Chủ tịch China Unicom Wang Xiaochu thừa nhận, công ty đã phải thỏa thuận chia sẻ cơ sở hạ tầng của công ty với China Telecom trong giai đoạn này để tiết kiệm chi phí.
Trong khi đó, Chủ tịch China Telecom Ke Ruiwen cũng thừa nhận đang bắt tay với China Unicom. Ông cho biết chương trình có tên gọi "đồng xây dựng, đồng chia sẻ". Việc bắt tay với China Unicom về hạ tầng 5G đã giúp cả hai tiết kiện được hơn 86 tỷ nhân dân tệ (13,2 tỷ USD) kể từ năm 2019. Bên cạnh mạng 5G, cả hai cũng tối ưu về chia sẻ các hệ thống 4G hiện có, giúp tiết kiệm hơn 24 tỷ nhân dân tệ (3,7 tỷ USD).
China Telecom hiện cũng gặp nhiều khó khăn về nguồn cung chip và cho biết đã giảm đầu tư vào hạ tầng 5G. Theo Phó chủ tịch Liu Guiqing của nhà mạng này, chi tiêu vốn nửa đầu năm của China Telecom đã giảm 37% so với năm 2020, xuống còn 27,01 tỷ nhân dân tệ (3,8 tỷ USD). Nhưng với việc bù trừ khó khăn về nguồn cung, Liu cho biết công ty vẫn duy trì dự báo ban đầu là 87 tỷ nhân dân tệ (13,3 tỷ USD) cho cả năm 2021.
Thiếu chip bán dẫn đang làm tổn thương các ngành công nghiệp |
China Mobile chưa đưa ra số liệu cụ thể. Tuy nhiên, nhà mạng này đang liên minh với China Broadcasting Network, một công ty chuyên về băng thông rộng, nhằm tối ưu việc truyền tín hiệu trên băng tần 700 MHz. Đây là băng tần cho phép truyền tín hiệu rộng hơn và sử dụng ít trạm gốc hơn.
Theo số liệu của Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc tính đến 30/6, nước này hiện có 365 triệu kết nối 5G đang hoạt động tính, tăng 166 triệu so với mốc 31/12/2020. Còn theo Tân Hoa xã, 3/4 số điện thoại được xuất xưởng tại Trung Quốc nửa đầu 2021 có hỗ trợ 5G.