id="post_message_15053705">
Như đã nói trước đó, phần II của bài này là viết về Sony và tôi đã cố gắng viết trước so với bài bên kia để đăng lên nhằm không gây mất hứng cho nhiều bạn sau khi đọc phần đầu. Trong phần đầu tôi chỉ tóm tắt sơ lược các giai đoạn hình thành cùng các sản phẩm thành danh của các người khổng lồ trong công nghiệp điện tử của Nhật. Do Sony có một ý nghĩa khác quan trọng hơn đối với người Nhật (và có thể cả châu Á) so với các công ty được nói đến trong phần đầu nên tôi muốn dành nguyên một phần chỉ để nói về họ. Cũng vì có quá nhiều thứ nói về công ty này, dùng cả phần cũng nói không hết nên xin lược bỏ bớt một số chuyện như nói về game, âm nhạc, điện ảnh, camera của Sony.
Thành thật cáo lỗi khi tôi không thể đi thăm tòa nhà "Tài liệu lịch sử của Sony" để có thể chụp các loại máy sẽ nói trong bài do vấn đề thời gian. Đành tìm kiếm trên mạng vậy. Cám ơn các lời cổ vũ cùng một số chia sẻ kinh nghiệm của mọi người. Tuy cũng có một vài bạn đọc phần I mà cứ soi mói vào vấn đề chính trị, so sánh qua lại không cần thiết cho tinhte.vn. Hi vọng trong phần này không còn ai bàn đến vấn đề này nữa. Cám ơn.
Phần II - Sony: một chú nhóc nghèo nàn không tên tuổi lại có thể làm cả thế giới công nghiệp điện tử chạy theo gót mình.
1. Masaru Ibuka và Akio Morita
Do lịch sử của Sony rất dễ dàng tìm thấy trên Wikipedia hay trên google nên tôi sẽ không nói lại những việc này, mà nói đến những việc ít ai tìm hiểu tới.
Đa số nhiều người Việt chỉ biết Sony do Akio Morita là người thành lập chính của Sony, ít ai để ý đến nhân vật cùng ông thành lập Sony là Masaru Ibuka. Nhưng thật sự thì Ibuka mới là người thành lập nên công ty tiền thân của Sony với tên gọi là "Tokyo Stushin Kenkyujo" vào tháng 10 năm 1945 cùng với các chiến hữu của ông từ tỉnh Nagano lên Tokyo. Công ty (chính xác phải gọi là phòng nghiên cứu) này được thành lập chủ yếu do các chàng trai đầy nhiệt huyết với việc Nhật vừa kết thúc chiến tranh, nơi nơi đều bị tàn phá, họ muốn làm cái gì đó cho đất nước họ với những kỹ thuật mà họ đang có trong tay, do đó thủ đô Tokyo là nơi họ muốn lập nghiệp. Khi còn trẻ Ibuka đã từng học đại học Waseda tại Tokyo, lúc chiến tranh nổ ra ông phải lánh nạn về lại Nagano nên ông khá quen thuộc với nơi này. Ibuka đã nói rằng ông cùng vài người bạn sau khi thuê được một văn phòng tàn tạ vì bị dội bom trước đó ở tầng ba của một cửa hàng thương mại tại Nihonbashi (ngay trung tâm Tokyo ngày nay), lại không biết phải bắt đầu làm gì, tạo ra cái gì để giúp mọi người. Ngoài ra trong một vài tháng đầu Ibuka phải lấy tiền dành dụm của mình để trả lương nhằm duy trì hoạt động ban đầu. Rất may cho họ là thời điểm này người Nhật rất thiếu thốn về tin tức, thông tin thế giới ra sao sau khi vừa kết thúc chiến tranh. Những chiếc radio công cộng thì đại đa số đều bị hư do ảnh hưởng bom nổ, còn không nếu trong nhà có cũng không thể nghe do trước đó quân đội của họ đã cắt hết các tầng số ngắn của sóng radio nhằm ngăn chặn việc tuyên truyền của quân địch, đây là cơ hội cho Ibuka và ông đã biến công ty này thành trạm sửa chữa radio, họ đã phát triển ra một loại converter hay adapter chuyển đổi tầng số ngắn bị cắt đó để có thể nghe được bình thường.
Việc làm ăn của Tokyo Tsushin Kenkyujo bỗng trở nên khá lên và dần được nhiều người biết tới. Nhờ đó, công ty này đã được tờ báo Asahi viết về việc làm của họ trong column "Aoi Empitsu" của tờ báo. Đây là cái cầu kết nối Ibuka cùng người bạn Akio Morita lần thứ hai với nhau, khi đó Morita đang ở tỉnh Aichi đã đọc mục bài báo Asahi viết về công ty của bạn mình. Do Morita có được việc làm trong trường Tokodai (đại học công nghiệp Tokyo), nên ông viết thư cho Ibuka cho biết mình sắp lên Tokyo và được Ibuka trả lời ngay lập tức với nội dung mời Morita tham quan Tokyo Tsushin Kenkyujo. Thời gian đầu do công ty nhận rất nhiều gạo mỗi lần đến nhà nào đó sửa chữa radio coi như là thay cho tiền dịch vụ, điều này khiến Ibuka nghĩ đến việc tạo ra một sản phẩm điện tử nào đó hữu ích cho đời sống, và sản phẩm đầu tiên của Sony (tên gọi sau này của Tokyo Tsushin Kenkyujo) lại là cái nồi cơm điện. Đây cũng là sản phẩm thất bại đầu tay của Sony mà ít ai biết tới. Khi bạn nhìn vào hình ảnh của cái nồi cơm điện này so với nồi cơm điện do Toshiba sáng chế đầu tiên sẽ có thể hiểu được tại sao nó là sản phẩm thất bại.
