Thiết bị công nghệ

Gặp gỡ Founder Joinhandmade: Dự án tai nghe thuần Việt

Vừa qua, giới chơi âm thanh trong nước được một phen nức lòng, khi một sản phẩm tai nghe hoàn toàn “Made in Việt Nam” chính thức ra đời. Với cái tên Jelly Ear, và đến từ một tên tuổi “mới toe” trong làng âm thanh là Joinhandmade, rất nhiều người tò mò rằng, liệu sản phẩm này có thực sự tốt, có thực sự đủ sức cạnh tranh với các tai nghe của các hãng lớn trên thị trường?

Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với anh Trần Mạnh Hùng, leader đồng thời là người sáng lập (founder) của dự án tai nghe thuần Việt đầu tiên này để giúp bạn đọc giải đáp nhiều thắc mắc. Cuộc trao đổi tuy không dài nhưng cũng đủ để chúng ta hiểu được tâm tư của một người trẻ với khát vọng khởi nghiệp từ đam mê (start-up). 

Yêu tai nghe thì làm thôi!

Khi được hỏi về cơ duyên đã dẫn tới ý định (và hiện tại đã thực hiện được) tạo ra một sản phẩm tai nghe thuần Việt, anh Hùng chia sẻ:

“Mình chú ý tới lĩnh vực này tính ra cũng đã được 5 năm rồi. Mình thì ghiền nghe nhạc lắm, mà lại hay đi nhiều, nên mình hứng thú với các loại tai nghe hơn là các dàn loa. Chưa kể các thiết bị di động bây giờ rẻ, phổ biến quá, làm mình lại càng thích tai nghe hơn (cười)”.

Phỏng vấn trưởng nhóm làm tai nghe thuần Việt đầu tiên

Anh Trần Mạnh Hùng chia sẻ về dự án chế tạo tai nghe Jelly Ear (Ảnh; Zing News)

“Không chỉ đồ âm thanh nói riêng mà kể cả với các loại đồ công nghệ nói chung, mình cũng đều dành một sự quan tâm nhất định. Nhưng mà đừng tưởng mình dễ tính nhé, mình chọn đồ kỹ lắm, trước khi mua phải cân nhắc, đắn đo nhiều. Đối với mình, đồ công nghệ phải vừa đơn giản, thực dụng, lại vừa phải hoàn thiện về tính năng, thiết kế. Nhiều người khó chịu khi đi mua đồ với mình, nhưng cũng có người thích. Đúng thôi, vì mỗi người một tính mà, hợp nhau thì quý, không hợp cũng chỉ khó chịu mất tí ti thôi (cười).”

Khi được hỏi là liệu có phải sự đam mê mới là mục đích chính, mục đích thương mại mới là phụ, anh Hùng không ngần ngại khẳng định:

“Chính vì mình kỹ tính trong chọn đồ nên với cái loại hàng hóa đem lại trải nghiệm cho bản thân như tai nghe, mình càng kỹ hơn. Đúng là có nhiều loại tai nghe trên thị trường, thậm chí còn nhiều cái tốt lắm, nhưng dù sao vẫn là hàng sản xuất bán ra rộng rãi, nhiều khi không thể được như đúng cái mình mong muốn. Mình cũng có chơi những tai nghe giá hàng chục triệu đồng rồi, nhưng vẫn có cái cảm giác là chưa hoàn toàn được như ý mình. Làm tai nghe đặt hàng (custom) thì giá cao, mà mình cũng không chắc chắn được chất lượng, chưa kể thời gian chờ lâu.”

Phỏng vấn trưởng nhóm làm tai nghe thuần Việt đầu tiên

Tai nghe Jelly Ear được chế tạo khởi nguồn từ đam mê

“Thế là mình quyết tâm làm tai nghe, làm để bản thân mình hài lòng cái đã. Chứ còn làm để bán ấy à, mình mới nảy ra thời gian gần đây thôi. Lúc đầu mình còn nghĩ, chắc chẳng mấy người ủng hộ sản phẩm của mình đâu mà làm, mà bán (cười)”.

