Quân sự

Hải quân Việt Nam sẽ hỗ trợ hạ thủy tàu ngầm Trường Sa 1

 Clip thử nghiệm tàu ngầm tự chế Trường sa 1

 Ít ai có thể ngờ dự án chế tạo tàu ngầm của ông Nguyễn Quốc Hòa, Giám đốc Công ty Cơ khí Quốc Hòa (TP Thái Bình), lại đạt kết quả bước đầu ngoài mong đợi.

Tới đây, tàu ngầm mang tên Trường Sa 1 do Công ty Cơ khí Quốc Hòa chế tạo sẽ được đưa ra biển Hải Phòng hoặc Thái Bình thử nghiệm. Tác giả thiết kế, chế tạo tàu ngầm này, ông Nguyễn Quốc Hòa, cho biết nếu thành công, sau Trường Sa 1 sẽ là Thái Bình 1 và nhiều tàu ngầm khác mang thương hiệu Việt Nam ra đời.

Hải quân Việt Nam sẽ hỗ trợ hạ thủy tàu ngầm Trường Sa 1-image-1392352099695

Tàu ngầm Trường Sa 1 trong bể thử nghiệm

Từ ý tưởng “gàn dở”

Phải đợi từ sáng đến chiều tối, chúng tôi mới gặp được vị giám đốc có ý tưởng thực hiện dự án mà nhiều người cho rằng hết sức “gàn dở” này. Ông bận tiếp đoàn chuyên gia của Bộ Quốc phòng đến tham quan, khảo sát về chiếc tàu ngầm Trường Sa 1.

Theo ông Hòa, tại buổi tiếp, các chuyên gia đưa ra hàng loạt câu hỏi hóc búa về cân bằng động, cân bằng tĩnh, thiết bị quan sát, liên lạc, đặc biệt là công nghệ không khí tuần hoàn độc lập hay vì sao lại sử dụng chân vịt 3 cánh… Tuy nhiên, sau khi được “mục sở thị” Trường Sa 1 và nghe ông Hòa giải trình, nhiều người trong đoàn tin tưởng dự án sẽ thành công.

Hải quân Việt Nam sẽ hỗ trợ hạ thủy tàu ngầm Trường Sa 1-image-1392352139569

Ông Nguyễn Quốc Hòa - cha đẻ tàu ngầm Trường Sa 1

“Không có thiết kế tổng thể mà qua nghiên cứu tài liệu, hình dung đến đâu làm đến đó, tôi vừa làm vừa mò mẫm. Qua thử nghiệm, không ít lần động cơ tàu bị trục trặc, thậm chí nổ nhưng tôi vẫn không chùn bước” – ông Hòa kể lại.

Ý tưởng của ông Hòa xuất phát từ việc nước ta phải bỏ ra nhiều triệu USD để mua tàu ngầm kilo. Ông trăn trở rằng láng giềng là Trung Quốc cũng chế tạo được tàu ngầm, tại sao người Việt lại không làm được? Vốn là kỹ sư hóa học của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, kỹ sư cơ khí chuyên ngành khuôn mẫu của Đức, ông quyết định tìm hiểu về chế tạo tàu ngầm. Chỉ việc suốt ngày “cắm mặt” vào máy tính tìm tài liệu chế tạo tàu ngầm của Nga, Mỹ, Đức…, ông phải mất hơn 3 tháng.

“Khi đóng tàu ngầm mới là ý tưởng, vợ con và bạn bè đều ngăn cản tôi vì họ cho rằng tàu ngầm là thứ gì đó rất kinh khủng, không thể làm được. Nhiều người còn mỉa mai: Giám đốc một xưởng cơ khí địa phương nhưng lại có ý tưởng hoang đường” – ông Hòa nhớ lại.

Hải quân Việt Nam sẽ hỗ trợ hạ thủy tàu ngầm Trường Sa 1-image-1392352201508

Những kỹ sư và thợ cơ khí trong công ty được ông Hòa yêu cầu tham gia dự án cũng cho rằng đây là việc làm không tưởng. Anh Hoàng Văn Hiệp nhớ lại: “Lúc đầu, nghe chế tạo tàu ngầm, anh em đều sửng sốt và nghĩ giám đốc nói đùa. Tuy nhiên, sau khi được thuyết phục, bắt tay vào việc, tất cả lại quyết tâm và tin sẽ thành công”.