Thất bại đầu đời của Sony
Sau khi Morita bị Ibuka thuyết phục cùng ông thành lập một công ty chính thức sau khi Ibuka đã kiếm được một chút vốn liếng ít ỏi sau vài tháng sửa chữa radio, ngày 7 tháng 5 năm 1946, Tokyo Tsushin Kenkyujo đổi tên thành Tokyo Tsushin Kougyo (ToTsuKo) với 20 nhân viên cùng tiền vốn khoảng ¥190,000. Nếu bạn còn nhớ giá tivi trắng đen đầu tiên của Sharp năm 1953 giá tới ¥175,000 thì có thể thấy được thời điểm năm 1946 với chỉ ¥190,000 thì Sony "nghèo" như thế nào so với các công ty khác cùng thời điểm. Theo những gì tôi từng học, thì mệnh giá năm 1946 so với năm 2008 chênh lệch khoảng 35 lần, tức thời điểm năm 2008 là khoảng ¥6,650,000. Con số này đổi ra mệnh giá năm 2008 thì thấy tương đối lớn, nhưng tại thời điểm đó thì chỉ đủ để mua tivi trắng đen của Mỹ hay châu Âu thôi. Tuy nhiên, Ibuka đã nhấn mạnh mục tiêu khi thành lập công ty này trong bài phát biểu của mình: "Chúng ta không thể nào làm những việc mà các công ty lớn đang làm vì không thể nào đối chọi lại. Tuy nhiên, nói đến kỹ thuật thì chúng ta chắc chắn có nhiều và không thua. Chúng ta sẽ làm những việc mà các công ty lớn không thể làm, dùng sức mạnh kỹ thuật của chúng ta để giúp ích cho việc khôi phục đất nước".
Với số vốn "không thể nghèo hơn", vì vậy mỗi người trong ToTsuKo đều hiểu rằng họ chỉ có hai thứ vũ khí trong tay chính là "kỹ thuật" và "trí óc" để bắt đầu với công ty nhỏ này, nơi mở ra một trang mới trong đời họ, nơi mà không ai nghĩ chỉ sau 25 năm tham gia vào ngành công nghiệp điện tử, công ty nhỏ không tên tuổi này trở thành một tượng đài ở Nhật Bản, và sau thêm 10 năm, công ty này được xem là đại diện xuất sắc nhất của châu Á trong ngành công nghiệp điện tử của thế giới trong suốt hơn ba thập kỷ.
2. "Nó đây! Đây là thứ chúng ta muốn làm!"
Thời điểm năm 1946, tại Nhật đã có những tượng đài như Toshiba, Matsushita, JVC, Sharp, NEC, Fujitsu, Hitachi với nhân lực dồi dào cùng kinh nghiệm phong phú trong nghiên cứu và chế tạo sản phẩm điện tử. Tuy cũng ảnh hưởng do chiến tranh gây ra, nhưng các công ty này vẫn còn đủ vốn liếng để vực dậy các khâu sản xuất của mình. Họ còn hiểu hơn ai hết, đây chính là thời điểm có thể giúp họ vươn lên so với các đối thủ cạnh tranh khác. Anh nào nhanh tay lẹ chân khôi phục lại sản xuất cùng việc tạo ra những thứ mới mẻ khác sẽ là người chiến thắng. Điều này cho thấy ToTsuKo không hề có được sự dễ dàng khi họ bước vào thế giới của công nghiệp điện tử tại Nhật. Quá khó cho một công ty vừa thành lập với chỉ 20 người cùng vốn liếng ít ỏi này chen chân cùng cạnh tranh với các hãng lớn kia.
Ibuka và Morita là hai người lèo lái chính của công ty non trẻ thời gian đầu này, mỗi ngày họ chia ra xem xét những sản phẩm đã tương đối phổ biến và những ý tưởng chưa ai quan tâm nhiều tới. Do lúc đầu chủ yếu sửa radio và làm các bộ converter chuyển sóng là chính, nên hai người cũng chỉ lẩn quẫn quanh các ý tưởng liên quan tới đài phát thanh NHK (sau này vừa phát thanh vừa là đài truyền hình chính của Nhật) sau vài chuyến thăm của Ibuka tới đây. Họ muốn làm ra một sản phẩm không chỉ dành cho NHK sử dụng, mà còn phải được phổ biến rộng rãi khắp nơi, không ngờ cả hai cùng có ý tưởng về dây ghi âm (wire recorder). Họ được một người bạn kỹ sư bên phía NEC đem tới một cái máy ghi âm bằng dây ghi âm bị hư được quân đội Nhật sử dụng lúc trước sau khi người này tìm kiếm được, ngoài ra một bạn người Mỹ của Morita cũng gởi tới máy ghi âm Webster. Cả công ty chỉ có một việc làm duy nhất lúc đó là chú tâm vào việc tìm hiểu nguyên lý hoạt động, cấu tạo máy cùng cách ghi âm của loại dây này sau khi tháo banh chành ra.
