Nhịp sống số

Khám phá camera chụp trước, lấy nét sau

Máy ảnh Lytro đã bắt đầu được xuất xưởng từ tuần trước và được giới công nghệ đánh giá là bước ngoặt lớn của ngành công nghiệp camera.

Khi camera chuyển từ định dạng analog (tương tự) sang digital (kỹ thuật số), nó được coi là một bước ngoặt lớn. Nhưng dù sử dụng máy ảnh full- frame hay máy point-and-shoot thì các bước chụp ảnh vẫn diễn ra như nhau: lấy nét vào một điểm rồi nhất nút để chụp.

Nhưng đôi khi, vật thể chuyển động quá nhanh và người dùng không kịp focus vào đúng đối tượng. Hoặc sau khi xem thành quả, họ lại ước giá mà đã lấy nét vào một điểm khác thì ảnh đã nghệ thuật hơn, hay giá mà chỉ cần di con chuột vào bất cứ vị trí nào thì phần đó rõ lên còn các khu vực khác trong ảnh sẽ mờ đi.

 

Điều đó đã có thể được thực hiện với Lytro. Mọi người chụp ảnh như vẫn thường làm với bất cứ camera nào, nhưng file ảnh có thể được điều chỉnh lại vị trí lấy nét sau khi tải về máy. Đây được coi là thay đổi tuyệt vời, nhất là với người dùng phổ thông - những người luôn thích có những bức ảnh "xóa phông" nhưng không hiểu nhiều về kỹ thuật nhiếp ảnh trong khi máy point-and-shoot dễ chụp thì tác phẩm lại trông không chuyên nghiệp.

Lytro thực hiện được điều này bởi cảm biến ảnh của nó có khả năng tập hợp nhiều dữ liệu hơn so với cảm biến thông thường. Nó không chỉ thu những thông tin bình thường như cường độ ánh sáng, màu sắc mà còn cả hướng ánh sáng đến từ đâu - điều chưa được trang bị trong camera truyền thống. Với dữ liệu này, được các nhà khoa học gọi là dữ liệu "trường ánh sáng", phần mềm trong Lytro có thể tạo ra đa điểm nét.

Lytro tạo cảm giác như một món đồ chơi thú vị để mọi người
Lytro tạo cảm giác như một món đồ chơi thú vị để mọi người "nghịch" với các bức ảnh.

Lytro có trọng lượng tương đương máy ảnh số du lịch, không có thẻ nhớ và không sử dụng pin rời. Sản phẩm có bộ nhớ trong 8 GB (350 ảnh, giá 400 USD) và 16 GB (750 ảnh, giá 500 GB). Do Lytro thu nhận các tia sáng (ray) thay vì điểm ảnh (pixel), cảm biến của nó được tính là 11 megaray (11 triệu tia sáng). Cả hai phiên bản cùng tích hợp pin lithium-ion với khả năng chụp 600 ảnh trước khi cần sạc lại.

Máy có giao diện khá đơn giản và dễ sử dụng: lướt ngón tay sang phải - trái, lên - xuống... sẽ hiển thị những bức ảnh đã chụp, thời lượng pin, dung lượng bộ nhớ còn lại... Tuy nhiên, màn hình cảm ứng chỉ 1,5 inch, quá nhỏ để cảm nhận được những gì họ đang chụp đã hài lòng chưa.

 

Lytro là một sản phẩm tiên phong và còn khá nhiều hạn chế. Ảnh chụp không thể nhập vào Photoshop mà phải sử dụng phần mềm riêng và phần mềm này mới chỉ hoạt động trên máy Mac. Định dạng ảnh chưa được hoàn thiện cho việc in ấn và người dùng chỉ có thể xuất ảnh JPG cỡ 1.080 x 1.080 pixel nếu muốn in (tương đương các tấm ảnh thẻ). Bên cạnh đó, mức giá 400 USD quá đắt cho nhu cầu chụp ảnh cơ bản còn nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp sẽ đòi hỏi nhiều hơn về các chế độ thiết lập và ống kính.

Tiềm năng của công nghệ ảnh trường ánh sáng rất lớn. Nhưng vẫn có khoảng cách giữa công nghệ tuyệt vời và sản phẩm tuyệt vời. Nói cách khác, đây là sản phẩm thú vị nhưng chưa phải lúc mọi người bỏ tiền ra mua.