Doanh nghiệp

Lãnh đạo Vingroup nói về việc bị hạ triển vọng xếp hạng tín nhiệm: “Nếu không muốn bị hạ bậc chỉ có cách duy nhất là không làm ô tô”

Trước thông tin Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch vừa ra báo cáo đánh giá hạ triển vọng xếp hạng tín nhiệm Vingroup, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Việt Quang – PCT kiêm TGĐ Tập đoàn về việc này.

Thông tin Vingroup vừa bị tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch giữ nguyên mức xếp hạng ở B+, nhưng triển vọng xếp hạng hạ từ Ổn định xuống Tiêu cực có đúng không, thưa ông?

Đúng vậy. Thông tin này chúng tôi mới nhận được chính thức từ Fitch trong ngày 10/10.

Ông có thể cho biết nguyên nhân Vingroup bị hạ triển vọng xếp hạng tín nhiệm và phản hồi của Vingroup về việc này?

Theo Fitch, triển vọng xếp hạng của Vingroup bị hạ là do Vingroup vay vốn để tài trợ cho lĩnh vực sản xuất ô tô, xe máy điện VinFast, khiến cho rủi ro đòn bẩy tài chính tăng lên. Điều này hoàn toàn nằm trong dự liệu của chúng tôi. Thực tế, tổng vốn đầu tư cho dự án VinFast dự kiến lên tới 4,2 tỷ USD, một phần từ nguồn tự có của Vingroup và huy động từ công ty thành viên, một phần lớn đến từ việc huy động bên ngoài là đi vay.

Vingroup đang là một ngôi sao sáng trong khối doanh nghiệp tư nhân, liệu có kịch bản nào tốt hơn việc chấp nhận bị hạ triển vọng xếp hạng tín nhiệm không, thưa ông?

Đầu tư vào lĩnh vực ô tô có độ rủi ro cao nên việc các tổ chức đánh giá tín nhiệm hạ bậc là chuyện không tránh khỏi. Các chuẩn mực xếp hạng tín dụng là như thế, nếu không muốn bị hạ bậc chỉ có cách duy nhất là không thực hiện dự án này. Tuy nhiên, với tâm huyết xây dựng bằng được thương hiệu ô tô Việt, đẳng cấp quốc tế - chúng tôi sẵn sàng hy sinh lợi ích của mình, thậm chí là những lợi ích vật chất to lớn để tập trung mọi nguồn lực cho VinFast.

Việc hạ triển vọng xếp hạng này liệu có ảnh hưởng tới hình ảnh công ty không, thưa ông?

Tôi cho là không. Chúng tôi vẫn được Fitch duy trì xếp hạng ở mức B+, tỉ lệ vay trên tổng tài sản vẫn an toàn và Fitch vẫn đang dành những đánh giá tích cực cho mảng kinh doanh khác của chúng tôi.

Hình ảnh của Vingroup hiện tại năng động và mạnh mẽ hơn trước rất nhiều. Đặc biệt, tầm nhìn trở thành một nhà sản xuất ô tô toàn cầu của chúng tôi đã nhận được sự tin tưởng, ủng hộ của nhiều tổ chức quốc tế.

Ngày 9/10 vừa qua, VinFast đã được Euler Hermes – cơ quan Tín dụng xuất khẩu thuộc Chính phủ Đức – bảo lãnh khoản vay 950 triệu USD, lãi suất thấp để nhập khẩu máy móc thiết bị, phục vụ sản xuất. Đây là giao dịch đầu tiên được Euler Hermes bảo lãnh cho một công ty tư nhân tại Việt Nam, với thời gian thu xếp rất ngắn, quy mô lớn.

Vào tháng 7/2018, VinFast cũng đã hoàn thành việc phân phối khoản vay thương mại hợp vốn trị giá 400 triệu USD đầu tiên, do bốn ngân hàng nước ngoài đồng thu xếp và tài trợ. Vào đầu tháng 10/2018, Vinpearl đã phát hành thêm 125 triệu USD trái phiếu hoán đổi, tăng tổng giá trị phát hành thành 450 triệu USD, trong điều kiện thị trường không tốt. Tất cả các ví dụ trên cho thấy, vị thế và uy tín quốc tế của Vingroup đang được đánh giá rất tốt.

Trong thời gian tới, Vingroup có tiếp tục tìm thêm nguồn vốn cho dự án VinFast không, thưa ông?

Chắc chắn là chúng tôi phải tập trung huy động vốn thêm cho dự án VinFast. Thuận lợi là Vingroup đang có uy tín rất tốt và mối quan hệ tốt đẹp với các tổ chức tài chính quốc tế. Hơn thế nữa, nhiều tổ chức tín dụng của Việt Nam cũng rất tâm huyết và ủng hộ nên chúng tôi có cơ sở để hy vọng thu xếp đủ vốn cho dự án trọng điểm này.

Tại sao Vingroup lại nhất quyết phải lao vào lĩnh vực đầu tư mạo hiểm như vậy trong khi các lĩnh vực kinh doanh của tập đoàn hiện đang tăng trưởng rất tốt?

Cả thế giới hiện chỉ có 12 nước có nền công nghiệp ô tô hoàn thiện từ thiết kế đến sản xuất nên đầu tư vào lĩnh vực này đòi hỏi sự dũng cảm và tâm huyết, vì không có gì đảm bảo chắc chắn sẽ thành công. Tuy nhiên, ngay từ đầu, chúng tôi đã xác định sản xuất ô tô thương hiệu Việt là một sứ mệnh đặc biệt, là sự thể hiện mạnh mẽ trách nhiệm xã hội và lòng yêu nước của mình, vì vậy chúng tôi quyết tâm thực hiện bằng được với chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế.

Còn xét ở góc độ đầu tư, dù lợi ích kinh tế giai đoạn đầu chưa thấy ngay được nhưng với tiềm năng tiêu thụ xe tại Việt Nam trong tương lai và hướng tới xuất khẩu, VinFast rất có triển vọng. Và thực tế, là một doanh nghiệp, chúng tôi cũng đã có sự tính toán và chuẩn bị kỹ lưỡng cho dự án này để đạt được kết quả tốt nhất.

Xin cảm ơn ông!

Theo Trí Thức Trẻ

 

Thương vụ Vingroup mua Viễn Thông A sắp hoàn tất

(Techz.vn) Nguồn tin của ICTnews cho hay, thương vụ Vingroup mua lại chuỗi siêu thị công nghệ Viễn Thông A đã gần như xong đã hoàn tất.