Điện thoại

HTC One M8 : Mạnh đến cỡ nào?

Không thể phủ nhận sức mạnh của One M8 qua phần cứng mà HTC trang bị cho siêu phẩm này. Nhưng thật khó để có thể tường tận hiệu năng thật sự của M8 là như thế nào. Đó cũng là thắc mắc chung của rất nhiều người dùng quan tâm. Dù không thể giải đáp tuyệt đối nhu cầu thông tin của người dùng song Techz.vn sẽ cụ thể hoá sức mạnh của One M8 thông qua những con số benchmark, cho bạn một cái nhìn chi tiết hơn về phần cứng của chiếc smartphone “xôn xao” này.

Antutu Benchmark

AnTuTu là một công cụ benchmark all-in-one khá phổ biến. Ưu điểm của công cụ này là có thể đánh giá khá toàn diện về chiếc Android mà bạn đang sử dụng. Nó có thể đo hiệu năng liên quan đến CPU, GPU, RAM, lưu trữ. Các bài kiểm tra và đo hiệu suất của Antutu khá chi tiết như đánh giá khả năng xử lí số thực, dấu chấm động, khả năng tối ưu hóa cho vi xử lí đa nhân. Công cụ này cũng có thể kiểm GPU về mức độ xử hình ảnh 2D lẫn 3D kiểm tra băng thông và độ trễ của việc truyền dữ liệu trong hệ thống của RAM, đo tốc độ đọc ghi của chip nhớ trên máy.

Với bài kiểm tra này, HTC One M8 cho điểm số khá tốt. Tuy nhiên, đứng ở góc độ chuyên môn, vẫn có chút thất vọng vì M8 ra mắt gần đây, phiên bản mà Techz.vn sử dụng lại là bản châu Á với cấu hình CPU 2,5Ghz, lại có cách biệt không đáng kể với Samsung Galaxy Note 3 và Sony Xperia Z Ultra ra mắt khá lâu.

Quadrant

Đây là một trong các ứng dụng benchmark cũng phổ dụng. Dù được đánh giá là chưa cho kết quả thật sự chính xác nhưng nếu xét trên nhu cầu đánh giá GPU thì Quadrant vẫn được lựa chọn. Ưu điểm của công cụ này là cho phép thực thi trực tiếp demo đồ hoạ để tính toán và tổng hợp thông tin chi tiết về hệ thống, được cập nhật thường xuyên để tối ưu hoá các phép đo với hệ thống xử lý đa nhân. Sau khi tính toán, công cụ sẽ hiển thị kết quả theo dạng biểu đồ để chúng ta so sánh với một số thiết bị cao cấp khác, cho bạn cái nhìn khái quát hơn. Nhưng thật sự, với Quadrant, Techz.vn chủ yếu dùng chỉ để xem rõ hơn phần cứng và mức độ hỗ trợ của phần cứng trên thiết bị vì biểu đồ so sánh của Quadrant được cập nhật khá chậm.

 

Kết quả từ Quadrant cho thấy One M8 vượt trội hơn rất nhiều so với đàn em “cũ rích” One X cũng do HTC thiết kế. Ngoài ra, chẳng có sự so sánh nào khác so với các thiết bị đang “hot” khác trên thị trường nên khó có thể tổng hợp thông tin tốt. Cách duy nhất để so sánh là phải chạy song song Quadrant trên tất cả các phần cứng mà bạn quan tâm, mà điều này thì thật sự hạn chế nếu đứng ở góc độ người dùng.

Về phần cứng, bạn có kết quả tổng hợp chi tiết về phần cứng của máy. Theo đó, khẳng định chiếc M8 mà Techz.vn đang sử dụng là phiên bản châu Á với cấu hình mạnh nhất. Hỗ trợ tập lệnh đồ hoạ, dựng hình của GPU cũng được thể hiện chi tiết để bạn hiểu rõ hơn.