Trong thời gian nghiên cứu dây ghi âm này, do công việc đặc thù mà Ibuka và Morita thường xuyên lui tới tòa nhà của NHK gần đó, và một ngày nọ, một thành viên của chương trình CIE (Civil Information and Education) đã cho hai người xem qua một loại băng ghi âm lạ hoắc. Sau khi nghe thử, Ibuka liền thốt lên "Nó đây! Đây là thứ chúng ta muốn làm. Đây sẽ là sản phẩm thương mại đầu tiên của chúng ta. Từ giờ chúng ta sẽ làm loại băng tape này". Bỗng chốc Ibuka bỏ ra khỏi đầu về dây ghi âm (wire recorder) đang nghiên cứu giữa chừng của họ. Thời điểm này tape recorder là thứ xa xỉ cực kỳ, ở Mỹ cũng chỉ vừa mới sản xuất ra được, trong nước Nhật thì hầu như chưa ai nghe nói tới và cũng không ai nghĩ sẽ sản xuất nó tại Nhật (tất nhiên trừ những người đang sử dụng ở NHK là tiếp xúc với loại tape này), tài liệu tham khảo gần như zero. Họ chỉ biết vẻn vẹn một câu được viết trong một quyển sách tại Nhật: năm 1936, công ty AEG của Đức đã phát minh ra được máy ghi âm sử dụng băng tape nhựa được phủ một loại từ tính.
Nhưng chỉ cần khoảng 1 năm kể từ lúc Ibuka nhận ra sự quan trọng của tape recorder sau khi được NHK cho xem, các kỹ sư của ToTsuKo đã làm điều thần kỳ khi họ chính thức thành công sản xuất ra sản phẩm mẫu vào tháng 9 năm 1949. Đến tháng 1 năm 1950, ToTsuKo chính thức giới thiệu máy ghi âm tape recorder đầu tiên của Nhật (cũng là của châu Á) lấy tên G-type (G viết tắt cho government), mở ra kỷ nguyên mới cho nước Nhật sau này trở thành nơi đầu đàn cho các phát minh về băng từ, dĩa ghi âm trên thế giới. G-type tuy khá mắc (¥160,000 thời đó) và nặng (34kg) nhưng lại nhận được mọi lời khen ngợi bởi chất lượng âm thanh cùng sự nhỏ gọn của nó (về kích cỡ). Sau khi giới thiệu G-type, Ibuka và Morita đã nhanh chóng đi đăng ký nhãn hiệu tapecorder của mình. Từ đó đến lúc loại tape này không còn dùng, bất kỳ hãng nào tại Nhật sản xuất tape này đều phải bắt buộc ghi dòng chữ "tapecorder" trên đó. ToTsuKo đã lấy tên Soni-tape để quảng bá sản phẩm tapecorder của mình. Cũng từ đây, hướng kinh doanh đầu tiên của Sony chính thức được hình thành.
G-type, thành công đầu tiên của ToTsuKo
3. SONUS - SONNY -SONY
Lúc này ToTsuKo vẫn chỉ là công ty vô danh ít người biết đến, chỉ những ai trong nghề mới biết cái tên lạ lẫm này. Nhưng mà dần dần ToTsuKo cũng thu hút được một số nhân tài trong ngành về làm việc với mình nhờ sự giới thiệu qua lại giữa bạn bè với nhau. Nhờ vậy mà ToTsuKo đã nhanh chóng cho ra đời máy tape recorder thứ 2 mang tên H-1 (H là viết tắt cho home) dành cho người dùng trong gia đình với kích thước cùng trong lượng gọn nhẹ hơn vào năm 1951.
Ở ToTsuKo lúc này, Morita nhận trách nhiệm tuyên truyền và quảng bá sản phẩm của họ, các máy tape recorder bỗng trở thành một hiện tượng tại vùng Kyushu (nằm giữa Okinawa và Honshu), họ bán rất chạy tại đây. Nhưng điều đó không làm Morita vui mừng mà ngược lại, ông cho rằng: ToTsuKo sẽ phá sản nếu tập trung bán sản phẩm tại Kyushu, cũng tương tự vậy nếu họ chỉ tập trung vào 1 vùng như Tokyo chẳng hạn, ngoài ra nếu tape recorder của họ chỉ bán trong nước Nhật thì nguy cơ bị chèn ép trong kinh doanh so với các công ty khổng lồ khác càng lớn hơn, ToTsuKo cần phải mở rộng thị trường ra thế giới, "thị trường thế giới sẽ an toàn hơn cho ToTsuKo so với tại Nhật". Cách nghĩ này của Morita có thể nói là khá mới mẻ trong ngành khi ai cũng biết thời điểm đó chỉ có các công ty của phương Tây và Mỹ mới làm điều này. Các công ty gạo cội trong ngành tại Nhật cũng chỉ lẩn quẩn cạnh tranh nhau tại thị trường nội địa, một phần nguyên nhân cũng do các công ty này thành lập và lớn mạnh trong giai đoạn nhạy cảm là trước chiến tranh thế giới lần thứ nhất hay lần thứ hai. Thời điểm Morita có ý nghĩ này cũng chỉ cách chưa tới sáu, bảy năm sau chiến tranh, nên việc mở rộng thị trường ra thế giới là việc nguy hiểm đối với các công ty này, do quy mô của họ rất dễ bị đánh sập bởi các tên tuổi lớn của phương Tây. Khi Ibuka và ông nhận được patent về phát minh tapecorder do công ty này làm ra, cả 2 đều hiểu việc nhận patent này đồng nghĩa với việc khi thời hạn độc quyền cho patent kết thúc chỉ vài năm ngắn ngủi, cũng là lúc các ông lớn như Toshiba, Matsushita, Mitsubishi, Hitachi, JVC sẽ nhảy vào sản xuất hàng loạt và ToTsuKo sẽ bị biến mất trên thị trường bởi tầm vóc cùng tên tuổi nhỏ bé của họ.
