Xe A-Z

Kỹ sư Lê Văn Tạch: Nếu sai, tôi xin rút toàn bộ kiến nghị và xin nghỉ việc ở Toyota

Nói về mức độ nghiêm trọng thì lỗi này nghiêm trọng hơn lỗi túi khí rất nhiều. Theo phân hạng lỗi trong quy trình sản xuất của nhà thiết kế, thì lỗi áp suất dầu phanh thuộc dạng lỗi nghiêm trọng nhất, nó làm giảm hiệu quả phanh, gia tăng nguy cơ tai nạn khi phanh không ăn. Lỗi này ảnh hưởng đến khoảng 65.000 xe Innova và Fortuner do Toyota Việt Nam sản xuất. 

Vụ việc được phát hiện ngày 24/11/2010, tôi chính thức kiến nghị lên Tổng Giám đốc TMV ngày 10/12/2010. Sau đó ngày 29/3/2011 tôi trực tiếp đến Cục Đăng Kiểm phản ánh vụ việc. 

Kỹ sư Lê Văn Tạch. (Ảnh: Trương Tuấn)

Ngày 1/4/2011, TMV tổ chức họp báo, thừa nhận những lỗi phản ánh là đúng, tuy nhiên họ nói lỗi không nghiêm trọng đến mức phải triệu hồi. Sau đó tôi cung cấp tài liệu kỹ thuật cho báo chí để phản biện. 

Ngày 14/4/2011, TMV thừa nhận là cả 3 lỗi đó đều nghiêm trọng và cần phải triệu hồi. Nhưng con số xe lỗi được họ thừa nhận rất ít, sau đó tôi tiếp tục phản đối số liệu thì họ lại điều chỉnh.

Ngày 7/12/2011, tôi gửi đơn kiến nghị lên Cục Đăng kiểm thì khoảng 3 tuần sau, đến ngày 29/12/2011 tôi nhận được công văn trả lời, khẳng định những kiến nghị của tôi là phù hợp với từng lỗi được mô tả.

Tôi khẳng định những thông tin tôi kiến nghị lên Cục Đăng kiểm là chuẩn xác.

Căn cứ vào đâu mà anh có thể khẳng định những gì mình đưa ra là chính xác? Theo bảng tổng hợp anh cung cấp cho phóng viên, những số liệu đó anh lấy từ những nguồn nào?

Vì tôi là người trực tiếp làm quy trình kỹ thuật lúc đó, tôi là người nắm rõ về vấn đề này của công ty.

Những tài liệu tôi có được vì từ khi tôi vào công ty năm 2003 cho đến năm 2011, tôi phụ trách mảng kỹ thuật và tham gia nhiều dự án, cho nên tôi có đủ tài liệu. Tất cả những tài liệu gốc liên quan đến phụ tùng, mẫu xe tôi đều nắm được và nghiên cứu rất kỹ.

 

Bảng tổng hợp số liệu xe Innova và Fortuner bị lỗi áp suất dầu phanh của kỹ sư Lê Văn Tạch.

Lỗi này do tôi trực tiếp tìm hiểu, phát hiện ra nguyên nhân là bộ đồ gá thiết kế không chính xác nhưng vẫn được dùng để lắp ráp xe. Từ xe đầu tiên cho đến lúc phát hiện ra lỗi thì có khoảng 65.000 xe được sản xuất.

Thế nhưng đến bây giờ, công ty mới thừa nhận lỗi ở 6108 xe dòng Innova J, chưa thừa nhận lỗi trên khoảng 59.000 xe khác, gồm cả Innova và Fortuner .

Thời điểm phát hiện ra lỗi áp suất dầu phanh từ năm 2010, khi phản ánh lên công ty thì phía công ty đã trả lời anh như thế nào?

Tôi cũng phản ánh là lỗi nghiêm trọng phải triệu hồi, nhưng công ty không triệu hồi với lý do tốn kém. Sau nhiều tháng trời kiến nghị lên lãnh đạo công ty nhưng không được, ngày 29/3/2011 tôi buộc phải gửi kiến nghị này lên Cục Đăng kiểm.

Trong cuộc họp báo tháng 4/2011, TMV thừa nhận những phản ánh của tôi là đúng nhưng họ vẫn cho rằng lỗi này chưa đến mức phải triệu hồi. 

Bởi thông tin công ty phản hồi không phản ánh đúng đủ mức độ nghiêm trọng của lỗi, buộc tôi phải cung cấp tài liệu bổ sung cho báo chí.

Sau đó, công ty mới thừa nhận lỗi đó là nghiêm trọng phải triệu hồi, nhưng rốt cuộc số xe công bố triệu hồi chỉ khoảng 9% lượng xe dính lỗi.

Theo ước tính của anh, chi phí để khắc phục lỗi này của mỗi xe là bao nhiêu?

Để sửa lỗi này, các gara đều phải có cầu nâng 4 trụ mới đáp ứng yêu cầu. Để sửa thì phải chỉnh lại van, đo áp suất dầu, cần 2 thợ lành nghề làm mỗi xe mất 2 tiếng đồng hồ. Như vậy mất 4 giờ nhân công kỹ thuật theo giá bình quân, chi phí rơi vào khoảng hơn 1 triệu đồng/xe theo giá năm đó.

