Điện thoại

LG và thị trường smartphone: Mối lương duyên không êm đẹp!

LG – hãng điện tử đến từ Hàn Quốc với số lượng thiết bị công nghệ, gia dụng rất lớn được bán ra trên toàn cầu. Tại thị trường smartphone, LG đi lên từ dòng Optimus và G nhờ công nghệ vượt trội, luôn luôn dẫn đầu và thậm chí có những lúc tưởng chừng như họ sẽ trở thành thống lĩnh để rồi trôi tuột dần về phía sau. Đi trước Samsung, Apple và những cái tên khác về phổ cập công nghệ mới nhưng rồi lại đứng đằng sau để ngắm nhìn họ thành công bằng những cách khác nhau trong tiếc nuối. Thậm chí, vào cuối năm 2013, hãng tuyên bố sẽ không tập trung vào thị trường smartphone.

Rõ ràng, không thể phủ nhận công lao của LG đối với thị trường smartphone, nhưng, có lẽ mối lương duyên giữa hãng và mảng thiết bị này kém phần êm đẹp sau rất nhiều sự cố. Đó không hẳn là một lý do chính đáng để giải thích cho sự yếu kém của LG trong 3 năm trở lại. Vậy nguyên nhân chính nằm ở đâu, đơn giản là sự quan tâm không đúng mực từ chính LG dành mảng smartphone. Việc LG đánh mất thị trường cũng nằm trong dự đoán của rất nhiều chuyên gia trong năm 2013.

LG – kẻ tiên phong nhưng luôn chậm chạp ở giai đoạn nước rút

Vào cuối năm 2013, LG tuyên bố sẽ không tập trung vào thị trường smartphone.

Sáu năm trở về trước, LG là một cái tên toàn toàn khác biệt, hãng đã tiếp cận nền tảng Android rất nhanh để rồi cho ra mắt hàng loạt các sản phẩm tốt, gây ấn tượng đối với người dùng. Tại Hàn Quốc, có thời điểm LG trong mắt người dùng cao hơn Samsung, vượt trội hơn Pantech. Từ đó, hàng loạt sản phẩm gây ấn tượng mạnh được ra đời. Những chiếc smartphone đầu tiên trên thế giới được trang bị công nghệ nào đó thường là của LG. Chiếc smartphone 2 nhân đầu tiên là LG Optimus 2X, chiếc điện thoại đầu tiên sở hữu màn hình 3D không cần kính cũng là LG Optimus 3D. Hay xa hơn là KE850 Prada – chiếc điện thoại màn hình cảm ứng điện dung đầu tiên trên thế giới, mở ra kỷ nguyên vuốt, chạm mượt mà cho người dùng. Gần đây nhất là chiếc G Flex, một trong hai chiếc smartphone màn hình cong đầu tiên trên thế giới cũng của LG với công nghệ tự phục hồi tổn thương và G5, mẫu flagship module không một hàng điện thoại nào làm được.

LG Optimus 3D

Bên cạnh đó, LG còn sở hữu rất nhiều công nghệ tiên tiến và đi tiên phong cho cuộc cách mạng smartphone để rồi bùng nổ như ngày nay. Đành rằng LG không phải nhà sản xuất sử dụng màn hình 2K đầu tiên trên thế giới, song, chính hãng mới là người tạo ra kỷ nguyên độ phân giải cao này cho toàn bộ thị trường. Tuy nhiên, đi đầu là thế, gây ấn tượng mạnh là thế, song, LG vẫn thiếu đi một sức hút nào đó đố với người tiêu dùng, để rồi mãi mãi lùi về phía sau cảm nhận hương vị chiến thắng của đối thủ.

Tất cả bởi những hướng đi có phần sai lầm, sự quan tâm không đúng mực và cả những cái chết bất ngờ của các mẫu flahship.

Liên tiếp gặp sai lầm, mải mê trong chiến thắng

Năm 2008, LG bất ngờ bắt tay với Microsorft khi đang đứng vị trí thứ 3 toàn cầu với 8,6% thị phần. LG tự tin với phần mềm của Microsoft và phần cứng của hãng sẽ đem lại nhiều trải nghiệm đáng kinh ngạc. LG muôn sử dụng Windows Mobile cho hơn 50 loại smartphone khác nhau cho đến năm 2012. Tuy nhiên, đó là quyết định sai lầm khi Microsoft đã mất dần vị thế của mình kể từ năm 2008, việc hợp tác cũng gây không ít bất ngờ với giới phân tích.

LG từng có giai đoạn cực kỳ thành công về mặt thiết kế. Ảnh: Internet

Trong khi cả thế giới đang tập trung vào nền tảng Android nhằm tạo đối trọng với Apple, LG lại một mình một ngựa khẳng định giao diện người dùng mới là điều quan trọng nhất. Mọi sự đầu tư đổ dồn vào phát triển phần mềm trên nền tảng Windows Mobile, tiếp thị rộng rãi trên thị trường. Ngoài ra, hãng còn định “lười” không thèm sản xuất smartphone cho đến năm 2012. Dẫu vậy, LG thực sự thành công trong năm 2009 với 100 triệu chiếc điện thoại được bán ra và đạt 10,4% thị phần, củng cố vị trí thứ ba. Tất nhiên, những con số đó đạt được nhờ công của tiếp thị rộng rãi và thiết kế độc đáo.

