ở một góc nhìn khác, CEO Larry Ellison của Oracle lại hoàn toàn không đồng tình với quan điểm này. Thậm chí Ellison còn công khai tuyên bố muốn thanh lý mảng kinh doanh phần cứng phổ thông (vốn đi cùng với thương vụ mua lại Sun Microsystems năm 2010) càng nhanh càng tốt. Cho rằng mảng máy tính cá nhân vẫn sẽ giữ vị trí quan trọng hàng đầu nghe cũng tương tự như khi Yahoo khẳng định thế giới hiện đại vẫn cần một cổng thông tin “kiểu Yahoo” (như nhiều năm trước?!)
Có lẽ ví dụ sinh động nhất thể hiện sự khác biệt giữa Jobs và Dell là từ một bài viết trong blog của Adam Nash một năm trước, khi Jobs qua đời. Tác giả viết về thời gian thực tập của mình tại Apple cũng như cuộc gặp gỡ của anh với Jobs vào năm 1997, vài tuần trước khi ông trở lại vị trí CEO.
Trích đăng từ blog:
Steve bước lên sân khấu ở phía trước của căn phòng trong Infinite Loop 4, đặt lên một tấm hình lớn, lớn hơn kích thước thật của… Michael Dell. Ông lặp lại những gì Michael Dell đã nói về việc ông sẽ làm gì nếu ông là người điều hành Apple Computer. (Tại thời điểm đó, Dell được coi là người thành công nhất trong ngành công nghiệp PC.) Dell đã trả lời rằng ông sẽ thanh lý công ty và trả lại tiền mặt cho các cổ đông.
Mọi người đều biết Jobs đã trả lời Dell như thế nào
Bạn biết không, Dell quyết định sáng suốt đấy.
Thế giới không cần có thêm một Dell hay một HP khác. Thế giới không cần thêm một công ty sản xuất ra những chiếc PC đơn giản, nhàm chán. Nếu đó là những gì chúng ta làm ra, công ty chắc chắn sẽ thất bại. Nhưng may mắn là mục đích của Apple cao hơn thế. Không giống như bất kỳ công ty nào trong ngành này, khách hàng muốn chúng ta tạo ra những sản phẩm họ yêu thích; thực tế là, hơn cả yêu thích. Công việc của chúng ta là tạo ra những sản phẩm khiến mọi người phải cảm thấy ham muốn sở hữu và sử dụng. Đó chính là mục tiêu cao nhất của Apple.
Trong khi đó, Dell – dù tư nhân hóa hay không – vẫn còn đang mải mê tập trung bán những chiếc PC đựng trong các hộp các-tông màu be. Họ mới chỉ dò dẫm những bước đầu tiên tiến vào thị trường phần mềm doanh doanh nghiệp, với hy vọng làm được điều mà HP đã không thể làm được.
Có thể Dell đã làm được một việc Yang không làm được, đó là tư nhân hóa công ty. Nhưng câu hỏi thực sự là liệu ông có thể gạt cảm xúc sang một bên để đưa ra được những thay đổi, cải tiến mà công ty thực sự đang rất cần ở thời điểm hiện tại.
Xem thêm: Michael Dell: HP rao bán mảng PC không phải là một ý kiến hay!
Theo Pandodaily