Đánh giá laptop

Huawei Honor - Xứng danh anh hùng

Chiếc Huawei Honor xuất hiện một cách lặng lẽ, và khi mới nhắc đến tên (đặc biệt là tên thương hiệu) người ta thường có xu hướng đánh giá thấp sản phẩm này (bản thân chúng tôi cũng từng như vậy). Đúng vậy, nó có thể không phải là chiếc điện thoại được trang bị chip xử lý nhanh nhất, hay có những thông số kỹ thuật, những tính năng “đi trước thời đại”, nhưng có thể nói không ngoa rằng đây là chiếc điện thoại tốt nhất mà chúng tôi từng thấy của Huawei (có thể mọi chuyện sẽ thay đổi sau khi chiếc Ascend P1 S đến tay chúng tôi, nhưng ít nhất là hiện tại thì chưa). Một điều chắc chắn là họ đã đầu tư rất nhiều tâm huyết trong việc làm ra chiếc máy này, và nó là cơn gió lành báo hiệu những sản phẩm chất lượng hơn của họ trong thời gian tới.

  • Huawei Honor chạy Ice Cream Sandwich ra mắt tại Trung Quốc
  • Ảnh thực tế Huawei Honor chip 1,4GHz
  • Huawei Honor: “Dế” cao cấp từ Huawei 

Những nhà sản xuất điện thoại thường có một thói quen (chúng tôi không đủ tầm để đánh giá điều này có tốt không), đó là đặt những cái tên rất hào nhoáng cho sản phẩm của mình. Thế nhưng điều này có vẻ không hẳn là hoàn toàn đúng, hay ít nhất là không phải không phù hợp chút nào với cái tên của mình khi ta nhắc đến chiếc Huawei Honor, một chiếc điện thoại “xứng danh anh hùng” - LOL. 

Nói về Huawei, nếu có ai làm hoặc có nghiên cứu trong lĩnh vực viễn thông, hẳn sẽ không lạ lẫm gì về hãng sản xuất thiết bị viễn thông và mạng thuộc loại lớn nhất thế này (người ta thường gọi là Cisco của Trung Quốc). Sản phẩm của Huawei trải dài từ các modem 3G (mà các mạng viễn thông nước ta đang dùng), các router có dây và không dây, các thiết bị đầu cuối, và cả smartphone và Tablet. Tuy pử các nước phương Tây sản phẩm của Huawei không được ưa chuộng lắm, nhưng ở các nước châu Á và Nga thì sản phẩm của Huawei xuất hiện rất nhiều, cả ở dạng chính hãng hoặc “rename” khi gia công cho các sản phẩm khác (nhiều sản phẩm của FPT hay Viettel chẳng hạn).
Trở lại với chiếc Huawei Honor. Được giới thiệu ngay sau khi có thông tin về chiếc Ascend P1 S, chiếc điện thoại mà “trên giấy tờ” là mỏng nhất trên thế giới cho đến thời điểm hiện tại. Hiện tại thì, như chúng tôi đã nói ở trên, Huawei đã rất thành công trong việc thu hút khách hàng ở các phân khúc cấp thấp và phân khúc điện thoại phổ thông, nhưng với những tín hiệu lạc quan về các sản phẩm Smartphone gần đây, có lẽ họ đang muốn có một vị thế nhất định trong các phân khúc thị trường cao hơn.
Dựa trên các thông số về cấu hình, chiếc Honor không phải là một thiết bị có thể đem ra so sánh với các đối thủ đa nhân chạy 4G của các hãng sản xuất lớn. Tuy nhiên, đây là chiếc điện thoại với cấu hình tốt nhất mà Huawei đã từng đưa ra thị trường, và nó khẳng định rằng họ đã sẵn sàng với những smartphone tốt hơn nữa trong tương lai. Nhưng đó là tương lai, còn hiện tại, liệu Honor có phải một sản phẩm tốt? Có xứng đáng với cái tên của mình. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu trong bài viết này.