Start-up tại Việt Nam, lắm gian truân

Jelly Ear, mẫu tai nghe của Joinhandmade được định giá vào khoảng 2 triệu đồng. Với đa số người dùng thông thường, không có tiêu chuẩn cao trong chất lượng âm thanh, việc bỏ một số tiền như vậy có thể nói là … rất khó. Trao đổi điều này với anh Hùng, chúng tôi nhận được câu trả lời:

“Thực ra giá 2 triệu cho tai nghe của mình có cao so với các loại tai nghe phổ thông, nhưng nếu so với các loại tai nghe chất lượng từ trung cấp trở lên của các hãng lớn, thì mình tự tin rằng con số đó hoàn toàn xứng đáng.”

“Nếu cộng cả giá thành linh kiện của chiếc tai nghe này, cộng với công chế tạo, lắp ghép và đảm bảo chất lượng đầu ra, thì bọn mình gần như chẳng có lãi với giá đấy đâu (cười). Chưa kể là bọn mình chưa có cơ sở sản xuất công nghiệp nên làm chậm lắm, có khi phải mấy ngày mới được 1 chiếc ra lò, vì cứ qua từng công đoạn hoàn thiện là bọn mình đều kiểm tra kỹ lại, nếu có sai sót là loại ngay chiếc tai đó. Tai nghe của bọn mình làm như kiểu hàng “Limited” vậy (cười)”.

Phỏng vấn trưởng nhóm làm tai nghe thuần Việt đầu tiên

Tai nghe Jelly Ear có giá 2 triệu, nhưng sẽ xứng đáng với từng đồng bạn bỏ ra!

Một dự án khởi nghiệp (Start-up) chắc chắn là luôn gặp vô vàn khó khăn trước khi dành được một thành công đáng khích lệ nào đó. Joinhandmade cũng không phải ngoại lệ.

“Khó khăn đầu tiên là sự khó tính chủ quan của chính bọn mình. Vì khó tính nên mình và các đồng nghiệp yêu cầu chất lượng rất cao trước khi một sản phẩm được bán ra, do đó số lượng bán ra ít, doanh thu vì thế cũng không cao. Theo bọn mình, việc sản phẩm được chấp nhận hay không, được mến mộ hay không là chuyện sau này, còn trước tiên, nó phải đạt được sự hoàn thiện nhất định đã. Nếu quá quan tâm tới thị trường thì sản phẩm sẽ mất đi cái riêng, cái “chất” của mình.”

Phỏng vấn trưởng nhóm làm tai nghe thuần Việt đầu tiên

Tai nghe Jelly Ear sẽ luôn mang cái "chất" rất riêng

“Startup có nhiều cái khó, nhưng ở VN mình nghĩ còn khó hơn. Trong thời gian đầu, bọn mình phải lo rất nhiều thứ, từ nhà xưởng, nhân công, đối tác phân phối,… Như thuyền nhỏ lại gặp sóng to ấy, bởi vì tiếp cận nguồn vốn ở VN khá là khó khan, chưa kể đến định kiến xã hội kiểu “hàng Việt chẳng bao giờ bằng hàng ngoại, nhái mẫu … Tuy nhiên, mình tin rồi khó khăn nào cũng sẽ qua, nếu kiên trì theo đuổi mục tiêu chắc chắn sản phẩm của mình sẽ có chỗ đứng trên thị trường!”.

Khi được hỏi về những dự định trong tương lai, anh Hùng tế nhị từ chối:

“Tụi mình còn nhiều plan lắm, nhưng hy vọng người dùng đón nhận và ủng hộ thì tụi mình mới có cơ hội đi tiếp được”.

Xin cảm ơn anh!

Đọc thêm: Hướng dẫn quấn dây tai nghe chống xoắn

Tác Gia