Trong lúc không nhận ra được sai lầm trong việc chuyển dịch trong smartphone, LG lại đón nhận một chiến thắng đầy vinh quang, lợi nhuận ròng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2008. Điều này càng khiến họ mải mê với những chiến lược cũ để rồi sự bùng nổ của smartphone cũng kéo LG đi xuống một cách nhanh chóng chỉ trong vòng 1 năm. Nửa năm cuối 2009 cho đến hết 6 tháng năm 2010 là một thảm họa đối với LG, smartphone bùng nổ và chả còn ai thèm đoái hoài đến nền tảng Windows Mobile chậm tiến, thiếu ứng dụng. Microsoft cũng chậm chạp trong kế hoạch thay thế nền tảng cũ để chạy theo Android.

Cũng may cho LG khi Google luôn dang rộng bàn tay chào đón những nhà sản xuất phần cứng nhằm đối chọi với iOS của Apple. LG gia nhập thị trường smartphone tuy muộn còn hơn không, song, kỷ nguyên mới là một nỗi thất vọng kéo dài.

Các mẫu điện thoại cao cấp liên tục gặp lỗi, tầm thấp không có sức cạnh tranh

Dù đển chậm hơn so với phần lớn thị trường nhưng LG vẫn được nhắc tới với những công nghệ dẫn đầu, mạnh mẽ và độc đáo. Hãng thu hút cả thế giới khi dõi theo những chiếc smartphone cấu hình cao, công nghệ độc đáo liên tiếp được LG trình làng. LG Optimus P500, chiếc điện thoại Android một thời vô cùng phổ biến tại Việt Nam, Optimus 2X siêu mạnh với chip 2 nhân, Optimus 3D với màn hình 3D không cần kính và LG G, mở ra một kỷ nguyên mới của LG. Tuy vậy, ở phân khúc tầm trung và thấp, chất lượng xây dựng kém, chậm chạp, màn hình không tốt khiến mức cạnh tranh đi xuống. Gần như người dùng không nhắc tới LG ở phân khúc tầm trung khi Samsung và các thương hiệu Trung Quốc đã rất mạnh mẽ.

LG G5 không bền bỉ như người ta tưởng tượng. Ảnh: Internet

Ở phân khúc cao cấp, LG có được những thành tựu không hề nhỏ, đặc biệt với LG G2, sau đó là G3 và giờ là G5. Song, những sự cố chết người đã khiến LG, một thương hiệu thân thiện với túi tiền người dùng trở nên yếu kém hơn, đặc biệt, chất lượng xây dựng sản phẩm được đặt trong vòng nghi ngại.

LG G với mặt lưng bằng nhựa kém bền bỉ, các cạnh bên rất yếu, đặc biệt hao pin mặc dù là sản phẩm có hiệu năng cao nhất thế giới. G2 gặp trường hợp bị liệt loạn cảm ứng liên tục trong thời gian dài, sau đó LG tiếp tục mang “tính năng” này lên G3. Năm 2015, G4 gây dấu ấn mạnh với màn hình IPS lượng tử đầu tiên trên smartphone nhưng sau một thời gian sử dụng, sản phẩm này “đột tử” trên diện rộng. Cuối cùng, số phận của mẫu smartphone module G5 cũng không khá hơn những người đàn anh, dù doanh số đạt gấp đôi G4.

Dòng V liệu có cứu nổi LG. Ảnh: Android Headline

LG G5 là một siêu phẩm mà lần đầu tiên nhà sản xuất mang chất liệu kim loại, đồng thời có thể lựa chọn các dạng module tùy biến độc đáo. G5 thực sự thành công về mức độ cạnh tranh so với các smartphone dòng G từ trước tới nay. Song, một lần nữa, những dấu hiệu kém bền bỉ trên mặt lưng, module không chặt chẽ và đột tử đã trở thành một thương hiệu trên chiếc điện thoại này. Người dùng lại một lần nữa ngoảnh mặt, LG G5 xách tay giá 7 triệu cũng không có được doanh số tốt và thực sự ảm đạm.

Cuối cùng, vấn đề về phần cứng không quá lớn đối với LG như trường hợp Note 7 của Samsung, quan trọng là sự quan tâm không đúng mực từ phía nhà sản xuất. Kể từ cuối năm 2013, LG đã không còn mặn mà với thị trường smartphone, tập trung đẩy mạnh mảng Tivi và thiết bị gia dụng. LG G3 đã không còn được quảng bá như xưa, G4 ra mắt trong một khán phỏng nhỏ hẹp và G5 cũng tương tự. LG không tiếp thị mạnh mẽ như trước đây và khả năng nhận diện thương hiệu cũng đi xuống. LG không còn là chính mình nữa rồi!.

 

LG bỏ màn hình phụ, toan tính gây sốc trên LG V30

(Techz.vn) Phần màn hình thứ 2 đặc trưng của dòng V10 và V20 sẽ hoàn toàn biến mất trên LG V30. Điều gì đang xảy ra vậy?rn