Phần cứng

Lại một lần nữa (chúng tôi nhắc lại với những bạn đọc có nhiều hiểu biết trong lĩnh vực phần cứng), chúng tôi phải khẳng định, với Huawei, một nhà sản xuất vốn chỉ được biết tới với các sản phẩm điện thoại tầm thấp, thì sự ra đời của sản phẩm này là một cú hích mạnh mẽ để giúp hãng tiến xa hơn trong phân khúc các sản phẩm trung và cao cấp. Thế nhưng với những hạn chế về mặt cấu hình, không thể kỳ vọng chiếc Honor có thể chiếm lĩnh được thị trường tầm trung vốn đang đầy ắp những sản phẩm chất lượng từ các hãng sản xuất tên tuổi. Điều hay là ở chỗ, nó vẫn là một sản phẩm chất lượng, và không cố gắng để bắt chước quá đáng những sản phẩm đỉnh cao, điều mà các hãng sản xuất TQ thường bị “gán ghép”. Mức giá 7,6 triệu đồng (bạn có thể mua tại các cửa hàng của thế giới di động, với cái tên Huawei A8860) mà nhà sản xuất đưa ra, theo chúng tôi, dù khá tốt nhưng khó có thể lôi kéo được nhiều người dùng, bởi với tầm giá này người ta có thể chọn nhiều chiếc điện thoại với cấu hình rất tốt (tất nhiên là thông qua con đường xách tay) .
Trước tiên hãy xét đến phần hiển thị của chiếc máy này. Nó được trang bị một màn hình cảm ứng 4inch với công nghệ TFT thông thường, nhưng với một layout mỏng và dài, khiến cho việc cầm nắm trở nên dễ dang hơn. Với độ phân giải FWVGA (854x480), mật độ điểm ảnh trên màn hình này đạt 245ppi, mặc dù đây không phải là một màn hình “độ phân giải cao” nếu xét với tiêu chuẩn hiện tại, nhưng có lẽ cũng đủ dùng với người dùng không quá khó tính. Để có một sự so sánh nho nhỏ, Samsung Galaxy S II i9100 có ppi ở mức 217 với độ phân giải 800x480, và iPhone 4S với màn hình Retina là 326ppi. Màu sắc của màn hình này khá tốt trong các điều kiện thông thường, nhưng, có lẽ do độ sáng chưa tốt, nên dễ lóa dưới ánh sáng mặt trời trực tiếp. Góc nhìn đạt mức trung bình, và sẽ khá khó khăn để bạn có thể theo dõi nội dung nếu đứng ở một góc tầm 30 độ trở lên.

Màn hình khá tốt nếu nhìn chính diện

Nhưng không còn như vậy nếu nhìn nghiêng

Chúng tôi khá thích vẻ ngoài cũng như cảm giác khi cầm trên tay chiếc điện thoại này. Nó không phải là một chiếc điện thoại quá bóng bẩy, quá thu hút ánh nhìn của mọi người, mặc dù những người xùng “xì tin” có thể sẽ thích khi biết rằng có đến 6 màu nắp lưng để lựa chọn cho chiếc máy này. Cũng không có gì ngạc nhiên lắm khi các nắp lưng này đều làm từ chất liệu nhựa (việc “tô” màu cho chất liệu kim loại tốn kém hơn nhiều) trơn (không bám vân tay). Thật tiếc là có vẻ như chất liệu nhựa này khá mềm, nên với những người dùng khó tính, thì chiếc máy có lẽ sẽ khá ọp ẹp nếu cầm trên tay.

Nắp sau làm bằng nhựa, với nhiều màu sắc có thể thay đổi

Chiếc Honor chỉ nặng 140g, lại là một trọng lượng “tầm trung”, mặc dù khi cầm trên tay có lẽ bạn sẽ không cảm nhận được là nó “nặng” đến vậy. Với những góc cạnh được bo tròn, với đường viền được làm bóng (giả kim loại), một hàng nút điều hướng hoàn toàn cảm ứng (nghĩa là không lồi lên), nhìn chiếc Honor có một vẻ thanh lịch và “trơn tru”, một điều hiếm có của các sản phẩm đến từ trung Quốc.
Về lay out của các phím bấm và cổng giao tiếp của Honor, bạn có thể xem ở chùm ảnh dưới đây:

