Doanh nghiệp

Không còn chịu lép vế trước Grab, taxi truyền thống đã liên kết lại để phản công!

Kể từ khi Grab, Uber đặt chân tới Việt Nam, các hãng taxi truyền thống phải trải qua những giai đoạn khó khăn khi khách hàng chuyển sang sử dụng dịch vụ gọi xe công nghệ nhằm tận hưởng những chuyến đi giá rẻ hơn. Một vài hãng chống trả bằng cách treo băng rôn phản đối Grab hay liên tục kiện tụng nhưng đều không mang lại hiệu quả.

Mới đây nhất, tại Hà Nội, liên minh taxi truyền thống với tên gọi G7 đã ra đời, tham vọng thống nhất các hãng xe về một mối, tạo ra môi trường làm việc ưu đãi hơn dành cho tài xế và phá vỡ thế thống lĩnh của Grab.

Chia sẻ với báo chí, ông Phan Trọng Tuệ, Giám đốc truyền thông taxi G7 cho biết: "Với mô hình mới của G7 taxi, các hãng gia nhập G7 taxi đều là cổ đông, tham gia vào hội đồng quản trị và được quyết định các vấn đề quan trọng của công ty. Đây là cam kết rõ ràng nhất của G7 taxi với các hãng sáp nhập để đồng hành, bảo vệ lợi ích, hợp tác ổn định lâu dài cùng nhau".

Ở thời điểm hiện tại, "liên minh" G7 đã có sự tham gia của 3 hãng taxi truyền thống gồm: Thành Công, Sao Hà Nội và Ba Sao. Nhờ vậy, G7 đang có trong tay gần 3.000 xe, số lượng gấp đôi đơn vị đứng thứ 2 tại thị trường Hà Nội.

Trong tương lai, số lượng này chắc chắn sẽ tiếp tục tăng vì G7 vẫn đang trong quá trình đàm phán, chiêu mộ thêm các hãng taxi khác vào liên mình của mình.

Cạnh tranh sát sao với Grab

Xác định hợp nhất để chống lại sự áp đảo của taxi công nghệ mà điển hình là Grab, G7 đưa ra chính sách cạnh tranh cả về giá và lẫn chính sách chiết khấu cho tài xế.

Được biết, G7 triển khai 3 dịch vụ là taxi 4 chỗ, taxi 7 chỗ và taxi sân bay với giá cước thấp nhất là 9,900 đồng/km, không chênh lệch quá nhiều so với mức giá 8.500 đồng/km cho dịch vụ GrabCar tại Hà Nội (vì Grab sẽ điều chỉnh tăng giá vào giờ cao điểm).

Với các đối tác tài xế, G7 thu mức chiết khấu là 20%, thấp hơn nhiều mức chiết khấu Grab đang thu là 28.6%.

Để tạo lợi thế cạnh tranh đường dài, liên minh G7 đang đầu tư công nghệ, phát triển ứng dụng gọi xe riêng. Lãnh đạo hãng tiết lộ sẽ chi khoảng 1 triệu USD để quảng bá thương hiệu bởi phần đông khách hàng hiện nay đã quá quen thuộc với ứng dụng gọi xe của Grab.

Trong bối cảnh các hãng taxi công nghệ dần chiếm thế áp đảo trên thị trường, chiến lược "bó đũa" tập hợp sức mạnh của các hãng truyền thống lại với nhau cùng những bước tính toán bài bản rất có thể sẽ giúp G7 tạo những bước đột phát trong thời gian tới.

Theo: Trithuctre

 

"Xin lỗi, mình câm", tin nhắn của tài xế Grab khiến chàng trai lặng người

(Techz.vn) Sự tức giận đã phải nhường chỗ cho sự cảm thông sâu sắc sau khi hành khách nam biết được nguyên nhân sự việc.