Vấn đề nữa là khi khách hàng mang xe đến theo diện triệu hồi thì công ty phải mất thêm một khoản chi phí đi lại cho khách hàng vì lỗi là từ phía công ty. Chưa kể tổng thời gian để hoàn tất chiến dịch triệu hồi như vậy cũng rất lâu, có khi mất hàng năm trời.

Những vụ lật xe Fortuner thời gian qua liệu có liên quan đến lỗi áp suất dầu phanh hay không?

Theo tôi là có.

Anh có thể chia sẻ về cuộc họp bị hoãn của anh với Cục Đăng kiểm không?

Tôi rất mong muốn được họp với Cục Đăng kiểm để giải quyết dứt điểm những phản ánh, kiến nghị của tôi. Mãi cho đến tháng 2 năm nay, Cục Đăng kiểm mới gửi giấy mời họp. Nhưng rất tiếc là chỉ trước cuộc họp 1 ngày, Cục Đăng kiểm lại xin hoãn với lý do không được chính đáng cho lắm. Cơ quan này nói rằng, Toyota còn một số tài liệu chưa cung cấp đầy đủ cho Cục Đăng kiểm. 

Tôi nghĩ rằng Cục Đăng kiểm có thể hoãn lại một vài tuần, nhưng đến bây giờ đã nửa năm rồi mà vẫn chưa họp lại.

Mặc dù trong quá trình nửa năm ấy thì có 2 lần, đại điện Cục Đăng kiểm cũng lên nhà máy Toyota gặp tôi đột xuất. Lần thứ nhất thì họ nói đi qua nên vào thăm, lần thứ hai họ lên gặp và nói là muốn họp. Nhưng tôi nói là họp phải báo trước để tôi chuẩn bị tài liệu, tự dưng tôi đang trong giờ làm mà gọi vào họp thì tôi không có tài liệu gì cả…

Ở lần gặp thứ hai với đại diện Cục Đăng kiểm là anh Nguyễn Đông Phong (Phó trưởng phòng Chất lượng xe cơ giới, Cục Đăng kiểm), anh Phong nói đi công việc ghé qua đây nên muốn vào thăm tôi, giờ đang trong giờ làm việc có gặp được không. 

Tôi nói nếu công ty cho phép thì tôi vẫn gặp anh. Khi gặp gỡ, anh Phong đề nghị tôi tạm gác lại những lỗi túi khí mà tôi đã kiến nghị, tập trung vào lỗi áp suất dầu phanh để nội dung không bị loãng. Khi anh Phong nói như vậy thì tôi đồng ý.

Anh Phong nói một số điểm anh cần tìm hiểu để rõ thêm. Sau hơn 1 tiếng giải thích rất rõ ràng, anh Phong không còn gì để hỏi. Anh Phong nói sẽ có một cuộc họp mở mà Cục Đăng kiểm sẽ là trung gian, Toyota Việt Nam và tôi cùng báo cáo. 

Tôi đồng ý, cần có một cuộc họp công khai và giải quyết rõ ràng vấn đề và phải có sự tham dự của báo chí. 

Nếu Toyota sai phải công bố triệu hồi bổ sung ngay tại cuộc họp. Nếu tôi sai, tôi sẽ xin lỗi công ty, xin rút toàn bộ kiến nghị đã gửi Cục Đăng kiểm và lập tức nộp đơn xin nghỉ việc, vì thấy mình không xứng đáng làm nhân viên của Toyota khi làm ảnh hưởng đến uy tín của công ty.

Hiện nay, anh vẫn đang làm việc ở Toyota nhưng vẫn kiên trì 'tố' những lỗi của Toyota? Anh có chịu thêm áp lực tâm lý bởi điều đó từ người thân, đồng nghiệp?

Lúc đầu tôi gặp rất nhiều khó khăn, đôi khi áp lực chỉ từ một lời trêu đùa của anh em đồng nghiệp, đương nhiên có cả áp lực ngay từ người thân trong gia đình. Nhưng dần dần tôi đã thuyết phục được gia đình, còn anh em đồng nghiệp ở công ty vẫn rất quý mến nhau. 

Tôi đưa vấn đề này ra vì tôi là người làm kỹ thuật, tôi rất hiểu về mức độ nghiêm trọng của lỗi này, nó liên quan đến tính mạng của những người tham gia giao thông. Không chỉ là những người trong xe mà còn cả những người ngoài xe. Bởi vì khi tham gia giao thông, một chiếc xe mất hiệu lực phanh có thể ảnh hưởng đến tính mạng nhiều người. Chính vì thế, tôi thấy mình cần phải theo đuổi đến cùng.

Nếu tôi không theo đuổi thì sự việc có thể bị dừng lại, có thể có người sẽ bị chết oan. Nghĩ đến điều đó, tôi lại không dám nản chí, mặc dù nhiều lúc rất mệt mỏi, đơn độc.

Cảm ơn anh đã trả lời phỏng vấn của Thời báo Doanh nhân!

Nguồn: Thời báo Doanh nhân

 

Những lỗi dễ bị phạt tiền triệu mà tài xế Việt thường mắc phải khi lái xe về quê dịp lễ

(Techz.vn) Chạy quá tốc độ cho phép và ung dung ở làn đường không dành cho xe của mình là những lỗi phổ biến.