Tư vấn A-Z

Đóng BHYT 5 năm liên tục được hưởng quyền lợi vô cùng đặc biệt: Ai cũng nên biết để tránh thiệt thòi

Bảo hiểm Y tế 05 năm liên tục là gì?

Thời gian tham gia BHYT liên tục là thời gian sử dụng ghi trên thẻ BHYT lần sau nối tiếp lần trước; trường hợp gián đoạn tối đa không quá 03 tháng. (Điều 12 Nghị định 146/2018/NDD-CP).

Thông tin về thời gian tham gia BHYT 05 năm liên tục cũng được ghi cụ thể trên thẻ BHYT đối với đối tượng phải cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh.

Theo Quyết định 1666/QĐ-BHXH ngày 03/12/2022 thời điểm đủ 05 năm liên tục in từ ngày…/…/… tham gia BHYT đủ 05 năm liên tục theo quy định hiện hành, cụ thể:

- Những người đã có đủ 05 năm tham gia BHYT liên tục trở lên tính đến ngày 01/01/2015 thì in từ ngày 01/01/2015.

- Từ ngày 01/01/2015 trở đi, những người tham gia BHYT chưa đủ hoặc bắt đầu đủ 05 năm liên tục thì in từ ngày đầu tiên của năm thứ 6.

Như vậy, BHYT 05 năm liên tục là khi một người có thời gian tham gia BHYT 05 năm liên tục trở lên, trường hợp có gián đoạn thì tối đa không quá 03 tháng.

bao-hiem-y-te-ho-gia-dinh-1689304546.jpeg
 

Những trường hợp được nhận lại viện phí khi đóng BHYT 05 năm liên tục

Với những trường hợp đóng BHYT 05 năm liên tục sẽ nhận được quyền lợi rất đặc biệt như sau, áp dụng từ tháng 7/2023:

Theo điểm c khoản 1 Điều 22 Luật Bảo hiểm y tế, người bệnh có thẻ BHYT 5 năm liên tục khi đi khám chữa bệnh đúng tuyến sẽ được hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh trong phạm vi thanh toán của quỹ BHYT nếu có số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn 06 tháng lương cơ sở.

Với những người bệnh tham gia BHYT 5 năm liên tục sẽ được thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh, nhưng không phải lúc nào tiền viện phí cũng được trừ trực tiếp khi làm thủ tục xuất viện.

Bởi theo khoản 3 Điều 27 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, người bệnh có số tiền cùng chi trả lũy kế trong năm tài chính tại các cơ sở khám, chữa bệnh khác nhau hoặc cùng một cơ sở mà lớn hơn 06 tháng lương cơ sở thì vẫn phải thanh toán toàn bộ chi phí đồng chi trả cho bệnh viện và sau đó được cơ quan BHXH thanh toán trực tiếp số tiền cùng chi trả lớn hơn 06 tháng lương cơ sở mà người bệnh đã chi trả.

Vì vậy, khi làm thủ tục xuất hiện, người bệnh nên xem kỹ hóa đơn thu tiền, xem kỹ mục chi phí đồng chi trả với cơ quan BHXH. Nếu số tiền đồng chi trả lớn hơn 06 tháng lương cơ sở (tương đương 10,6 triệu đồng) thì người tham gia BHYT 5 năm liên tục sẽ được nhận lại một phần viện phí. Khoản tiền được hoàn trả số tiền lớn hơn 06 tháng lương cơ sở.

Đối với trường hợp người bệnh có số tiền cùng chi trả tại một lần hoặc nhiều lần khám, chữa bệnh tại cùng cơ sở khám, chữa bệnh lớn hơn 06 tháng lương cơ sở thì người bệnh sẽ không phải nộp số tiền chênh lệch so với 06 tháng lương cơ sở.

Đồng thời người này còn được cấp hóa đơn thu với số tiền cùng chi trả đủ 06 tháng lương cơ sở để không phải cùng chi trả tiền khám, chữa bệnh trong năm đó.

mua-bhyt-o-dau-1689304579.jpeg
 

Cách nhận lại tiền viện phí khi đóng BHYT 5 năm liên tục?

Theo quy định tại khoản 3 Điều 27 Nghị định 146/2018/NĐ-CP và Quyết định 896/QĐ-BHXH, nếu người bệnh có chi phí cùng chi trả trong năm (kể từ ngày tham gia BHYT đủ 5 năm liên tục) của các đợt đi khám, chữa bệnh đúng tuyến vượt quá 06 tháng lương cơ sở nhưng chưa được hưởng quyền lợi ngay tại cơ sở khám, chữa bệnh thì cần mang chứng từ đến cơ quan bảo hiểm xã hội nơi cấp thẻ BHYT để được nhận lại  tiền viện phí.

Thủ tục nhận lại tiền viện phí được hướng dẫn chi tiết như sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ, giấy tờ.

01 bộ hồ sơ đầy đủ bao gồm:

- Bản chính các hóa đơn, chứng từ có liên quan (hóa đơn, biên lai thu viện phí và các chứng từ có liên quan).

- Bản chụp các giấy tờ sau (mang theo cả bản chính để đối chiếu):

+ Thẻ BHYT và một trong các giấy tờ chứng minh nhân thân có ảnh hợp lệ (như Giấy Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân, Hộ chiếu, Thẻ Đảng viên, Thẻ Công an nhân dân, Thẻ quân nhân, Thẻ đoàn viên công đoàn, Thẻ học sinh, Thẻ sinh viên, Thẻ cựu chiến binh, Giấy phép lái xe hoặc một loại giấy tờ có ảnh hợp lệ khác) nếu thẻ BHYT chưa có ảnh.

+ Bản sao Giấy khai sinh, giấy chứng sinh trong trường hợp trẻ em dưới 06 tuổi chưa có thẻ BHYT.

+ Giấy ra viện, phiếu khám bệnh hoặc sổ khám bệnh của lần khám, chữa bệnh mà người bệnh đề nghị thanh toán.

- Trường hợp người thân đi làm thủ tục hộ người bệnh thì cần mang theo giấy tờ chứng minh là thân nhân như bản sao giấy khai sinh hoặc giấy chứng sinh hoặc giấy đăng ký kết hôn... để xuất trình cho cán bộ bảo hiểm kiểm tra.

Bước 2: Sau đó bạn nộp hồ sơ cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

Nơi nộp: Cơ quan bảo hiểm xã hội nơi cấp thẻ BHYT hoặc nơi cư trú.

Bước 3: Nhận tiền viện phí và Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm.

Thời hạn giải quyết: Chậm nhất là 40 ngày kể từ ngày cơ quan bảo hiểm xã hội nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

 

Dùng CCCD gắn chip tuyệt đối ghi nhớ điều này, nếu không muốn bị phạt 4-6 triệu đồng

Những người dùng căn cước công dân có gắn chip có thể bị phạt hành chính lên tới 6 triệu đồng nếu vi phạm những điều sau.