Sau hơn 4 tháng mệt mài, ông Hòa cùng 6 kỹ sư và 40 công nhân cơ khí đã hình thành vỏ tàu. Sau đó, việc lắp đặt các thiết bị trong tàu như bảng điều khiển, hệ thống điện, các loại trục, hệ thống tuần hoàn khí, máy nổ, hệ thống điện tử, thiết bị cảm biến, kính tiềm vọng… cũng dần được hoàn thiện.

Nhận được nhiều ủng hộ

Đến giữa tháng 1-2014, đợt thử nghiệm đầu tiên đã thành công ngoài mong đợi. Trong bể nước, con tàu đã có thể lặn, nổi được theo ý của người thiết kế. Đặc biệt, khi lặn, hệ thống không khí tuần hoàn độc lập (AIP) hoạt động hiệu quả, không xảy ra trục trặc mà còn giúp duy trì sự sống cho con người.

Các thông số kỹ thuật đều đạt yêu cầu như sự cân bằng của tàu khi nổi trên mặt nước, hoạt động của động cơ và hệ thống tuần hoàn khí trong điều kiện lặn dưới nước, độ kín của nắp tàu… Trong đợt thử nghiệm này, ông Hòa nhiều lần vào trong con tàu điều khiển việc lặn, nổi vì “có gì thì mình tôi chịu”. “Lúc đầu, gặp rất nhiều khó khăn, chẳng những không nhụt chí mà tôi còn tin chắc sẽ thành công” – ông kể.

Hải quân Việt Nam sẽ hỗ trợ hạ thủy tàu ngầm Trường Sa 1-image-1392352220633

Theo ông Hòa, nhiều người Việt Nam không tin vào khả năng của mình, lúc nào cũng sợ thất bại, mất của, mất uy tín. Thực ra, chế tạo tàu ngầm còn dễ hơn sản xuất các máy móc, thiết bị tinh xảo mà công ty của ông nhận làm từ các đối tác nước ngoài. “Chưa thể nói dự án sẽ thành công hay không nhưng hy vọng từ việc chế tạo tàu ngầm Trường Sa 1, sẽ có nhiều người Việt Nam vượt qua các rào cản để thực hiện những dự án khác to lớn hơn” – ông tâm sự.

Ông Hòa khẳng định: “Giai đoạn 1 của dự án đã thành công nhưng tôi sẵn sàng hợp tác với bất cứ ai để hoàn thành”. Theo ông, ngoài Bộ Quốc phòng rất quan tâm đến dự án, Hải quân Việt Nam cũng sẵn sàng giúp đỡ trong việc thử nghiệm tàu ngầm Trường Sa 1. Nhiều khả năng trong giai đoạn 2, sau khi hoàn chỉnh, Trường Sa 1 sẽ được lực lượng hải quân trợ giúp đưa ra biển chạy thử.

Có thể nằm im dưới biển trong 15 giờ

Tàu ngầm Trường Sa 1 dài 8,8 m, cao 3 m, nơi phình to nhất 2,8 m, lượng choán nước 12 tấn khi lặn và 9 tấn khi nổi. Tàu có thể lặn sâu 50 m, có khả năng di chuyển hoặc nằm im dưới đáy biển đến 15 giờ và có thể hoạt động 15 ngày liên tục trong bán kính 800 km, vận tốc có thể đạt khoảng 40 km/giờ.

Tàu Trường Sa 1 có 4 hệ thống chính là động lực, điện, dẫn đường và bảo đảm sự sống. Mỗi lần hoạt động, tàu cần 1 tấn dầu DO để chạy cùng lúc 2 máy nổ diesel. Về nguyên lý hoạt động của hệ thống AIP, ông Hòa giải thích: “Động cơ nổ phải có không khí. Với công nghệ AIP, không khí do động cơ xả ra sẽ qua bộ lọc để loại tạp chất, đưa vào làm sạch, bơm thêm ôxy rồi đưa trở lại máy nổ, bắt đầu một vòng tuần hoàn mới”. Theo ông, khi lặn, tàu Trường Sa 1 có hệ thống tái tạo ôxy, khử carbon để người bên trong hô hấp.

Đọc thêm: Chân Dung Các Sĩ Quan Sẽ Điều Khiển Tàu Ngầm Kilo Việt Nam

Mạnh Hưng

Theo: Người lao động