Máy nhỏ bên phải là H-1
Cả hai đều nghĩ đến thị trường đầu tiên bên ngoài Nhật là Mỹ. Nhưng không phải muốn bán gì là bán, bởi tên tuổi của ToTsuKo tại Nhật quá nhỏ bé, ngoài việc duy nhất là nhà phát minh ra tape recorder đầu tiên tại đây, thì không ai biết gì đến họ nếu so với các hãng kia. Tháng 3 năm 1952, Ibuka quyết định sang Mỹ để tìm hiểu xem thị trường tương lai của họ cần gì cũng để học hỏi những kỹ thuật của xứ bản địa. Ibuka nhận ra rằng công nghệ transistor đang từ từ nở rộ tại Mỹ. Ngoài ra thời điểm này Mỹ mới sử dụng công nghệ transistor trong các sản phẩm trợ thính trong ngành y học với sóng tầng số cực thấp. Quay lại Nhật, Ibuka cùng Morita quyết định tham gia vào sản xuất công nghệ transistor, ông ngay tức khắc yêu cầu MITI (Bộ Thương Mại và Công Nghiệp) cấp giấy phép cho họ sản xuất transistor, nhưng ToTsuKo chỉ nhận được câu trả lời ngắn gọn: "Công ty nhỏ và không tên tuổi như vậy làm sao có thể sản xuất được transistor".
Thời điểm này chỉ có các tên tuổi lớn như Toshiba, Mitsubishi hay Hitachi mới đủ khả năng sản xuất transistor tại Nhật cung cấp cho chính phủ, đủ thấy đây là công nghệ phức tạp khó khăn ra sao. Có lẽ chúng ta sẽ không có một Sony như ngày nay nếu như Ibuka không nhận được bức thư từ công ty Western Electric tại New York với nội dung là sẽ cấp phép cho ToTsuKo được quyền tham gia sản xuất transistor. Đây được xem là thành quả quý hơn vàng sau chuyến qua Mỹ của Ibuka. Cũng phải nhờ sự thuyết phục của người bạn Suzuki của Ibuka bên đó (sau này đã gia nhập vào ToTsuKo). Nhưng tại sao một công ty lớn của Mỹ lại để mắt tới một công ty có quy mô nhỏ hơn họ gấp ngàn lần? Lý do khiến Western Electric có quyết định này chính là việc ToTsuKo đã tự chế tạo ra tapecorder và tape recorder chỉ với kỹ thuật và óc sáng tạo của khoảng 20 người mà không hề có được sự trợ giúp kỹ thuật từ bất kỳ công ty nào. Việc này khiến Western Electric thấy được tiềm năng của ToTsuKo (Người Nhật vẫn thua người Mỹ ở khoảng nhận ra tiềm năng). Tháng 8 năm 1953, đến phiên Morita sang Mỹ nhận giấy phép sản xuất transistor cùng tìm hiểu thị trường này. Sau khi tới Mỹ, ông đã sững sờ với sự rộng lớn cùng sự hiện đại tại đây, trong đầu Morita lúc này chỉ nghĩ "Tại sao Nhật lại gây chiến với đất nước khổng lồ này?". Sau đó ông sang Đức và Hà Lan trong chuyến đi ba tháng tìm hiểu thị trường đồ điện của Mỹ và châu Âu. Chuyến đi đến châu Âu giúp Morita hiểu ra một điều: Nhật so với các nước châu Âu lớn hơn nhiều về diện tích, nhưng nhìn vào các hãng nổi danh cả thế giới như Philips trong một đất nước Hà Lan nhỏ xíu chẳng hạn, không lý do gì Nhật lại không có một hãng nào tung hoành trên thế giới như châu Âu.
Sau khi về nước tìm đủ mọi cách để nhận được giấy phép từ MITI, mãi đến cuối năm 1953 họ mới có được con dấu từ MITI và bắt đầu đi vào sản xuất. Ngoài việc ToTsuKo phải chứng minh rằng họ có thể sản xuất được transistor theo công nghệ của riêng họ, vấn đề quan trọng khác được đặt ra là dùng công nghệ transistor để sản xuất gì? Ngay lập tức người đưa ra ý kiến là Ibuka: "Sản xuất radio". Ibuka nhấn mạnh rằng chỉ có sản xuất ra sản phẩm có thể bán đại trà thì họ mới thành công trong lĩnh vực transistor này, và radio là sản phẩm dễ sản xuất đại trà nhất. Tuy nhiên các bạn cần nhớ lại rằng thời điểm này chưa từng ai làm radio sử dụng transistor hết, công nghệ transistor mới mẻ này cũng chỉ duy nhất có Mỹ sử dụng trong máy trợ thính của y học, nên không ngạc nhiên khi ai cũng ngớ người ra khi Ibuka nói ý kiến của mình. Không riêng gì các thành viên trong ToTsuKo nghi ngờ việc có thể chế tạo radio transistor, hầu như mọi người trong ngành công nghiệp của Nhật đều thẳng thừng cho rằng: ngay cả nơi xuất phát transistor là Mỹ còn chưa làm ra được radio này thì một công ty nhỏ bé như ToTsuKo chỉ nằm mơ mà thôi.
