Mới đây tại Hà Nội đã diễn ra buổi tọa đàm “Việt Nam tiến lên 4G như thế nào?”. Đây là buổi tọa đàm do Câu lạc bộ Nhà báo công nghệ thông tin Việt Nam (ICT Press Club) tổ chức nhằm giải đáp các thắc mắc về việc triển khai công nghệ 4G tại Việt Nam trong thời gian tới đây.
Bên cạnh giới báo chí và các nhà mạng, buổi tọa đàm còn có sự tham gia của các nhà sản xuất thiết bị 4G như Ericsson, Qualcomm, chuyên gia kinh tế và các chuyên gia hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin.
4G, viết tắt của “fourth-generation”, là công nghệ truyền thông không dây thế hệ thứ tư, cho phép truyền tải dữ liệu với tốc độ tối đa trong điều kiện lý tưởng lên tới 1 - 1,5 Gb/giây, nhanh gấp nhiều lần so với công nghệ 3G hiện tại.
Theo các nghiên cứu đầu tiên của NTT DoCoMo (Nhật Bản), điện thoại 4G có thể nhận dữ liệu với tốc độ 100 Megabyte/giây khi di chuyển và tới 1 Gb/giây khi đứng yên, cho phép người sử dụng có thể tải và truyền lên hình ảnh động chất lượng cao. Trong khi đó, mạng điện thoại 3G hiện tại của DoCoMo chỉ có tốc độ tải là 384 kilobyte/giây và truyền dữ liệu lên với tốc độ 129 kilobyte/giây.
Tên gọi 4G do IEEE (Institute of Electrical and Electronics Engineers) đặt ra để diễn đạt ý nghĩa "3G và hơn nữa".
Theo số liệu của Qualcomm thì tính đến tháng 9/2015, đã có 422 mạng 4G được triển khai ở 143 nước, và hơn 670 nhà mạng trong 181 nước đã đầu tư cho mạng 4G. Do đó, việc phát triển 4G LTE tại Việt Nam là điều thực sự cần thiết trong thời đại công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay. Công nghệ này dự kiến sẽ chính thức được cấp phép và triển khai tại Việt Nam kể từ năm 2016.
Theo ông Hồ Chí Dũng, Giám đốc công nghệ của Viettel Telecom, đơn vị chịu trách nhiệm chính trong việc triển khai 4G của nhà mạng Viettel, hiện Viettel đã ký hợp đồng mua 12.000 trạm BTS 4G và sẽ triển khai lắp đặt xong trong khoảng cuối năm 2015 hoặc đầu năm 2016.
Giá cước 4G bình quân sẽ không chênh lệch so với giá cước 3G hiện đang triển khai tại Việt Nam. Tốc độ đường xuống tối đa khi thử nghiệm 4G tại Việt Nam dự kiến sẽ là 450Mbps.
Ông Hồ Chí Dũng cũng cho hay, Viettel sẽ rút kinh nghiệm từ cách làm 3G ở thời gian trước đây trong quá trình triển khai mạng 4G tại thị trường Việt Nam.
Với cách làm 3G theo kiểu cũ, hiệu quả của nó là không cao khi chỉ có khoảng 30% thuê bao của nhà mạng này sử dụng 3G. Với việc triển khai mạng 4G, quan điểm của Viettel là sẽ triển khai đồng loạt 4G trên diện rộng, sử dụng công nghệ mới nhất (VoLTE) kết hợp với việc khai thác thêm những dịch vụ Data đặc thù để lôi kéo người dùng.
Với VNPT, nhà mạng này gần như đã sẵn sàng khi mà ông Nguyễn Nam Long, Phó Tổng giám đốc VNPT-Net cho rằng: “Toàn bộ trạm cũ đấu nối vào trạm trung tâm đều đã đầu tư cáp quang, khi triển khai 4G chỉ cần nâng cấp hệ thống thiết bị ở trạm và trung tâm là có thể triển khai ngay”.
Khi được hỏi về giá cước 4G tại thị trường Việt Nam sẽ đắt hay rẻ, đại diện của VNPT cho biết giá cước 4G bình quân sẽ không chênh lệch so với giá cước 3G hiện đang triển khai tại Việt Nam. Sự chênh lệch giữa 2 công nghệ này chỉ khác nhau về tốc độ download. Cùng với đó, tốc độ đường xuống tối đa khi thử nghiệm 4G tại Việt Nam dự kiến sẽ là 450Mbps.
Quan điểm của VNPT là tốc độ tải về càng cao thì người dùng sẽ càng sử dụng nhiều dung lượng dữ liệu hơn, doanh thu từ 4G vì thế cũng sẽ gia tăng. Do đó, giá cước 4G nhìn chung sẽ không tăng giá. Đây cũng là quan điểm của người đồng cấp bên phía Viettel.