Trải qua một phiên rung lắc mạnh trong ngày 3/7, các chỉ số chính đóng cửa trái chiều. VN-Index mất 1,59 điểm tương ứng 0,17% còn 960,39 điểm, trái lại HNX-Index lại tăng 0,21 điểm tương ứng 0,2% lên 103,67 điểm.
Diễn biến chỉ số phản ánh đúng thực trạng thị trường phiên hôm qua khi số mã tăng-giảm không chênh lệch đáng kể. Có tổng cộng 311 mã giảm, 32 mã giảm sàn và 291 mã tăng, 46 mã tăng trần.
Thanh khoản trên thị trường vẫn thấp. Khối lượng giao dịch toàn sàn HSX ở mức 136,59 triệu cổ phiếu tương ứng 3.461,5 tỷ đồng trong khi con số này tại HNX cũng chỉ là 16,49 triệu cổ phiếu tương ứng 271,68 tỷ đồng.
Phiên này, chỉ số chính VN-Index thiếu sự dẫn dắt của cổ phiếu “đầu tàu”. VHM mặc dù tăng giá và tác động 0,89 điểm tới chỉ số nhưng ngược lại VCB giảm lại khi VN-Index mất 0,99 điểm. VNM, BVH, CTG, SAB, REE tăng và ảnh hưởng tích cực song GAS, NVL, VIC, HPG, VRE lại giảm và kéo lùi chỉ số.
Hãng bay VietJet gắn với tên tuổi của nữ tỷ phú USD giàu nhất Việt Nam: Bà Nguyễn Thị Phương Thảo (ảnh: Nikkei)
Cổ phiếu VJC của Công ty CP Hàng không VietJet trong ngày 3/7 đứng giá 128.500 đồng. Mã này đang trong đà tăng khá tốt và đã đạt được mức tăng hơn 5,3% trong 1 tháng qua cũng như tăng gần 14% so với 3 tháng trước.
Theo thông tin từ tờ Nikkei, hãng bay này đang có dự định triển khai thương mại điện tử trong vòng 2 năm tới, hợp tác với các ngân hàng, khách sạn và nhiều công ty khác.
Cụ thể, với mô hình “consumer airlines” (hàng không tiêu dùng), VietJet tham vọng sẽ có nền tảng thương mại điện tử không chỉ cung cấp vé máy bay mà còn mang tới mọi thứ mà khách hàng cần.
Nikkei dẫn lời bà Nguyễn Thị Thuý Bình - Phó Tổng giám đốc VietJet cho hay, nền tảng mới sẽ bao gồm các dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm và tài chính, khách sạn, hàng tiêu dùng và nhiều mặt hàng nữa.
Ý tưởng ở đây của VietJet là các công ty đối tác trong những lĩnh vực trên sẽ tham gia nền tảng của Vietjet, sử dụng công nghệ blockchain để các giao dịch trở nên thuận lợi. Hiện tại, Vietjet đang trao đổi với một số doanh nghiệp về nội dung này.
Trở lại với thị trường chứng khoán, khối ngoại tiếp tục bán ròng nhẹ trên sàn HSX với 9,86 tỷ đồng, chủ yếu ở HPG (61 tỷ đồng), VHM (24 tỷ đồng), VCB (18 tỷ đồng). Ngược lại, mua ròng nhẹ ở sàn HNX và UPCOM, cụ thể mua 5,36 tỷ đồng ở sàn HNX và giải ngân vào các mã PVS (3,5 tỷ đồng), SHB (1,3 tỷ đồng)…, 5,71 tỷ đồng ở sàn UPCOM và mua nhiều ở các mã QNS (5,2 tỷ đồng), VTP (3 tỷ đồng)…
“Chúng tôi nhận thấy nhịp điều chỉnh trên sàn HSX gần như sắp kết thúc và sẽ có cơ hội tăng điểm trong ngắn hạn” - chuyên gia VDSC cho hay. Theo đó, nhà đầu tư được khuyên lưu ý dòng tiền đi vào thị trường ở các phiên giao dịch tiếp theo có tích cực hay không, để xem xét mức độ giải ngân phù hợp trong ngắn hạn.
Còn BVSC thì cho rằng, VN-Index dự báo sẽ tiếp tục có biến động theo hướng đi ngang trong vùng được giới hạn bởi cận dưới 952-956 điểm và cận trên nằm tại 966-967 điểm trong một vài phiên kế tiếp.
Thị trường cần vượt qua vùng kháng cự quan trọng 965-966 điểm để có thể hướng đến thử thách vùng cản mạnh hơn nằm tại 975-980 điểm, đồng thời mở ra cơ hội hình thành một xu hướng tăng ngắn hạn trong thời gian tới.
Về diễn biến các nhóm ngành, BVSC đánh giá, nhóm dầu khí và ngân hàng dự kiến sẽ tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh với diễn biến giằng co tương đối khó chịu trong những phiên tới. Bên cạnh một số cổ phiếu vốn hóa lớn thì cổ phiếu thuộc các nhóm ngành hưởng lợi từ vĩ mô như dệt may, thủy sản, khu công nghiệp… cũng sẽ thu hút được sự quan tâm của dòng tiền mỗi khi điều chỉnh.
Nhà đầu tư được khuyến nghị tiếp tục duy trì tỷ trọng danh mục ở mức 40-45% cổ phiếu trong giai đoạn này. Có thể thực hiện các hoạt động bán trading một phần vị thế ngắn hạn khi thị trường tiếp cận vùng cản quanh 975 điểm.
Theo: Dân Trí
Phi công Vietjet Air lý giải việc delay, hủy chuyến hàng loạt, khẳng định không có chuyện đình công
(Techz.vn) Theo phi công Vietjet Air, các chuyến bay bị delay và hủy chuyến hàng loạt vừa qua là do hãng đột ngột thiếu phi công, chứ không phải do đình công.