Nhưng ToTsuKo lại làm thêm điều thần kỳ mới! Họ liên tục phát triển và thành công trong khi nghiên cứu chế tạo ra sản phẩm này. Nhưng không may, tháng 12 năm 1954, bên Mỹ thông báo có một công ty của họ đã chế tạo ra được radio sử dụng transistor đầu tiên trên thế giới, Radio TR-1 này sử dụng 4 transistor. Nếu họ may mắn hơn không gặp sự cản trở của MITI trong việc cấp phép, thì chắc chắn danh hiệu này hoàn toàn nằm trong tầm tay của ToTsuKo (từ lúc Ibuka bị từ chối cấp phép tới lúc nhận được cái gật đầu của MITI là mất hơn 1 năm trời). Bởi chỉ đúng một tháng sau, tức tháng 1 năm 1955, sản phẩm mẫu hoàn thiện của ToTsuKo mang mã hiệu TR-52 ra đời và sử dụng tới 5 transistor. Nhưng do vấn đề liên quan đến nhiệt độ mà miếng thép phía trước bị rớt ra hàng loạt máy vừa sản xuất, nên sản phẩm này không được thương mại hóa.
Tháng 2 năm này, Morita quyết định thay đổi tên logo trên sản phẩm của họ nhằm bước đầu mở rộng bờ cõi cho công ty, cũng bởi lẽ chẳng ai có thể đọc được cái tên dài ngoằn "Tokyo Tsushin Kougyo" hay "ToTsuKo" ngoài người Nhật. Morita dựa theo tên sản phẩm đầu tay của họ là Soni-tape, kết hợp với chữ SONUS của tiếng Latin (đồng nghĩa với SOUND hay SONIC trong tiếng Anh) và từ SONNY, với ý nghĩa là chú nhóc nhỏ. Nhưng theo Morita, SONNY không chỉ mang ý nghĩa nhỏ bé, mà ở đây "nhỏ nhưng có võ", tuy là công ty nhỏ nhưng có thể tạo ra các sản phẩm chấn động cả thế giới bởi những người đầy tâm huyết. Từ đây chữ SONNY được rút lại thành SONY, và đây có thể nói là cái tên dễ đọc và dễ nhớ nhất của ngành công nghiệp điện tử Nhật Bản. Đến tháng 9 năm 1955, ToTsuKo chính thức bán ra radio TR-55 bán dẫn transistor đầu tiên của châu Á, đây cũng là sản phẩm đầu tiên mang logo SONY của công ty.
SONY TR-52 SONY TR-55
Đoạn lịch sử này nói ra chỉ đơn giản trong vài dòng, nhưng nếu bạn chịu khó suy ngẫm lại sẽ thấy thật sự "sợ hãi và phục sát đất" với thành quả của ToTsuKo giai đoạn này. Phương Tây phát minh ra transistor năm 1947, Mỹ đưa vào sử dụng trong y học hơn 6 năm mới có thể chế tạo ra radio transistor năm 1954. Nhưng ToTsuKo chỉ mất hơn 1 năm 2 tháng là làm được sản phẩm mẫu TR-52 và thêm 7 tháng sau họ đã có thể chế tạo ra chiếc radio transistor TR-55 thương mại hoàn chỉnh chỉ với kỹ thuật cùng sự hiểu biết về transistor của riêng họ. Cần nhắc cho bạn biết rằng Western Electric chỉ cấp phép cho ToTsuKo tham gia sản xuất transistor với điều kiện "không nhận được bất kỳ sự giúp đỡ nào về công nghệ từ Western Electric". Càng kính phục họ hơn khi Regency bán ra chiếc radio transistor TR-1 đầu tiên không phải do Regency hoàn toàn làm ra, mà họ mua transistor của Texas Instruments về nghiên cứu gắn vào radio, còn TR-55 của ToTsuKo do chính họ làm từ A tới Z.
4. Bước đầu tung hoành trên xứ người
Thời điểm TR-55 được ToTsuKo bán ra đã bị khuyến cáo sẽ chẳng thể chen chân vào thị trường này vì gần 74% dân Nhật đều sở hữu radio. Nhưng ToTsuKo đem tới radio hoàn toàn khác hẳn với loại radio dây cord cồng kềnh và lỗi thời lúc đó, họ đã thành công tuyệt đối với sản phẩm này. Tuy nhiên, Morita lại không thể làm gì với thị trường Mỹ khi đó. Sau khi ông giới thiệu sản phẩm mẫu TR-52 cho công ty sản xuất đồng hồ nổi tiếng Bulova của Mỹ trong chuyến giao hàng tapecorder bên đó, họ chấp nhận mua khoảng 100,000 cái trừ khi ToTsuKo bỏ logo SONY và thay bằng tên công ty họ. Điều này dễ hiểu bởi SONY hay ToTsuKo ngoài Nhật ra thì không ai biết tới, còn Bulova đã có 50 năm danh tiếng tại Mỹ. Morita đã gọi điện hỏi Tokyo về việc này và nhận được trả lời rằng "bỏ nhãn hiệu, chấp nhận bán ra để lấy vốn". Nhưng Morita lại quyết định từ chối đề nghị của Bulova. Với ông, cái tên SONY đại diện cho thành quả của họ, và Sony cũng chẳng thể cất cánh nỗi nếu hướng kinh doanh của họ thay đổi chỉ núp bóng các thương hiệu lớn. Đây là quyết định chính xác tuyệt đối của Morita và ảnh hưởng tới toàn bộ ngành xuất khẩu điện tử của Nhật.