Cạnh trên

Cạnh phải

Cạnh trái

Cạnh dưới

Cạnh trên là một cổng cắm headphone tiêu chuẩn (ở bên phải) và nút nguồn/khóa màn hình (bên trái), và chúng tôi thấy hơi khó chịu với kiểu sắp đặt nút này, vì đơn giản là khi bạn cầm máy bằng tay trái (kể cả tay phải!) thì việc bấm được nút này cũng vô cùng khó khăn. Phím tăng giảm âm lượng được đặt ở cạnh trái và cổng micro USB - đồng thời là cổng sạc nằm ở chính giữa cạnh dưới. Nhìn chung thì các phím của Honor có độ cao vừa đủ để thuận tiện trong thao tác và hạn chế khả năng bấm nhầm khi người dùng lỡ chạm tay vào. Cạnh phải trơn và không bố trí cổng hay phím bấm nào.
Ở mặt trước được bố trí một camera 2MPx nằm cạnh loa thoại, phía trên màn hình cảm ứng. Ở phía dưới màn hình cảm ứng là hàng 4 nút (cũng cảm ứng) được tạo ra từ phần 54 điểm ảnh còn lại.

Camera trước nằm cạnh loa thoại

Hàng phím cảm ứng

Ở mặt sau, ta có thể thấy Camera chính của máy: độ phân giải 8Mpx, được trang bị thêm một đèn LED flash. Loa của máy cũng được đặt ngay cạnh Camera này, một vị trí khá lạ mà chúng tôi hiếm khi thấy trên các thiết bị di động. Có bộ nhớ trong 4GB - khá nhỏ, nên Honor cũng được trang bị một khe cắm thẻ nhớ, cho khả năng mở rộng tối đa lên tới 32GB.

Camera chính và loa ngoài

Khe cắm thẻ và SIM nằm dưới pin

Chiếc Honor (tức là bản quốc tế) sử dụng băng tần quad-band GSM / EDGE và 900 / AWS / 2100UMTS / HSPA,  cho tốc độ tải xuống có thể cao nhất lên đến 14.4Mbps. Ngoài ra còn một phiên bản khác, chiếc Huawei Cricket (camera trước chỉ còn độ phân giải VGA), dành cho các nhà mạng tại Mỹ, nên bạn cũng đừng ngạc nhiên khi nhìn thấy chiếc máy này xuất hiện tại Việt Nam dưới dạng hàng xách tay.

Hiệu năng

Chiếc Honor không được trang bị những phần cứng thuộc dòng cao cấp, nhưng có lẽ nó đã là một nỗ lực rất lớn của Huawei. Honor có bộ xử lý đơn nhân 1.4GHz Qualcomm MSM 8255T S2 Snapdragon với GPU Adreano 205, có nghĩa là gần như giống với chiếc Arc S của Sony hay chiếc Lumia 800 của NOKIA, hai chiếc điện thoại đang rất “hút khách” tại Việt Nam. Nó được trang bị 512MB RAM, một mức trung bình (nếu như không muốn nói là hơi thấp) của các thiết bị di động hiện nay. Mặc dù vậy, hiệu năng của chiếc máy này trong suốt quá trình thử nghiệm làm chúng tôi khá hài lòng: hiện tượng lag hay giật hình ít khi xảy ra, chỉ có khi chúng tôi tiến hành tải các trang web “nặng ký” với nhiều nội dung hình ảnh và flash, nhưng như thế cũng đã là rất tốt rồi. Màn hình cảm ứng cũng cho khả năng phản hồi tốt.
Dưới đây là điểm số của Huawei so sánh với một số điện thoại với cấu hình chip tương tự ở một vài phép thử hiệu năng thông dụng:

 

Huawei Honor

HTC Sensation XL

HTC Rezound

Quadrant

2,435

1,963

2,347

Linpack (single-thread)

