Tư vấn

Hiểm họa khôn lường từ việc dùng sạc iPhone nhái

Sạc iPhone hay sạc cho các thiết bị di động khác nói chung là những thiết bị cực kỳ quan trọng trong cuộc sống ngày nay. Với tần suất sử dụng thông thường thì gần như mỗi ngày, chúng ta đều phải sử dụng đến vật dùng này ít nhất một lần, trong khoảng 2 tiếng đồng hồ. Thế nên, độ an toàn hay nguy hiểm của những thiết bị sạc sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến thiết bị, và quan trọng hơn là chính cuộc sống của người sử dụng.

Tại nước ta, xu hướng sử dụng iPhone cũ, từ iPhone 4, 4s, 5 đang lan rộng. Ngoại trừ những chiếc iPhone cũ chính hãng của người dùng mua bán theo kiểu “trao tay”, nguyên hộp với đầy đủ phụ kiện “zin”, còn lại phần lớn đều là những chiếc iPhone hàng tân trang, kéo theo đó là những bộ phụ kiện tặng kèm có chất lượng không thực sự tốt.

Nhiều cục sạc giả có ngoại hình bắt mắt hơn cả sạc thật. Ảnh: Internet

Ngoài ra, với mức giá khá hấp dẫn, chỉ bằng một phần tư đến một phần năm phụ kiện chính hãng, nhiều người cũng “phủi tay” cho qua và chấp nhận mua về và sử dụng những bộ sạc, cáp nhái nhằm tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên qua đó, họ cũng đã vô tình tiếp tay cho ngành công nghiệp làm hàng nhái phát triển, và nguy hiểm hơn chính là tự ôm vào mình những “quả bom” có thể nổ bất cứ lúc nào.

Ngoại hình giống 99%, giá cực rẻ

Sạc cáp nhái, có nghĩa chúng là sản phẩm của những đơn vị gia công nhỏ lẻ và làm ăn trái phép, không qua các khâu kiểm duyệt an toàn nhằm tiết kiệm chi phí một cách tối đa. Điều duy nhất mà các nhà sản xuất này cố gắng làm là khiến cho ngoại hình, cân nặng của sản phẩm nhái giống sản phẩm thật tới 100%. Dĩ nhiên chất lượng các thành phần điện tử không phải là yếu tố họ hướng đến bởi  “nội thất” của những chiếc sạc cáp này người mua khó mà kiểm chứng được.

Theo chia sẻ của Ken Shirriff - một blogger nước ngoài từng “mổ bụng” những chiếc sạc giả và sạc thật để so sánh. Sạc iPhone xịn bên trong có chứa khoảng 60 thành phần linh kiện điện tử, trong khi đó con số này trên sạc iPhone nhái chưa đến một nửa.

Sạc "rởm" (bên phải) có chất lượng phần cứng khá kém.

Tại Việt Nam, sạc iPhone “xịn” hiện được bán chính hãng với giá 550.000đ, khá rẻ so với mức giá hàng triệu đồng trước đây. Điều này một phần đến từ việc Apple buộc phải giảm giá sau hàng loạt những tai nạn cho người dùng iPhone liên quan đến sạc “rởm”.

Trong khi đó, những chiếc sạc nhái, sạc “lô” được bán với giá thậm chí chưa tới 100.000đ. Theo lời chủ một cửa hàng bán buôn linh phụ kiện điện thoại, những chiếc sạc này được mua về từ Trung Quốc với giá khá rẻ mạt, tuỳ thuộc từng đợt hàng nhưng giá cũng chỉ dao động ở mức 30-50.000đ, thậm chí có loại rẻ hơn vì chất lượng vỏ và chữ in quá kém.

Dễ mất mạng vì sạc rởm

Cục sạc hiểu một cách đơn giản chính là bộ phận giữ vai trò chuyển đổi điện áp từ 220V xoay chiều (tại Việt Nam) xuống còn 5V một chiều để cung cấp cho viên pin. Quá trình này còn một bộ phận phản hồi, có tác dụng điều chỉnh để giữ cho mức điện áp luôn ổn định là 5V. Tuy nhiên với những bộ sạc giả, có thể bị lược bỏ một vài một vài linh kiện điện tử hoặc có sử dụng nhưng với chất lượng cực kém.