Năm 1957, ToTsuKo cho ra đời radio transistor nhỏ nhất thế giới TR-63. Đây là sản phẩm bán ra đầu tiên tại Mỹ và được người Mỹ gọi là "pocket radio" bởi TR-63 có thể bỏ túi dễ dàng. Ngày nay trong từ điển tiếng Anh, từ "pocketable" được dùng rộng rãi chính là bắt nguồn từ chiếc radio này. TR-63 được chào đón nhiệt liệt tại Mỹ và Nhật đến nỗi giữa chừng ToTsuKo phải tuyên bố ngừng bán tiếp do sản xuất không theo kịp nhu cầu. Một năm sau chiếc radio transistor thứ 3 của họ là TR-610 với kích thước nhỏ hơn cả TR-63 và lần này ngoài Mỹ, cái tên SONY chính thức bay tới châu Âu.
SONY TR-63 SONY TR-610
Không ai khác ngoài Morita là người hiểu rõ nhất tầm quan trọng của cái tên SONY đối với ToTsuKo ra sao. Thời điểm này tất cả các công ty sản xuất transistor hay radio của Nhật chỉ có thể bán sản phẩm của họ cho Mỹ hay châu Âu dưới cái tên của nhãn hiệu bản địa, ngoại trừ Nikon và Canon (xin xem phần III để biết tại sao). Ngoài thị trường camera, dòng chữ "Made in Japan" ghi trên các loại sản phẩm khác tại Mỹ hay châu Âu đại diện cho loại sản phẩm rẻ tiền, dỏm. ToTsuKo muốn phá vỡ định kiến đó, họ muốn SONY là cái tên được biết đến và được ngưỡng mộ toàn cầu. Cuối năm 1957, tấm bảng gắn những bóng đèn neon quảng cáo ghi dòng chữ SONY đầu tiên được treo tại Sukiyabashi gần trung tâm Ginza, nơi nổi tiếng phồn thịnh và đắt đỏ nhất của Nhật (cùng với Marunouchi nằm kế bên là hai nơi có giá đất và văn phòng cho thuê mắc nhất thế giới trong gần 10 năm qua).
Kể từ đó cái tên SONY được biết đến khắp nơi tại Nhật, dẫn đến việc ToTsuKo dần ít người biết tới nên Morita và Ibuka quyết định đổi luôn tên công ty từ Tokyo Tsushin Kougyo thành Sony tháng 1 năm 1958. Cái tên Sony càng trở nên nổi tiếng khi hãng âm thanh lừng danh Agrod của Mỹ chấp thuận làm đại lý chính thức bán radio SONY cho ToTsuKo (từ đây xin gọi là Sony) vào năm 1957. Nhờ đó, SONY được biết tới như là nhãn hiệu radio transistor cao cấp tại thị trường này.
Bảng hiệu quảng cáo đầu tiên của Sony
Không biết Sony xui xẻo hay may mắn khi vừa mới ký hợp đồng vài tháng, họ bị ăn cắp 4000 máy radio tại kho hàng Delmonico vào tháng 1 năm 1958, gây thiệt hại cho Sony gần 100,000$. Tuy nhiên, trong kho hàng chỉ duy nhất sản phẩm của Sony bị mất, các radio của hãng khác đều không bị lấy, dẫn đến việc người Mỹ cho rằng Sony đã dựng vỡ kịch này nhằm nổi tiếng. Quả thật sau khi New York Times đưa tin "4000 máy radio SONY bị đánh cắp" thì hầu như toàn nước Mỹ đều biết tới Sony. Chẳng ai biết radio SONY bị trộm thiệt hay giả, nhưng tại Tokyo, Ibuka phải làm cật lực sản xuất 4000 cái radio khác rồi gởi lại kho hàng cho kịp giao tới khách hàng.
Tháng 2 năm 1960, Sony là thành lập chi nhánh Sony Corporation of USA, đây là công ty đầu tiên của Nhật thực hiện việc này. Ba tháng sau, tức tháng 5 năm 1960, Sony gây sửng sốt cho cả ngành công nghiệp điện tử thế giới khi họ cho ra đời chiếc tivi sử dụng công nghệ transistor đầu tiên trên thế giới mang mã hiệu TV8-301. Đây được xem là thành quả lịch sử của riêng Sony, của riêng nước Nhật và của cả châu Á trong việc cạnh tranh phát minh công nghệ điện tử tiêu dùng với Mỹ và phương Tây. Có lẽ không một ai trong công ty Western Electric và trong MITI khi cấp phép sản xuất transistor cho Sony cuối năm 1953 lại có thể ngờ một công ty không tên tuổi nhỏ bé lại làm được những thứ này. Tuy nhiên, do thời điểm này tivi là thứ hàng rất xa xỉ so với radio, nên việc người ta mua một chiếc tivi bình thường có màn hình lớn một chút để nhiều người cùng xem so với cái TV8-301 cao cấp, đắt tiền nhưng màn hình nhỏ (TV8-301 thuộc dòng tv portable hoàn toàn chưa hề xuất hiện thời điểm này) đã khiến cho đứa con đáng tự hào của Sony không được lưu hành trên thế giới và phải chết yểu. Hai năm sau, Sony mở ra cửa hàng showroom đầu tiên của họ tại đại lộ số 5, New York, bắt đầu quá trình tự giới thiệu, tự bán hàng của riêng họ mà không qua gián tiếp. Từ đây Sony chính thức thay đổi quan điểm của phương Tây đối với dòng chữ "Made in Japan" trong toàn bộ ngành công nghiệp hiện đại trên thế giới (lúc trước chỉ duy nhất Nikon và Canon được xem là cao cấp và chất lượng). Dòng chữ "Made in Japan" kể từ cuối thập niên 60 khi Nhật đã trở thành cường quốc thứ hai của thế giới về kinh tế, được xếp ngang hàng về chất lượng với "Made in USA" của châu Mỹ và "Made in Germany" của châu Âu trong công nghiệp điện tử. Sony và Akio Morita được xem là ông tổ hay người có công lớn nhất đưa dòng chữ này đại diện cho các sản phẩm tinh hoa và cao cấp nhất của châu Á trong gần như mọi ngành nghề của xã hội hiện đại.
