Nhịp sống số

Lần đầu tiên triển khai công nghệ WiFi phủ sóng tới 100 km

>
Sau nhiều năm phát triển, lần đầu tiên, chuẩn "siêu WiFi" (WiFi 802.22) với độ phủ sóng tới 100 km và tốc độ truyền tải 22 Mb/giây sẽ được triển khai ở thành phố Wilmington thuộc Bắc Carolina, Mỹ. 
 
Chuẩn WiFi 802.22 là thuật ngữ do Ủy ban thương mại Mỹ FCC đưa ra để miêu tả mạng dữ liệu di động chạy trên phổ "không gian trắng" - khoảng không gian giữa 2 băng tần truyền hình VHF và UHF giúp truyền dữ liệu với khoảng cách siêu xa mà không cần can thiệp vào các trạm truyền hình. 
 
Năm 2008, FCC đã chấp thuận cho các nhà mạng và các hãng sản xuất thiết bị triển khai các thiết bị chạy trong phổ không gian trắng không cấp phép với công suất 100 miliwatt và các kênh không gian trắng liền kề các trạm phát truyền hình với công xuất 40 miliwatt. Khi đó, FCC yêu cầu các thiết bị chạy "không gian trắng"" phải có các cảm biến tích hợp buộc chúng ngừng hoạt động nếu gây nhiễu cho tín hiệu truyền hình (yêu cầu này nhằm đáp ứng mối lo ngại của các đài truyền hình rằng việc sử dụng không gian trắng sẽ làm ảnh hưởng chất lượng sóng vô tuyến). Tuy nhiên đến mùa thu năm ngoái thì FCC đã gỡ bỏ yêu cầu này. 
 
"Không gian trắng" đã gây ra nhiều cuộc tranh cãi giữa các công ty công nghệ như Google, Microsoft và các hãng truyền hình cũng như nhà mạng lớn như Verizon. Phe ủng hộ việc sử dụng không gian trắng không giấy phép lập luận rằng việc triển khai chuẩn WiFi mới sẽ giúp các khu vực vùng sâu xa truy cập Internet dễ dàng hơn và góp phần thu hẹp "khoảng cách số" giữa thành thị và nông thôn nước Mỹ. Ngược lại, Hiệp hội truyền hình quốc gia Mỹ cho rằng việc sử dụng không gian này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chương trình phát sóng trên tần số gần đó.