Pin điện thoại cũng là một thành phần khá nhạy cảm, thế nên nếu dòng điện vào không theo tiêu chuẩn quy định có thể gây nên các hiện tượng cực đoan như nóng bừng, thời gian dài có thể dẫn tới hỏng pin.

Ngoải ra cục sạc với chất lượng linh kiện kém dễ dàng bị hỏng hóc, chập cháy, hay thậm chí là nổ. Theo blogger Ken Shirriff ở trên, cục sạc rởm có thể khiến điện áp trên nó tăng lên tới 340V, một con số đủ đến khiến người tiếp xúc bị giật tới tử vong.

Năm 2013, một thanh niên người Thái Lan được phát hiện đã chết trong khi vừa cắm sạc vừa gọi điện. Cảnh sát địa phương nghi ngờ rằng, thanh niên xấu số nói trên đã sử dụng điện thoại trên giường trong khi đi ngủ. Trên thi thể của nạn nhân, cảnh sát phát hiện ra một vết bỏng trên ngực, còn tay cầm iPhone bị cháy đến mức da đã dính vào chiếc điện thoại. Khi đó anh này đang sử dụng một chiếc sạc có màu xanh, bị nghi ngờ là cục sạc giả có nguồn gốc từ Trung Quốc và có thể đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc bị điện giật.

Trước đó, ít nhất 2 vụ việc tử vong vì sạc iPhone chất lượng kém cũng đã được ghi nhận tại chính Trung Quốc. Những nạn nhân xấu sổ sử dụng một cục sạc nhái và vừa sạc pin, vừa sử dụng dẫn đến chập cháy và điện giật.

Tại Việt Nam, loại sạc iPhone nhái cũng được buôn bán khá tràn lan với mức giá rẻ mạt, chúng cũng thường là phụ kiện đi kèm khi người dùng mua những chiếc iPhone cũ. Mặc dù chưa xảy ra vụ việc đáng tiếc nào, nhưng đây cũng là một mối nguy hiểm tiềm tàng với thiết bị, với người sử dụng và cả gia đình của họ.

Hãy mua sạc, cáp thật!

Người dùng tại nước ta khó mà tránh được tâm lý chuộng hàng giá rẻ, với bất cứ mặt hàng gì cũng chỉ cần giống mẫu mã, cộng thêm được người bán “tư vấn” là đã sẵn sàng bỏ tiền mua và yên tâm sử dụng.

Tuy nhiên riêng với cục sạc, hãy chọn mua một cục sạc chính hãng, chấp nhận đắt hơn một vài trăm ngàn đồng để có thể giữ an toàn cho mình và người thân, cũng như thiết bị sử dụng. Cục sạc thật ngoài việc đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn, chúng còn có độ bền cao hơn và nhận được những chính sách hỗ trợ từ hãng.

Giá cục sạc iPhone chính hãng không còn quá cao.

Như đã nói ở trên, Apple hiện cũng đã giảm giá khá mạnh cho phụ kiện này nhằm phổ biến chúng đến nhiều người dùng hơn. Sạc iPhone do Apple sản xuất và FPT hoặc iOne phân phối có giá khoảng 550.000đ cho đến 700.000đ, với chính sách bảo hành 6 tháng. Nếu cho rằng mức giá này vẫn cao, người dùng có thể lựa chọn các sản phẩm từ một bên thứ 3, chẳng hạn như  Belkin, Cabstone, Pisen,… và tránh xa những sản phẩm nhái.

Những củ sạc nhái mặc dù có ngoại hình có thể giống tới 99%, tuy nhiên không phải là không có điểm nhận biệt, chẳng hạn như cân nặng, độ tinh xảo trong các chi tiết, hay đơn cử là mức giá.

 

Công nghệ dây kết nối mới sẽ tăng gấp đôi tốc độ sạc smartphone

(Techz.vn) Ít ai nghĩ rằng, dây kết nối USB của điện thoại thông minh sẽ có thêm khả năng hỗ trợ sạc nhanh, song, với khoa học công nghệ ngày càng phát triển hiện nay, không có điều gì là không thể.