SONY TV8-301
5. Sony - Thành công nhiều, thất bại nhiều
Phần này xin sơ lược các sản phẩm nổi trội của Sony, kể cả thành công cùng thất bại. Nhưng sẽ không đề cập tới hình thức kinh doanh của họ.
Video Recorder:
Cuối thập niên 50, trong khi các đài phát thanh trên thế giới sử dụng băng video VTR do hãng Ampex chế tạo với kích cỡ đồ sộ do họ dùng công nghệ băng video rộng 2 inch, Sony đã lặng lẽ gia nhập vào nghiên cứu và sản xuất VTR cho riêng Nhật. Ban đầu họ vẫn dựa vào công nghệ băng video 2 inch của Ampex để chế tạo ra sản phẩm thử nghiệm video VTR đầu tiên tại Nhật năm 1958. Nhưng do sử dụng băng 2 inch nên chiếc máy VTR hoàn chỉnh vẫn mang kích thước đồ sộ. Năm 1961, Sony lại làm 1 cú sốc mới khi họ cho ra đời video VTR sử dụng transistor đầu tiên của thế giới, mã số SV-201 với kích cỡ nhỏ hơn nhiều so với máy thử nghiệm ban đầu. 4 năm sau, máy CV-2000 đánh dấu tên tuổi của Sony lên tầm cao mới khi họ thành công chế tạo ra VTR hoàn toàn dùng transistor đầu tiên trên thế giới sử dụng công nghệ băng video chỉ rộng 0,5 inch, và nhờ công nghệ 0,5 inch này mà CV-2000 cũng là máy video VTR đầu tiên dành cho người dùng phổ thông trong nhà.
SONY SV-201 SONY CV-2000
Năm 1975, sau khi rời khỏi dự án VHS của JVC, Sony tính làm cuộc cách mạng với Betamax khi họ cho ra đời máy VTR SL-6300 sử dụng công nghệ băng video này. Nhưng do đơn thân độc mã nên Betamax đã thất bại. Sony chính thức cho ra đời VTR sử dụng băng VHS đầu tiên của họ năm 1988, đánh dấu kết thúc cuộc chiến giữa Betamax và VHS. Sự thật sau này giới công nghệ trên thế giới mới công nhận chuẩn Betamax cho hình ảnh tốt hơn nhiều so với VHS, kích cỡ của Beta tape cũng nhỏ hơn so với VHS tape. Nhưng có lẽ giá cả là trở ngại quá lớn đối với người dùng thời đó.
SONY SL-6300
Năm 1993, Sony dẫn đầu trong dự án hợp tác với Philips, JVC và Panasonic làm ra chuẩn ghi hình mới là VCD nhằm thay thế cho VHS đang dần bão hòa. 2 năm sau, Sony lại cùng ekip này (Toshiba thay thế cho JVC) cho ra đời chuẩn DVD chất lượng hơn hẳn so với VCD. Năm 2000, lại cũng chính Sony là hãng khởi xướng dự án chuẩn Bluray Disc, với hãng hợp tác chính là Philips. Tháng 4 năm 2003, Sony giới thiệu đầu bluray BDZ-S77 đầu tiên trên thế giới tại Nhật, bắt đầu quá trình cạnh tranh với chuẩn HD-DVD của Toshiba. Lần này thần may mắn đã mỉm cười với Sony khi hiện tại số lượng Bluray bán ra đã vượt so với DVD trên toàn cầu.
SONY BDZ-S77
Television:
Năm 1966, khi tivi màu bắt đầu phổ biến bán thương mại tại nhiều nước trên thế giới, Sony đã chế tạo ra công nghệ Trinitron, giúp hiệu suất đèn hình tốt hơn và sáng hơn gấp hai lần so với công nghệ chuẩn lúc đó. Trước khi công nghệ Trinitron ra đời, Sony đã từng phát triển ra công nghệ Chromatron cho hình ảnh tốt hơn chuẩn shadow mask trên các tivi màu thời bấy giờ. Nhưng kinh phí cho 1 chiếc tivi Chromatron gần ¥400,000 trong khi họ niêm yết giá bán là ¥198,000, vậy là Chromatron bị lãng quên. Tháng 10 năm 1968, chiếc tivi KV-1310 đầu tiên sử dụng công nghệ Trinitron được bán ra. 1 năm sau Trinitron nằm trong phòng khách các gia đình khá giả tại Mỹ. Khoảng 2 năm sau đó người châu Âu mới biết đến công nghệ này khi Sony phải chỉnh hệ màu NTSC dùng cho Nhật và Mỹ sang hệ PAL cho chuẩn màu châu Âu.
SONY KV-1310
Năm 1973, Sony được Viện Hàn Lâm Hoa Kỳ trao tặng giải Emmy vì thành tựu Trinitron của họ. Đây là vinh dự bậc nhất cho ngành công nghiệp điện tử nghe nhìn, bởi Sony chính là hãng chế tạo tivi duy nhất nhận giải này cho thành tựu Trinitron của họ (hiện tại không biết có hãng nào nhận được Emmy Awards như Sony khi xưa hay không). Trinitron được Ibuka xem là sản phẩm tự hào nhất của Sony. Sau 26 năm bán Trinitron trên mọi lãnh thổ thế giới, Sony thông báo họ đã bán được 100 triệu máy vào năm 1994. Đây được coi là sản phẩm thành công xếp thứ ba và là sản phẩm vinh dự nhất của Sony. Đối với người Việt Nam thì câu slogan "Nét như Sony" thay thế cho câu slogan trong quảng cáo của họ "It's a Sony" để chỉ đến giai đoạn thống trị của Trinitron vào thời điểm này. Trinitron chỉ mất dần vị thế khi công nghệ LCD của Sharp bắt đầu dần phổ biến từ những năm cuối thập niên 90 trở về sau này.
