Nhiều người hám lợi và thiếu hiểu biết đã dễ dàng bị mắc phải cái bẫy này mà không ngờ được rằng, chiếc iPhone mà mình đang sở hữu thực ra chỉ là một chiếc điện thoại tàu chưa đến 500.000. với giá
Mới đây trên thị trường đã xuất hiện một hình thức lừa đảo mới, đó chính là sử dụng chiêu bài giá rẻ để lừa gạt những người nhẹ dạ cả tin. Bằng việc giả vờ là những người vô tình nhặt được một chiếc điện thoại xịn, những kẻ lừa đảo dễ dàng tiếp cận và lừa phỉnh được món tiền không nhỏ từ phía người qua đường. Nhiều người hám lợi và thiếu hiểu biết đã dễ dàng bị mắc phải cái bẫy này mà không ngờ được rằng, chiếc iPhone mà mình đang sở hữu thực ra chỉ là một chiếc điện thoại tàu với giá chưa đến 500.000.
Sự việc này mới được lần ra gần đây, khi mà vào ngày 17-10, Công an phường Phú Hòa, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương lập hồ sơ xử lý một đôi chuyên lừa đảo người dân bằng chiêu “vừa nhặt được iPhone cần bán lại”.
Lật lại hồ sơ vụ án, vào khoảng 10 giờ ngày 17-10, một người đàn bà gầy gò, dáng vẻ khắc khổ cầm trên tay xấp vé số và chiếc iPhone rảo trên đường phố. Khi đến địa phận phường Phú Hòa, phụ nữ này mời anh Nguyễn Thanh Phong (38 tuổi, ngụ địa phương, làm nghề sửa xe gắn máy) mua vé số.
Sau khi anh Phong trả tiền 4 tờ vé số, bà ta đưa chiếc điện thoại iPhone ra nói: “Tôi mới nhặt được ở quán nhậu. Tôi không biết dùng loại này. Anh mua tôi bán rẻ cho, khoảng 2 triệu đồng thôi”.
Từng nghe thông tin về những vụ lừa mua iPhone giả, anh Phong cương quyết không mua. Người đàn bà liên tiếp hạ giá chiếc điện thoại từ 2 triệu đồng xuống 1,5 triệu đồng rồi 1,2 triệu đồng. Thấy có dấu hiệu khả nghi, anh Phong liên hệ với CLB Phòng chống tội phạm phường Phú Hòa để cùng theo dõi.
Anh Phong và các “hiệp sĩ” phường Phú Hòa phát hiện có một người đàn ông đi xe máy đón phụ nữ này ở đoạn đường vắng rồi thả xuống ở đoạn đường đông người để “câu” khách. Khi người đàn bà đang bán vé số, ông ta đứng nép người ở một góc đường liên tục dùng điện thoại nhá vào chiếc iPhone người đàn bà đang cầm. Lúc này, người đàn bà sẽ đưa điện thoại nhờ khách mua vé số tắt giùm và gạ bán.
Khoảng 12 giờ cùng ngày, khi anh Trần Anh Tuấn (ngụ phường Phú Hòa) chấp nhận mua iPhone và đưa tiền, “hiệp sĩ” Nguyễn Thanh Hải cùng đồng đội ập tới bắt quả tang. Một nhóm “hiệp sĩ” khác cùng lúc bắt giữ người đàn ông. Khi kiểm tra, các “hiệp sĩ” phát hiện trong người ông ta có 2 iPhone với kiểu dáng tương tự chiếc iPhone người phụ nữ bán vé số đang cầm.
Tại cơ quan công an, cặp đôi trên khai tên Tạ Thị Năng (SN 1966) và Trần Văn Trường (SN 1964, cùng quê tỉnh Vĩnh Phúc). Bà Năng thừa nhận iPhone đem bán không phải nhặt được nhưng quanh co không chịu khai nguồn gốc số iPhone giả này. “Tôi mua lại vài trăm ngàn đồng/cái của mấy chị em bán vé số rồi bán lại kiếm lời” - bà Năng nói.
Theo một cán bộ công an, có thể bà Năng không hoạt động riêng lẻ mà nằm trong “đội quân nhặt iPhone” có quê quán ở tỉnh Vĩnh Phúc. Trong vòng một tháng trở lại đây, ngoài bà Năng, còn có 3 người bán vé số khác (đều cùng quê Vĩnh Phúc) bị bắt ở phường Phú Hòa với cùng một “màn kịch”.
“Hiệp sĩ” Nguyễn Thanh Hải cho biết theo điều tra riêng, “đội quân” này gồm hàng chục đối tượng. Mỗi buổi sáng, họ tập trung tại Bến xe Bình Dương hoặc một nơi nào đó để nhận điện thoại iPhone giả do một đầu nậu cung cấp. Sau đó, một nam chở một nữ tỏa đi khắp Bình Dương để lừa đảo. Ước tính ở Bình Dương đã có hàng trăm người “sập bẫy”.
Không mờ mắt trước những khoản lợi bất minh và tự chuẩn bị cho mình những kiến thức cần thiết là biện pháp hiệu quả nhất để tránh cho người dùng rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười.
“Người dân cần cảnh giác, không nên mua bán ở ngoài đường, ham rẻ để rơi vào bẫy của các đối tượng xấu. Gặp những trường hợp này, người dân cần báo cho công an những đặc điểm nhân dạng, biển số xe để phục vụ công tác điều tra” - “hiệp sĩ” Nguyễn Thanh Hải khuyến cáo.
Trao đổi với phóng viên, anh Đỗ Văn Thành (36 tuổi, ngụ phường Phú Hòa, sống bằng nghề bán trái cây) một người từng là nạn nhân của chiêu lừa đảo này cho hay: "Sau vài giờ sử dụng, chiếc iPhone mới mua với giá 1,5 triệu đồng trở chứng, màn hình lúc sáng lúc tắt, máy đang hoạt động lại bị treo, đứng hình". Khi đem điện thoại ra tiệm kiểm tra, anh mới biết đây là iPhone giả, nguồn gốc Trung Quốc, nhiều phụ tùng đã hỏng, chưa đáng giá 300.000 đồng.
Đọc thêm: Cẩn thận với trò lừa đảo nhấn Like mới trên Facebook