52.83 MFLOPS

56.2 MFLOPS

52.0 MFLOPS

Nenamark 1

52.2fps

29.3fps

53.5fps

Nenamark 2

30.3fps

13.1fps

35.8fps

Neocore

59.9fps

58.4fps

59.8fps

SunSpider 9.1

2,428ms

2,140ms

2,961ms

Tóm lại, nếu xét trên phương diện các thiết bị chỉ trang bị chip đơn nhân, thì Hua wei là một thiết bị có hiệu năng cao với điểm số SunSpider cao (đồng nghĩa với kahr năng render trang web tốt), và điểm Quadrant ấn tượng, dẫn đầu trong hầu hết các thử nghiệm cùng với chiếc HTC Rezound, mặc dù chiếc Rezound có đến 2 nhân chạy ở 1.5Ghz và 1GB RAM. Điều này có thể lý giải là do các hiệu ứng của giao diện Sense UI trên chiếc máy của HTC khá nặng nề và ảnh hưởng nhiều đến kết quả thử nghiệm. Nói chung, hiệu năng của Honor là đủ với người dùng thông thường, trừ phi “thông thường” đồng nghĩa với “ham nhiều nhân”.
Loa ngoài của máy có chất lượng rất tốt, nó có mức âm lượng to và âm thanh trong trẻo hơn hầu hết các thiết bị di động mà chúng tôi đã thử qua. Chất lượng cuộc gọi chỉ ở mức trung bình, nhưng rất ổn định, hiếm khi bị “méo” hoặc lệch âm thanh.

Viên pin với dung lượng 1930mAh

Cuối cùng, mặc dù nhìn vẻ ngoài có vẻ “bé nhỏ” so với tiêu chuẩn của các điện thoại chạy Android hiện nay, nhưng Honor lại được trang bị “nội lực” là viên pin có dung lượng lên đến 1930mAh. Với viên pin này, thời lượng sử dụng của chiếc maý có thể lên tới 8 giờ với mức sử dụng “hardcore” như chơi game hay phát video, và sẽ được hơn 1 ngày với cường độ sử dụng trên mức trung bình, tức là thường xuyên check mail, gọi vài cuộc và thỉnh thoảng vào web.

Camera

Xin nhắc lại, Huawei trang bị cho Honor 2 camera như phần lớn các Android phone ngày nay: một camera chính 8Mpx với đèn flash LED và một camera phụ 2 Mpx sử dụng cho video call. Thật hơi khiếm nhã khi so sánh cảm biến của Honor với cảm biến của Galaxy S II chẳng hạn ở điều kiện ánh sáng tốt, vì chắc chắn mức cân bằng trắng và khả năng chống chói của nó sẽ không thể nào bì được. Tuy nhiên, Honor thể hiện rất tốt trong điều kiện ánh sáng yếu, đặc biệt là khi được hỗ trợ bằng HDR (bạn sẽ quen thuộc với khái niệm này từ thời iPhone 4). Chế độ này hoạt động tốt ở bất kỳ điều kiện ánh sáng nào và cung cấp thêm một lượng đáng kể ánh sáng vào cảm biến. Mặc dù các bức ảnh này vẫn còn nhiều nhiễu (do giới hạn của cảm biến trên điện thoại), nhưng nhìn chung, nếu bạn sử dụng nó trong những khu vực tối và cần thêm ánh sáng hỗ trợ, thì việc sử dụng sẽ cho kết quả tuyệt vời. Khả năng chụp cận cảnh cũng khá tốt, mặc dù việc chỉnh sang chế độ macro không được hỗ trợ trực tiếp trong giao diện chụp ảnh.
Trình chụp ảnh của Honor gần như được “thửa” nguyên từ trình chụp ảnh gốc của Android, với rất nhiều tùy chỉnh cũng như lựa chọn, chỉ trừ một điểm thêm thắt, đó là chức năng chuph HDR mà chúng tôi đã đề cập ở trên. Cảm biến của máy hỗ trợ chế độ lấy nét liên tục (hữu dụng khi quay video), nhưng không hỗ trợ khả năng lấy nét theo điểm chạm trên màn hình. Tuy nhiên, có một điểm chúng tôi không vừa lòng, đó là cảm giác “bấm” phím chụp trên màn hình không thể nào tốt bằng cảm giác trên phím vật lý, một điểm mà Honor còn thiếu.
Honor cũng có khả năng quay video HD 720p, nhưng e rằng với một chất lượng mà chỉ ở mức “tạm chấp nhận được” mà thôi, hãy cầm theo chiếc máy quay chuyên dụng của bạn nếu không quá khó khăn. Các cảnh quay tương đối “giật” với các vật thể chuyển động, cũng như mic thu được âm thanh rất ồn ào, cho dù khi thử nghiệm chúng tôi không hề đứng trong khu vực nhiều gió hay xe cộ. Màu sắc cũng hơi bị “bạc” và phải mất thời gian để camera tự động điều chỉnh được độ sáng cũng như khẩu độ.

