Nhiều người lợi dụng Facebook để trục lợi. (Ảnh minh họa) |
Các trang mạng xã hội, đặc biệt Facebook đang trở nên một công cụ quảng cáo hữu hiệu cho nhiều sản phẩm. Tuy nhiên, từ buôn bán hàng hóa, sản phẩm thật, đến nay, các tín đồ của Facebook đã chuyển sang... buôn bán người ảo kiếm lời.
- Kiếm tiền qua mạng: đừng mơ “ngồi mát ăn bát vàng”
- Kiếm tiền từ cộng đồng mạng - nhiều tiềm năng
- Pinterest đã lặng lẽ kiếm tiền như thế nào?
Các cửa hàng chính ngạch muốn quảng bá sản phẩm đều bỏ ra một số tiền không nhỏ và thanh toán đầy đủ những loại thuế đi kèm khi kinh doanh theo đúng luật định. Song song đó, một số cá nhân, trang mạng lợi dụng tính rộng mở của mạng xã hội Facebook để lách luật trốn thuế, quảng bá sản phẩm mà không mất tiền.
Từ nơi kết bạn không biên giới
Sau sự lụi tàn của nhiều trang mạng xã hội, Facebook bùng nổ như một sân chơi xã hội mới. Rất nhanh chóng kể từ ngày được giới thiệu, trang mạng xã hội cho phép kết bạn, giao lưu trực tuyến không giới hạn biên giới đã trở thành sự lựa chọn mới của các tín đồ mạng. Facebook nhanh chóng thâm nhập mọi thành phần xã hội, từ giới văn phòng, học sinh, sinh viên đến những người nổi tiếng. Nó trở nên phổ biến và thu nạp nhiều "tín đồ" hơn bất cứ trang xã hội nào ở thời điểm hiện tại.
Sự phổ biến trong nhiều thành phần xã hội, có lượng truy cập khủng, không giới hạn biên giới cùng nhiều tiện ích, Facebook nhanh chóng được những người dùng sáng tạo biến thành sân kinh doanh vốn nhỏ lời to.
Phát hiện sự phổ biến của trang mạng và nuôi ý định kiếm thu nhập thông qua Facebook, Phạm Thị Lan Trinh (nhân viên văn phòng tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM) chia sẻ: "Sau khi nhận thấy xu hướng dùng Facebook của người Việt bắt đầu tăng mạnh, đặc biệt khi các mạng xã hội khác sụp đổ. Với lợi thế số lượng bạn bè riêng của mình khá đông (gần 5.500 người) nên ngay từ thời sinh viên, mình đã quyết định mở cửa hàng ảo bán các đồ trang sức bằng inox và đồ handmade (hàng thủ công)". Theo Lan Trinh thì việc kinh doanh nhỏ, lẻ dựa trên sự phổ biến của Facebook như trên vừa có thể thu lại lợi nhuận vừa không phải tốn chi phí quảng cáo.
Cùng quan điểm trên, Ngọc Diệu (chủ một shop ảo trên Facebook độc quyền kinh doanh các mặt hàng handmade bằng len) cho biết thêm: "Lúc đầu, mình mày mò tự làm vài món hàng để khoe với bạn bè trên Facebook. Sau đó nhận được sự ủng hộ của mọi người, mình mới lên kế hoạch bán hàng qua Facebook. Sản phẩm được làm chủ yếu từ len và gia công bằng tay, nên giá thành cũng không cao". Ngoài thời gian đi học, Diệu lân la đến thương xá Đại Quang Minh (Q.5) chuyên về vải vóc, vật liệu thủ công để mua len sợi về đan theo yêu cầu của khách hàng. Có những thời điểm, khách đặt hàng nhiều nên không kịp làm và giao hàng đúng thời hạn, Diệu phải thuê thêm 1-2 nhân công sản xuất để kịp tiến độ. Những mặt hàng trên sẽ được người dùng giới thiệu, quảng bá trên trang Facebook cá nhân của mình và đến với nhiều người khác thông qua hệ thống, danh sách bạn bè.
Theo đánh giá của nhiều người, các hoạt động kinh doanh trên được xem là hướng đi, cách nhìn sáng tạo của nhiều bạn trẻ. Hơn thế, nhiều người dùng còn khẳng định, việc kinh doanh, thu nhập từ những hoạt động trên các trang mạng không phải là mới. Tuy nhiên, ít ai biết và lên tiếng khi nhiều cá nhân, tổ chức lợi dụng những hoạt động, tính phổ biến của các trang mạng xã hội phổ biến để thu lợi một cách bất chính.
Rầm rộ buôn bán... người ảo
Dạo quanh mạng xã hội Facebook thời gian gần đây có thể thấy, việc buôn bán đang nở rộ và khá nhộn nhịp theo kiểu các trang mạng bán hàng. Lợi dụng tính phong phú cùng nhiều tiện ích miễn phí của Facebook như: tag (đính kèm tên), viết note (viết ghi chú) người dùng có thể quảng bá sản phẩm của mình một cách công khai và hoàn toàn miễn phí. Theo đó, chỉ cần tên chủ tài khoản được đính kèm trong các bức hình chụp sản phẩm, ngay lập tức sản phẩm đó sẽ xuất hiện ngay trên trang chính của người được đính. Qua con đường này, hàng hóa được quảng bá nhanh một cách chóng mặt mà không tốn bất kỳ một khoản tiền nào. Đây được xem là một cách quảng bá sản phẩm không tốn kém, nhưng đem lại hiệu quả cao.
