Báo Mới

Gia đình ông Chấn: Vợ tâm thần, con bỏ học, mẹ già tủi nhục

(Techz.vn) Vợ bị tâm thần, con cái bỏ học, ly tán, mẹ già chịu khổ nhục ròng rã suốt 10 năm trời ròng rã kêu oan cho ông Nguyễn Thanh Chấn

Sự kiện ông Nguyễn Thanh Chấn được đình chỉ thi hành án, trở về với gia đình sau 10 năm ngồi tù là kết quả của việc đấu tranh không mệt mỏi của gia đình ông. Trong 10 năm từ khi ông Chấn bị kết án, mẹ, vợ, và bốn người con của ông đã chịu đủ điều đắng cay, ngang trái. 

Vợ điên, con bỏ học, mẹ già tủi nhục

Theo bà Phạm Thị Đạo (dì ruột ông Chấn), ngay khi cháu bà bị kết án chung thân về tội giết người, vợ ông, bà Nguyễn Thị Chiến đã bỏ toàn bộ thời gian, công sức của mình để kêu oan cho chồng.

“Đằng đẵng cả chục năm đi kêu oan cho chồng, chị Chiến đã phát điên và phải điều trị thường xuyên tại Bệnh viện thần kinh trung ương. Bây giờ ngày nào nó cũng phải uống thuốc”, bà Đạo rưng rức kể.

Có mặt tại buổi công bố quyết định trả tự do cho ông Chấn tại trại giam Vĩnh Quang (Vĩnh Phúc), bà Chiến đã ngất xỉu. Đến khi đưa ông Chấn về đến nhà, bà Chiến lại ngất đi trong vòng tay của người thân vì thần kinh của bà không chịu đựng nổi những cơn xúc động quá mạnh.

-image-1383618480292

Từ trái qua: Bà Phạm Thị Vì, con trai trưởng Nguyễn Hữu Quyết cùng ông Chấn tạ ơn trước bàn thờ gia tiên. Ảnh: Thanh Lưu.

Bà Nguyễn Thị Định, chị gái bà Chiến cho biết từ khi ông Chiến vướng vào vòng lao lý, gia đình cả hai bên nội ngoại đều liêu xiêu, suy sụp. Người lớn còn cắn răng mà chịu đựng được nhưng chỉ tội cho bốn người con của ông Chấn (người lớn nhất năm nay 31 tuổi, nhỏ nhất 24 tuổi).

“Thời điểm bố nó bị bắt, 4 đứa con vẫn còn đi học nhưng đến trường đều bị bạn bè kỳ thị, xa lánh. Bạn bè nó bảo “con nhà giết người” và không chịu ngồi cạnh. Vì vậy mà cả ba đứa đầu đều phải bỏ học. Sau này, thằng út đang học tại một trường Cao Đẳng tại Thái Nguyên cũng phải bỏ học nửa chừng cũng vì không chịu nổi áp lực”, bà Định nghẹn ngào.

Hai người con gái giữa của ông Chấn thì một người phải đi làm công nhân. Người còn lại là Chị Nguyễ Thị Quyền (29 tuổi) phải đi xuất khẩu lao động tận Đài Loan để tránh điều tiếng và kiếm tiền gửi về giúp mẹ tiếp tục đi kêu oan cho bố.

“Con Quyền nó bảo bố không về được thì con cũng không về nước và không bao giờ nghĩ đến chuyện lấy chồng”, bà Định thuật lại.

Trước khi bị bắt, ông Chấn có một cửa hàng tạp hóa ngoài đầu thôn. Sau khi ông Chấn đi tù, mẹ ông, bà Phạm Thị Vì (đã hơn 70 tuổi) vẫn cố gắng bám trụ ở đó để bán hàng. “Bà Vì cũng chẳng bán được bao nhiêu hàng. Thậm chí có người còn đến trước cửa quán chửi bới, miệt thị vì bà đã đẻ ra đứa con lộn giống”, bà Định chua xót.

Ông Nguyễn Hữu Phấn, chồng bà Vì là một liệt sĩ. Trước khi hy sinh, ông chỉ kịp để lại một giọt máu duy nhất là ông Chấn.

