Cuối tuần trước, việc một tựa game đến từ Việt Nam đã bất ngờ vươn lên khuấy đảo cả hai kho ứng dụng iOS và Android đã không khỏi làm giới truyền thông thế giới bất ngờ. Hàng loạt các trang tin uy tín trên thế giới bắt đầu đưa tin về Flappy Bird, từ giới thiệu, chia sẻ, bình luận, khen ngợi đến... hoài nghi.
Được biết, Flappy Bird được phát triển bởi một lập trình viên duy nhất có tên Nguyễn Hà Đông, hiện đang sinh sống tại Hà Nội, dưới tên gọi studio .Gears (dotGears), Flappy Bird được đưa lên kho ứng dụng của Apple từ tháng 5 năm 2013 và phải đợi đến gần đây, độ phổ biến của tựa game này mới được thổi bùng lên cùng một tốc độ dường như không thể cản phá.
Theo Nguyễn Đông chia sẻ, hiện nay mỗi ngày trò chơi của anh đón nhận khoảng 3 triệu lượt tải về tính trên cả iOS và Android. Vậy đâu là lí do giải thích cho hiện tượng đặc biệt vượt lên trên cả những ứng dụng có mức đầu tư marketing vào hàng khủng này?
Flappy Bird lên ngôi cũng kéo theo hai ứng dụng còn lại của Nguyễn Hà Đông lọt top 10 bảng xếp hạng App Store Hoa Kỳ là Super Ball Juggling và Shuriken Block.
1. Siêu khó
Có lẽ điều đầu tiên bất cứ ai cảm nhận được khi bắt đầu chơi Flappy Bird đều là độ khó siêu khủng của nó. Bạn có thể sẽ phải thử đến cả chục lần để có thể đưa chú chim qua được cột ống nước... thứ 5. Tất cả đã mang đến cho người chơi một cảm giác vừa khó chịu, vừa thách thức lại vừa vui nhộn, một cảm giác mà lâu lắm rồi không xuất hiện trên làng game di động thế giới. Ngay lúc này bạn có thể truy cập kho ứng dụng App Store để xem bạn bè thế giới đã bày tỏ tình yêu với Flappy Bird bằng cách ghét cay ghét đắng nó đến như thế nào. Độ khó của Flappy Bird được xem là yếu tố hàng đầu để tạo ra sự thành công và độ lan truyền đến khó tin của trò chơi này.
2. Cách chơi đơn giản
Angry Birds, Clash of Titan hay bất kì tựa game nào từng làm mưa làm gió trên thị trường đều có phần hướng dẫn người chơi khá rắc rối trong khi đó cứ mỗi giây một trò chơi lấy đi của người dùng để hướng dẫn họ bắt đầu, tựa game đó đã mất đi một số người chơi nhất định. Flappy Bird đi theo hướng hoàn toàn ngược lại. Không có bất cứ yêu cầu nào ngoài việc chạm vào màn hình để đưa chú chim vượt qua những đường ống. Bạn có thể đưa chiếc smartphone của mình cho bất kì ai, từ trẻ em đến người già, và chỉ sau khoảng vài chục giây chắc chắn họ sẽ nắm bắt được cách chơi tựa game này.
Dễ chơi nhưng khó để làm chủ, Flappy Bird đã tự biến mình thành một trò chơi có độ khó chịu và sức gây nghiện không thể bỏ qua.
3. Giao diện đơn giản
Toàn bộ giao diện người dùng Flappy Bird chỉ có đúng tổng cộng bảy nút bấm Start, Score, Rate, Pause, Tap, Okay và Share. Tất cả đã làm toát lên một sự đơn giản không chỉ đến từ cách chơi mà còn đến từ giao diện người dùng, hoàn toàn khác biệt so với các trò chơi khác khi người dùng có thể dễ dàng cảm thấy choáng ngợp vì quá nhiều các lựa chọn và phím chức năng. Giao diện đơn giản chính là yếu tố quan trọng trong việc khuyến khích người dùng chơi lại Flappy Bird nhiều lần. Bên cạnh đó, đồ họa của trò chơi cũng là một yếu tố làm Flappy Bird trở nên nổi bật bởi trong khi người chơi dường như đã quá “ngấy ngán” những tựa game với đồ họa bóng bẩy và hào nhoáng thì Flappy Bird chọn cho mình phong cách đồ họa 8-bit cực kì đơn giản. Điều này cũng tạo cho Flappy Bird lợi thế đó là kể cả các thiết bị với thông số khiêm tốn cũng có thể chạy trơn tru tựa game này.
4. Kích thích người chơi
Flappy Bird không có bất kì cấp độ nào cả. Bản thân trò chơi luôn mang đến cho bạn cảm giác là người chiến thắng nhưng bạn lại không bao giờ có thể với tới được danh hiệu đó. Bạn có thể bỏ hàng giờ cho Flappy Bird để đạt được con số 100 điểm chẳng hạn, bạn cảm thấy thỏa mãn vì đã vượt qua được chính mình nhưng khi “lượn lờ” Facebook, luôn có những người khoe họ đạt được nhiều điểm hơn bạn và cảm giác thua cuộc lại trở lại, thúc đẩy bạn tiếp tục chơi tiếp để kiếm được điểm cao hơn nữa.
Đây là một đặc điểm khá khác biệt và thông minh của nhà phát triển tạo ra ở trò chơi này. Đối với Angry Bird chẳng hạn, bạn vượt qua một màn chơi với 2 sao và sẽ rất dễ dàng để ý nghĩ “ít nhất thì mình đã vượt qua nó rồi” đến với bạn và bạn bỏ qua nó ngay để đến với level khác. Không có điều tương tự như vậy trong Flappy Bird.
Đây là những gì xảy ra với điện thoại một người chơi khi quá đam mê đồng thời quá bực bội với “chú chim vỗ cánh”.
5. Cơn sốt trên các mạng xã hội
Hiện nay có không ít ý kiến được các chuyên gia đưa ra cho rằng dotGears đã sử dụng một thủ thuật nào đó để đẩy vị trí của Flappy Bird lên cao trong bảng xếp hạng các kho ứng dụng. Giả thiết này dù đúng hay sai thì cho đến lúc này có một điều không ai có thể phủ nhận được đó là Flappy Bird đang phát triển tự nhiên một cách rất mạnh mẽ, ít nhất là nhờ hàng loạt các chia sẻ trên mạng xã hội.
Nếu có truy cập Facebook trong những ngày gần đây, hẳn là bạn đã để ý thấy rất nhiều bài đăng về Flappy Bird, từ giới thiệu đến bạn bè một trò chơi siêu khó, thể hiện niềm tự hào với một tựa game Việt Nam cho đến ảnh chụp màn hình... khoe điểm (dù thấp hay cao). Đó là ở trong nước, trong một tuần qua Twitter của bạn bè thế giới cũng liên tục phát sốt với Flappy Bird. Không ít Vlogger cũng bắt đầu tận dụng trò chơi này làm chủ đề video với hàng chục triệu lượt xem. Góp phần quảng bá tự nhiên tựa game này tới nhiều người hơn nữa.
Không khó để có thể thấy ai đó cập nhật về Flappy Bird trong những ngày này.
Đọc thêm: Các 'game thủ siêu phàm' có thể tự điều khiển những giấc mơ
Thu Thủy