FBI đã nhờ tới một công ty có trụ sở tại Israel để có thể mở khóa chiếc iPhone mà cơ quan này đang nắm giữ. Trong quá khứ, công ty Cellebrite đã đảm nhận vai trò giúp đỡ cho FBI trong việc bảo mật điện thoại và khai thác dữ liệu. Nhiều khả năng Cellebrite đã tìm ra phương thức để bẻ khóa chiếc iPhone 5C đang bị FBI tạm giữ, bởi vậy, phiên điều trần giữa cơ quan này và Apple đã bị trì hoãn.
Trước đó, Apple và Chính phủ Mỹ đã đấu tranh gay gắt trước các phiên điều trần khi FBI yêu cầu nhà Táo phải mở khóa chiếc iPhone thu giữ được sau vụ thảm sát tại San Bernardino để lấy thông tin phục vụ công tác điều tra. Apple đã thẳng thừng từ chối vì hãng lo ngại sẽ tạo nên một tiền lệ không tốt trong việc bảo mật thông tin người dùng trên toàn thế giới.
FBI đã tự mình hay chính xác hơn là đã tìm được đối tác bẻ khóa iPhone mà không cần nhờ đến đội ngũ kỹ thuật viên từ Apple. Từ đó, họ cũng không cần phải tốn quá nhiều thời gian để tranh cãi Apple về vấn đề bảo mật. Tuy nhiên, ở phía Apple, họ bắt đầu lo ngại về vấn để đảm bảo an toàn thông tin dành cho khách hàng của mình.
Dưới đây là một phần trong văn bản của Bộ Tư Pháp:
"FBI đã thành công trong việc trích xuất dữ liệu chứa trong chiếc iPhone của tên khủng bố tại San Bernardino nên chúng tôi không cần sự trợ giúp của Apple. FBI đang xem xét các thông tin trên điện thoại để tiến hành các điều tra.
Tuy nhiên chính phủ vẫn đảm bảo rằng vấn đề anh ninh quốc gia và sự an toàn của người dân vẫn được duy trì. Chúng tôi sẽ theo đuổi sự việc này, bao gồm tìm kiếm các công ty bảo mật để khiến nước Mỹ trở nên an toàn hơn".
FBI không đề cập đến phương thức mà họ đã áp dụng để trích xuất được dữ liệu trên chiếc iPhone 5C trên. Nhiều khả năng, FBI cùng Cellebrite đã dùng kỹ thuật phản chiếu bộ nhớ NAND flash nhằm sao chép lại thông tin ghi lại trong chiếc iPhone. Các luật sư bên phía của Apple sẽ tiếp tục đấy tranh để ép buộc FBI tiết lộ phương thức giúp lấy được thông tin từ sản phẩm của hãng.