3DMark

Đây là công cụ benchmark khả năng trình diễn của thiết bị được đánh giá rất cao. Ở bài test này, 3Dmark yêu cầu bạn phải tải và khởi chạy demo game Ice storm với độ dựng hình 3D phức tạp. Chưa cần nhìn kết quả đo kiểm, ngay ở phần thể hiện demo bạn cũng có thể đánh giá phần nào về hiệu năng phần cứng của thiết bị.

Khi cho M8 chạy demo của 3DMark, dễ thấy rằng phần cứng của thiết bị “nuốt ngon” các hoạt cảnh 3D phức tạp. Chi tiết này được Techz.vn đánh giá cao – HTC M8 là một chiếc smartphone hỗ trợ game 3D tốt. Tuy nhiên, đó chỉ là mức đánh giá đối với đồ hoạ phức tạp của Ice storm, demo được xây dựng khá lâu trước cả ý niệm về chiếc smartphone lõi tứ như M8 được xây dựng.

 

Anomaly2 Benchmark

Đây là một thể nghiệm khác liên quan đến game và trình diễn 3D của HTC One M8. Công cụ benchmark này sẽ lần lượt chạy 3 đoạn demo phức hợp khác nhau, tính toán hiệu năng dựng hình, đo đạc hiệu suất GPU và cụ thể hoá ở số điểm cũng như xếp hạng chi tiết.

Cũng như 3DMark, cơ chế làm việc tương tự, tuy nhiên Anomaly2 Benchmark mới hơn nên có thể đo kiểm chính xác hơn phần cứng của thiết bị.

 

Theo kết quả đánh giá của công cụ thì M8 xếp hạng vàng về tiêu chí chơi game. Tuy nhiên, thực tế khi quan sát quá trình đo đạc cho thấy M8 gặp rất nhiều lỗi rớt hình trong các đoạn dựng 3D phức tạp, nhất là ở các hiệu ứng cháy nổ với tỷ lệ đa giác yêu cầu cao. Thậm chí ở vài hoạt cảnh, M8 chỉ có thể hiển thị dưới 10 khung hình/giây, gây cảm giác "sượng" rất khó chịu… Dù sao đi nữa, cũng khó có thể đòi hỏi hơn khi đây là một công cụ benchmark – công cụ chuyên soi mói ngặt nghèo phần cứng của smartphone.

 

Vellamo

Công cụ do Qualcomm phát triển này lại là một ứng dụng benchmark hoàn toàn khác. Ngoài việc cho phép xem được các chỉ số công nghệ mà các thiết bị đi động đang sở hữu, công cụ cũng cho người dùng có cái nhìn tổng quan về các thiết bị từ hiệu suất CPU, khả năng dựng hình, JavaScript, khả năng kết nối mạng thông qua mô phỏng 3G/4G/WiFi, HTLM5, và trình duyệt web... chứ không tập trung chính vào hiệu năng của CPU và GPU như các công cụ khác.

Với công cụ này, điểm “chết” của One M8 hiện rõ khi đánh giá toàn diện các tiêu chí chuẩn của máy. M8 được 1270 điểm, thuộc mức điểm số rất cao. Tuy nhiên, Vellamo lại đánh giá M8 thấp hơn Samsung Galaxy Note 3, chiếc smartphone ra mắt trước khá lâu, có phần cứng tương đương như xung CPU thấp hơn phiên bản M8 mà Techz.vn sử dụng. Bạn cũng nên biết rằng Vellamo do chính Qualcomm phát triển nên khó có hiện tượng “dìm hàng” với thiết bị sử dụng chip của Qualcomm…

Trên đây chỉ là những phép benchmark phổ dụng. Tuy chưa phải là đầy đủ nhất nhưng Techz.vn hy vọng cũng có thể mang đến cho bạn một cái nhìn rõ hơn về HTC One M8.

Ngọc Ngân