Ông Chấn có thể đã chết nếu không phải con liệt sĩ

Trao đổi với phóng viên sau khi trở về nhà, ông Chấn nói cả đêm qua ông đã trằn trọc không ngủ được. Khi về đến thôn Me, ông Chấn bảo không từ ngữ nào có thể diễn tả được hết cảm xúc của mình. Ông Chấn thấy vừa hạnh phúc vừa buồn tủi và mọi vật xung quanh ông cứ hư hư thật thật.

-image-1383618486874

Ông Nguyễn Thanh Chấn là người con duy nhất của liệt sĩ Nguyến Hữu Phấn. Ảnh: Thanh Lưu.

Niềm hy vọng được thoát tội tưởng như đã tàn lụi trong 10 năm ông Chấn ở trại giam. Trong 10 năm ấy, ông chỉ tập trung viết đơn kêu oan chứ hầu như không lao động, cải tạo được gì. Mặc dù bị quản giáo nhắc nhở nhiều lần, nhưng ông Chấn vẫn giữ được niềm tin sẽ có ngày “đèn trời soi xét”.

“Tôi đã hai lần tự sát nhưng bất thành. Sau hai lần chết hụt ấy, tôi lại tìm mọi cách để nuôi hy vọng. Những lúc tuyệt vọng nhất, tôi nghĩ đến vợ con ở ngoài kia vẫn đang ngày đêm chiến đấu để minh oan cho tôi. Khi không bấu víu vào đâu được, tôi cầu khấn vong linh của bố để mong được phù hộ độ trì. Trước khi về, cán bộ trại giam bảo tôi chỉ mới được tạm tha. Giờ tôi chỉ biết cầu mong đảng, nhà nước sẽ nhanh chóng trả lại sự trong sạch cho tôi và gia đình”, ông Chấn nấc nghẹn.

Ông Nguyễn Văn Hoan, công an viên xã Nghĩa Trung, phụ trách thôn Me nhận định có thể ông Chấn có thể đã phải chịu hình phạt cao hơn mức án tù chung thân nếu phạm nhân này không phải là người con duy nhất của một liệt sĩ.

Ông Hoan là một trong những người có mặt đầu tiên tại hiện trường vụ án 10 năm về trước. Công an viên này cũng là người bảo vệ hiện trường và trực tiếp gọi điện thông báo cho công an huyện Việt Yên xuống để giải quyết vụ án. “Đây là vụ trọng án gây rúng động vùng quê yên ả của chúng tôi. Khi đến hiện trường, tôi thấy nạn nhân nằm chết trên vũng máu lớn và bị giết một cách hết sức dã man”, ông Hoàn nhớ lại.

Cũng theo ông Hoàn, sau khi vụ án xảy ra, ông Chấn đã bị cơ quan điều tra triệu tập nhiều lần để lấy lời khai. “Mỗi lần như vậy, ông Chấn đều rất hoang mang và đến tham khảo ý kiến của tôi. Tôi bảo rằng nếu anh không giết người thì cứ đến trình diện và khai báo đầy đủ những gì mình biết. Vụ án xảy ra tại quán tạp hóa của nạn nhân, nằm gần quán tạp hóa của ông Chấn. Lúc đó khu vực hiện trường rất hoang vắng nên tôi nghĩ những người ở gần bị gọi hỏi nhiều lần cũng là điều bình thường. Tôi cũng bất ngờ vì sau quá trình điều tra, ông Chấn lại bị buộc tội như vậy”, ông Hoàn nói.

“10 năm kêu oan không mệt mỏi của gia đình đã đạt được những kết quả ngoài mong đợi khi hung thủ thật sự đã ra dầu thú. Chúng tôi hy vọng tòa tối cao sẽ trả lại sự công bằng và bù đắp được phần nào những thiệt thòi mà ông Chấn và gia đình đã phải gánh chịu suốt 10 năm qua”, ông Hoàn chia sẻ.

Mời bạn xem thêm: Tạm tha sau 10 năm ròng rã kêu oan

 Hồng Long (MTG)