Dưới đây là một số bức ảnh chụp thử nghiệm của Honor.

Chụp thông thường

Điều kiện ánh sáng tốt

 Bóng râm

Trong nhà với ánh sáng tốt (trên) và yếu (dưới)

Ánh sáng rất yếu

Trời tối với flash

Chế độ chụp HDR

Phần mềm

Nói về phần mềm, Honor chạy một giao diện được tùy biến trên nền Android 2.3.6. Chính sự tùy biến này đã làm cho Honor có vẻ hơi “lag” khi chuyển qua lại giữa các màn hình hay khi duyệt App Drawer.

      

Giao diện mặc định Android (trên) và giao diện của Huawei (dưới)

Giao diện này có vẻ giống với giao diện TouchWiz của Samsung hơn cả (cụ thể là TouchWiz 3.0) với các icon có vẻ được “đóng khung”, tuy nhiên, khác với TouchWiz, các khung bao quanh này của Honor không có vẻ kiểu “hoạt họa” mà kiểu hiện đại và tinh tế hơn.

Honor được cài sẵn một số ứng dụng (không thể uninstall thông thường được). Đa phần trong đó là các phần mềm quen thuộc trên các thiết bị Android: lịch, máy tính, đồng hồ báo thức, tin nhắn, Google Latitude và vvv..v Ngoài ra cũng còn một số phần mềm của Huawei như Streams, Cloud+ Drive, All Backup, Security Guard, TouchPal Input và Traffic Manager. Các ứng dụng này đều cung cấp một tính năng hữu ích nào đó,tuy nhiên chúng tôi không thích việc không thể xóa các phần mềm này đi khi thấy không cần thiết.
Huawei cung cấp sẵn 2 tùy chọn Theme cho người dùng dễ dàng thay đổi. một giao diện thì y hệt giao diện gốc của Android (cũng có nghĩa là không đẹp lắm), và một giao diện được tùy biến sẵn, đẹp hơn một chút, cho phép thay đổi các hiệu ứng chuyển cửa sổ, mở/tắt ứng dụng ,... (dạng 3D chẳng hạn).

               

Giao diện App Drawer

Nói chung, nếu coi giao diện mà Huawei tùy biến cho chiếc Honor là một đối thủ đáng gờm cho Sense UI hay cho các giao diện nổi tiếng nhưng ADW Launcher hay Launcher Pro thì có lẽ là hơi quá, nhưng vẫn tốt hơn nhiều so với giao diện chuẩn của Android.
Một điều đáng lưu ý là về lộ trình lên ICS cho thiết bị này: Huawei đã đặt ra một thời hạn cụ thể cho việc phát hành bản Android 4.0 (thử nghiệm) trên trang chủ của hãng. Nếu đúng được như vậy thì thật ấn tượng, đây sẽ là chiếc điện thoại thứ 2 trên thị trường (sau galaxy Nexus, tất nhiên!) có bản Android 4.0 chính thức từ nhà sản xuất. Mặc dù chỉ là bản thử nghiệm nhưng bạn có thể thử download về và cảm nhận những nét mới từ phiên bản up-to-date này.

Tổng kết

Chiếc Huawei Honor xuất hiện một cách lặng lẽ, và khi mới nhắc đến tên (đặc biệt là tên thương hiệu) người ta thường có xu hướng đánh giá thấp sản phẩm này (bản thân chúng tôi cũng từng như vậy). Đúng vậy, nó có thể không phải là chiếc điện thoại được trang bị chip xử lý nhanh nhất, hay có những thông số kỹ thuật, những tính năng “đi trước thời đại”, nhưng có thể nói không ngoa rằng đây là chiếc điện thoại tốt nhất mà chúng tôi từng thấy của Huawei (có thể mọi chuyện sẽ thay đổi sau khi chiếc Ascend P1 S đến tay chúng tôi, nhưng ít nhất là hiện tại thì chưa). Một điều chắc chắn là họ đã đầu tư rất nhiều tâm huyết trong việc làm ra chiếc máy này, và nó là cơn gió lành báo hiệu những sản phẩm chất lượng hơn của họ trong thời gian tới.