Tuy nhiên, kinh doanh trên Facebook xuất phát từ nhu cầu buôn bán nhỏ lẻ trước đó nhanh chóng "biến tướng", trở thành con đường kinh doanh không thuế. Theo đó, đặc tính dễ dàng mở rộng mối quan hệ từ Facebook (mạng xã hội này cho kết bạn không giới hạn), đã được nhiều người dùng nhanh chóng khai thác triệt để. Để mở rộng thị trường, muốn giới thiệu sản phẩm, dịch vụ của mình đến nhiều người hơn, các cá nhân, tổ chức kinh doanh trên Facebook đã tìm cách thiết lập nhiều tài khoản ảo.
Một tín đồ Facebook có thể cùng lúc đăng ký, thiết lập vài trăm tài khoản Facebook ảo (đa số là lập hội hâm mộ) để làm mồi thu hút các thành viên của Facebook tham gia với số lượng càng nhiều càng tốt. Để đạt được con số này, phương thức phổ biến họ sử dụng là công cụ auto add friends (chế độ kết bạn tự động) hoặc kết bạn thủ công từng người một. Những tiện ích trên đã được tích hợp sẵn trong trang mạng này. Với cách thức trên, các chủ tài khoản xem như đã gặt hái được thành công trong việc quảng bá sản phẩm mà không tốn phí quảng cáo.
Từ con số bạn bè thu thập được trên các Facebook ảo, một mặt họ quảng bá sản phẩm, dịch vụ của mình lên đó, mặt khác sang nhượng cho các đối tượng cần quảng cáo bằng cách đồng loạt gửi đề nghị đến mọi người trong friendlist (danh sách bạn bè) yêu cầu họ like (yêu thích). Đây là chiêu "lập lờ đánh lận con đen" để trục lợi.
Tuy nhiên, chiêu thức kinh doanh theo kiểu "tầm gửi" đã trên bị Facebook phát hiện. Trang mạng xã hội trên đã tiến hành khóa các công cụ, tiện ích bị người dùng khai thác trục lợi trên và sẵn sàng cấm hoặc xóa những trang cá nhân nào có dấu hiệu sử dụng tiểu xảo để thu hút người hâm mộ. Thế nhưng, để đối phó với sự mạnh tay của Facebook, ngay lập tức, các đối tượng a dua nhanh chóng tung ra những chiêu trò mới.
Một trong số các chiêu đó là tạo ra những trang hâm mộ của những người nổi tiếng như Hồ Ngọc Hà, Mai Phương Thúy, Đàm Vĩnh Hưng và kêu gọi người dùng tham gia những trang hâm mộ khác mang mục đích kinh doanh. Ngoài ra, họ còn xây dựng các chương trình có ảnh hưởng lớn tới cộng đồng rồi, vận động mọi người tham gia bằng cách like các trang sự kiện này trên Facebook. Nhưng khi bấm vào đường dẫn mọi người mới ngã ngửa là mình đã bị lừa.
Ông Nguyễn Thanh Nam, chuyên gia công nghệ thông tin tại TP.HCM, khuyến cáo: Để tránh phiền phức và bị lợi dụng, người dùng có thể điều chỉnh nội dung thông báo gửi đến email trong phần "Account settings" của Facebook. Ngoài ra, với những người đã trót phải tham gia những trang hâm mộ "trời ơi" có thể rời bỏ khỏi trang bằng chức năng unlike (bỏ chọn yêu thích). Tùy thuộc vào mức độ vi phạm quyền riêng tư, người dùng hoàn toàn có thể report (thông báo) cho trang chủ Facebook được biết, sau khi xem xét Facebook sẽ có những động thái tích cực nhất để bảo vệ người dùng.
Coi chừng tiền mất tật mang
Luật sư Huỳnh Văn Nam (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, thực tế hiện tại ở Việt Nam, chưa có một văn bản pháp quy nào quy định liên quan đến vấn đề quản lý các mạng xã hội, hay giải quyết các tranh chấp liên quan đến mạng xã hội. Vì vậy, cách tốt nhất để bảo vệ tài khoản cá nhân ảo, cộng đồng mạng nên cân nhắc, suy nghĩ kỹ trước khi tham gia vào bất kỳ hoạt động nào trên mạng. Đối với các cá nhân, tổ chức kinh doanh cũng nên thận trọng khi tham gia ký kết hợp đồng với các đối tác mua bán bằng hình thức này. Cần xem xét tư cách pháp nhân của các đối tượng này một cách nghiêm túc, coi chừng "tiền mất tật mang".
Trong vai một chủ cửa hàng bán quần áo thời trang trên mạng, đang khát khách hàng, chúng tôi gọi điện đến một số điện thoại di động đề nghị mua khoảng 20 ngàn thành viên trên Facebook. Lúc đầu, người đàn ông tên T., tự xưng là đại diện cho Công ty T.H. ngần ngại, nhưng khi được biết chúng tôi do anh Dũng là khách quen của công ty giới thiệu, người đàn ông này nhanh chóng khoe về sản phẩm: "Dịch vụ này là dịch vụ phát triển cộng đồng và thu hút người sử dụng trên mạng xã hội. Công ty của anh sẽ được bên em đứng ra thu hút những người tham gia vào trang Facebook của anh, tạo điều kiện cho anh quảng cáo sản phẩm".
Theo Hà Nguyễn - Thanh Nguyên, Người đưa tin