Với người dân khu vực Bắc Bộ nước ta, thuốc lào có lẽ là một thú chơi không quá xa lạ. Vào bất cứ ngôi nhà nào tại các vùng quê, bạn cũng có thể bắt gặp hình ảnh một chiếc điều cày hoặc điếu bát, kèm một gói thuốc lào lớn.
Thuốc lào, cùng với miếng trầu được coi là những thứ “ngon, bổ, rẻ”, thường được mang ra mời khách. Tập tục này đã kéo dài hàng trăm năm, mặc dù nó mang trong mình những chất độc có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ của cả người hút lẫn những người xung quanh.
Thuốc lào được nhiều người dân khu vực phía Bắc sử dụng. Ảnh: Internet
Thuốc lào được chế biến từ cây thuốc lào. Đây là loại cây thuộc chi thuốc lá, thường được trồng nhiều tại một số khu vực như Quảng Xương (Thanh Hoá), Tiên Lãng (Hải Phòng). Lá thuốc lào sau khi được hái sẽ được rửa sạch, thái thành sợi nhỏ, trải qua quá trình phơi và xao trở thành sợi thuốc lào. Người hút sẽ sử dụng một dụng cụ gọi là điếu cày hoặc điếu bát, châm lửa và “thưởng thức”. Tiếng kêu của điếu khi hút cũng là một trong những điều gây kích thích cho người sử dụng.
Theo từ điển Wikipedia, thuốc lào được gọi tên như vậy vì xuất xứ của nó. Loại thuốc này được cho là du nhập đến nước ta từ người hàng xóm Ai Lao (tên nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào hồi xưa). Tại nước ta, thuốc lào chủ yếu được hút theo tập quán của người dân ở những vùng đồng bằng, trung du Bắc Bộ. Ở miền Trung và miền Nam thì ít phổ biến hơn, thậm chí nhiều vùng còn không có tập quán đó.
Cây thuốc lào. Ảnh: Haiphonginfo
Về tác hại của thuốc lào, do loại thuốc này ít phổ biến hơn so với thuốc lá nên các nhà khoa học cũng ít khi nghiên cứu và phổ biến đến mọi người về tác hại của chúng. Tuy nhiên với xuất xứ từ cùng một họ cây, khói thuốc lào cũng có những chất độc không kém gì thuốc lá, thậm chí chúng còn nguy hiểm hơn bởi khả năng gây nghiện cao và thành phần nhiều chất độc hại.
Thuốc lào khi đốt cháy sẽ tạo ra ít nhất 56 loại chất độc khác nhau, trong số đó nguy hiểm nhất là chất Benzopyren. Ngoài ra còn có nhiều Poloni-20, chất phóng xạ ra hạt Alpha.
Thành phần gây “khoái” chính trên thuốc lào là Nicotin. Chất này chiếm khoảng 2-16% thành phần của khói thuốc (trong khi trên thuốc lá chỉ là 1-3%). Đó cũng là nguyên nhân khiến nhiều người cảm thấy hút thuốc lào “phê” hơn thuốc lá.
Tuy vậy, Nicotin cùng với Carbon Oxide sau quá trình hấp thụ vào cơ thể người dần dần sẽ để lại dấu vết trên thành mạch máu. Đây là nguyên nhân khiến cho thành mạch máu hẹp lại, máu kém lưu thông và tăng huyết áp, ngoài ra có thể khiến người hút mắc các chứng bệnh liên quan đến hệ hô hấp, bài tiết, đường ruột,…
Không những vậy, lượng khói xả ra của người hút còn lớn hơn nhiều lượng khói được hít vào, và kết quả đương nhiên là chúng sẽ gây ra những tác hại tương tự với người xung quanh khi họ vô tình hít phải chúng.
Những người hút thuốc lào chưa quen hoặc hút khi đói, mệt mỏi có thể xảy ra hiện tượng “say thuốc”. Khi đó nhịp tim sẽ tăng cao, người mất kiểm soát, không giữ được thăng bằng, tay run, mệt mỏi, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.
Thuốc lào có chứa nhiều chất độc hơn cả thuốc lá. Ảnh: Lopez
Người nghiện thuốc lào thường bao biện rằng: Chất độc đã được lọc bởi nước trong điếu. Điều này hoàn toàn sai, hầu hết lượng khí này đều đi qua nước mà được giữ lại rất ít, chúng sẽ bay vào cơ thể người hút cũng như những người xung quanh.
Nhìn chung, đã đến lúc chúng ta cần loại bỏ tập quán này của người Việt. Hút thuốc lào là một hành động kém lịch sự ở nơi công cộng, độc hại cho chính người hút và cả những người xung quanh.
Vắc-xin chữa ung thư giá 1 USD của Cuba sắp được tung ra thế giới
(Techz.vn) Cimavax, loại vắc-xin chống ung thư phổi do Cuba nghiên cứu sắp được phát triển ra nhiều nước khác, hứa hẹn mang đến khả năng kéo dài tuổi thọ cho những bệnh nhân mắc chứng bệnh hiểm nghèo này.