Nhịp sống số

Doanh nghiệp Việt làm marketing thời... hitech

Sự xâm chiếm của công nghệ vào đời sống đã mở ra những chiêu mới của giới truyền thông marketing nhằm tiếp cận thêm nhiều đối tượng khách hàng, nhất là giới trẻ.

iPad được đưa lên bàn ăn thay... menu

iPad làm thực đơn, smartphone thay hoá đơn

Xuất hiện từ giữa năm ngoái tại một nhà hàng nhỏ tại TP.Hồ Chí Minh, trào lưu đem máy tính bảng làm thực đơn đã len lỏi ra rất nhiều địa điểm khác nhau trên khắp cả nước.

Anh Trần Thạch, một khách hàng vừa chọn thực đơn trên iPad vừa cho biết: "Cách làm thế này khá thông minh bởi mỗi món ăn mình có thể đọc nhiều thông tin thú vị cũng như được ngó qua ảnh chụp để không bị chọn nhầm".

Không chỉ dừng ở đó, tại nhiều quán bar và một số địa điểm, một vài đơn vị tiếp thị rượu cũng tung ra chiêu thức quảng cáo bằng máy tính bảng bằng các game marketing trên máy hay thậm chí là quay số may mắn để thu hút khách hàng.

Lan Anh, một nữ PG cho một nhãn rượu ngoại cho biết: "Trước đây PG phải mỏi cổ đọc thông tin sản phẩm cho khách mà chẳng mấy ai nghe. Từ khi công ty truyền thông áp dụng cách làm này lượng khách ghé thăm sản phẩm nhiều hơn hẳn mà bọn em cũng đỡ nhọc công quảng cáo, giới thiệu bởi trên máy tính bảng đã có đủ hết thông tin, hình ảnh, thậm chí là cả video thuyết minh rất trực quan".

Một mã QR ấn tượng của hàng hiệu Louis Vuin

Thực tế thì với những chiếc máy tính bảng cài HĐH Android, iOS, việc đưa ra như một công cụ tương tác với khách hàng là một cách làm marketing khá trực quan và lạ mắt, thu hút được sự chú ý lớn.

Bằng việc cài đặt các ứng dụng viết sẵn dành truyền thông riêng cho sản phẩm, các công ty hay đơn vị sử dụng hình thức truyền thông kiểu mới này còn có thể nắm bắt và thu thập thông tin về khách hàng một cách chính xác thay vì cách làm rải tờ bướm hay spam qua email truyền thống.

Anh Hùng Anh, giám đốc kinh doanh một công ty truyền thông cho biết: "Ghi nhận sau 6 tháng triển khai thử nghiệm các hình thức truyền thông bằng máy tính bảng thì khách hàng quan tâm tăng tới hơn 80% cũng như tiếp thu thông tin về sản phẩm tốt hơn là các phương thức truyền thông thông thường".

Theo anh Từ Thắng, thành viên một diễn đàn công nghệ thì việc marketing bằng các thiết bị hitech đã phát triển từ rất lâu, mà điển hình là tại Trung Quốc: "Tại Quảng Châu, nhiều nhà hàng có các tiếp viên đi patin, dùng PDA và đeo tai nghe Bluetooth để ghi order của khách và gọi món trực tiếp tới bếp. Danh sách món ăn ghi xong sẽ được gửi thẳng về hệ thống thu ngân để lập hoá đơn tính tiền".

Không dừng ở các thiết bị di động, hitech marketing còn len lỏi bằng các phương thức ngộ nghĩnh khác như các mã QR. Dựa trên khả năng quét mã QR để trích xuất đường dẫn, rất nhiều doanh nghiệp Việt hiện nay đang gia tăng truyền thông bằng cách này.

Mã QR được sử dụng cách điệu sẽ hỗ trợ truyền thông số rất tốt

Chị Mai Lan, phụ trách truyền thông của một thương hiệu giải khát cho biết: "Sản phẩm của mình hướng đến giới trẻ nên cách marketing cũng phải mới mẻ, khác lạ. Theo mình nghiên cứu thì các mã QR có thể trình bày bằng rất nhiều hình ảnh đồ hoạ ấn tượng, rất 'teen' nên bên mình chọn cách làm này để tổ chức các chương trình như phát mã khuyến mại hay các đường dẫn đặc biệt cho khách hàng".

Viết tắt của Quick Response, mã QR là tổ hợp mã hoá được sắp xếp logic và có thể scan qua camera của các dòng máy smartphone như Nokia, Apple, Samsung...QR được sử dụng rộng rãi và thuận tiện nhằm tối giản các đường dẫn, mã hàng thay vì phải sử dụng các cấu trúc văn bản thông thường.

Đắt xắt ra miếng

Thoạt tiên, ai cũng cho rằng cách làm marketing kiểu này có chi phí đắt hơn nên đại đa số khách hàng khi được các đơn vị truyền thông chào giáaacute; đều e ngại. Tuy nhiên, một thống kê gần đây cho thấy, nhiều khách hàng tỏ ra thích thú với cách làm mới mẻ này cũng như hiệu quả truyền thông ghi nhận tăng vọt, đánh trúng đối tượng và tâm lí người dùng.

 

 

Tại nhiều nhà hàng sử dụng iPad, smartphone làm thực đơn, ghi order, số lượng khách hàng quay trở lại nhiều hơn cũng như nhiều người còn đưa thêm bạn bè đến quán để trải nghiệm phong cách phục vụ kiểu mới.

Anh Thành Thái, chủ một công ty phần mềm cho biết: "Trước đây tôi nhận đơn đặt hàng thiết kế phần mềm game trên iOS cho một đơn vị nước ngoài. Đơn vị này dùng phần mềm game như một cách quảng bá cho sản phẩm mới về may mặc của họ và thử nghiệm cho thấy lượt tải từ AppStore về máy ứng dụng này là rất lớn vì nó hoàn toàn miễn phí, đồng nghĩa với việc có hàng chục nghìn khách hàng biết đến thương hiệu và toàn đối tượng từ trung đến cao cấp - vì là người dùng thiết bị Apple".

Theo sếp một công ty truyền thông thế hệ mới tiết lộ, chi phí thuê nhân công Việt Nam viết những phần mềm client cho các hệ máy smartphone như Android, iOS là không đắt. Chỉ khoảng từ 20 đến 40 triệu là đã có một phần mềm tương tác tương tự như một game và sau đó chỉ việc đưa lên kho dữ liệu qua một vài bước xét duyệt là đã trở thành một công cụ truyền thông có sức lan toả cao.

Chị Mai Lan cũng cho biết: "Tổng chi phí cho việc thiết kế mã QR chưa đến 10 triệu, trong khi đó sử dụng có tính tương tác cao. Nếu thiết kế tờ rơi hay một banner quảng cáo thì chi phí cũng chả rẻ hơn là bao, chưa kể còn thuê người rải, không đúng đối tượng cần tiếp cận".

Bằng việc ứng dụng những công nghệ cao vào truyền thông, quảng bá các doanh nghiệp Việt đã và đang tiếp cận được khách hàng một cách văn minh và hiệu quả hơn rất nhiều thay vì những quảng cáo thô thiển phong cách "loảng xoảng", "lải nhải", "hàng đầu Việt Nam" như hiện nay.