Masaru Ibuka nhận giải Emmy
Sony cũng hiểu rõ cần thay thế Trinitron để có thể đối chọi lại với ông vua LCD Sharp đang dần lấy thị phần của họ. Họ phát triển ra màn hình phẳng mang tên Wega, vẫn dựa trên công nghệ Trinitron, nhưng kích cỡ thì vẫn quá cồng kềnh so với LCD của Sharp và 1 công nghệ mới là Plasma do Pioneer dẫn đầu phát triển. Wega đã trở thành kẻ bại trận cho dù Sony đã chuyển Wega sang LCD đầu tay của họ năm 2002. Năm 2005, Sony thay công nghệ mới của họ trên LCD là Bravia, họ cũng cho ra đời chiếc LCD Bravia KDL46-X1000 đầu tiên của dòng Bravia. Đây cũng là cái tên gắn liền với tivi Sony cho đến hiện tại.
SONY KDL-46X1000
Sau khi tham gia thị trường LCD, Sony muốn tìm 1 công nghệ mới nhằm tránh đụng độ với Sharp tại lĩnh vực này, họ chuyển sang nghiên cứu Oled song song với việc vẫn chú tâm vào LCD. Năm 2007 chúng ta lại được Sony giới thiệu chiếc tivi oled thương mại đầu tiên trên thế giới mang mã XEL-1 lớn 11 inch, dày 3mm. Tấm nền và công nghệ hoàn toàn do 1 mình Sony độc lập chế tạo ra. Thế là cái giá của nó cũng trên trời như bao sản phẩm trước đó do chính họ tự làm ra từ A tới Z, $2000 cho 1 tivi màn hình 11 inch. Khi nhìn tận mắt XEL-1 tại showroom của Sony, tôi chỉ có thể dùng 2 chữ "đáng tiếc" khi nói về nó. Đây được xem là sản phẩm nữa vời của Sony như chính cái tivi transistor đầu tiên của họ. Đối với tôi, chưa từng thấy qua màn hình nào rõ, đẹp, sắc nét như vậy (sau này cái 8K của Sharp nhìn sắc xảo hơn), nhưng với chỉ 11 inch, Sony tính làm cho ai xem? Những con khỉ trong sở thú chăng? Giá bán cũng không phải nguyên nhân chính, bởi họ có thể biến oled thành loại tivi cao cấp bên cạnh Bravia bình dân. Chính tỷ lệ 11 inch đã giết chết XEL-1. Tại thời điểm cuối năm 2007, nếu Sony bán ra tivi oled 26 inch hay 32 inch với giá dao động từ $3000-3500 thì có lẽ ngày nay Sony đã tạo ra 1 thị trường riêng cho dòng oled mà họ là người đứng đầu. Ai cũng biết sau gần 5 năm, LG và Samsung mới chính thức bán ra tivi oled phiên bảng tương đối lớn là 40 inch trong năm nay, mở đầu cho dòng tivi oled trên thế giới. Còn Sony, họ đã bỏ xó thành quả công nghệ do mình tạo ra cho người khác hưởng.
SONY XEL-1
Home Audio:
Đừng cho rằng Sony không mạnh về công nghệ âm thanh gia đình so với các hãng khác là 1 sai lầm lớn. Bởi sản phẩm thành công đầu tay của họ là tapecorder và tape recorder. Năm 1961, họ bán ra máy ghi âm tape recorder có ampli hoàn toàn sử dụng transistor đầu tiên tại Nhật. Năm 1965, Sony cho ra đời TA-1120, máy stereo integrated amplifier hoàn toàn bằng silicon transistor đầu tiên trên thế giới, mở ra 1 chương mới cho ngành âm nhạc và thu âm của thế giới. Năm 1973, chiếc máy cassette xách tay đầu tiên của Sony ra đời, đây cũng là lúc họ tạo ra 1 hiện tượng nghe băng cassette tại nhà. Thập niên 80,90 là thời điểm tại Sài Gòn đang có cơn sốt về thể loại nghe nhạc bằng băng cassette này. Các cửa hàng điện tử ở đường Huỳnh Thúc Kháng khi đó lâu lâu nhập về 1 dàn mini hifi của các nhãn hiệu như Sony, JVC, Kenwood thì dân tình mê âm nhạc lại hằng ngày bu tới nghe ké.
SONY TA-1120
Chắc ai cũng biết Sony chính là hãng tạo ra loại dĩa CD (compact disc) được sử dụng cho đến ngày nay (Philips chỉ là hãng giữa chừng nhảy vào hợp tác với Sony). Họ cũng là hãng bán ra đầu Compact Disc Player CDP-101 đầu tiên trên thế giới vào năm 1982. Sony đã mở ra kỹ nguyên digital audio sử dụng CD 12cm cho nền âm nhạc nhân loại cho đến tận ngày nay. Chưa dừng lại với âm thanh do CD tạo ra, Sony lại cho ra đời chuẩn mới cao cấp hơn là Super Audio CD, họ bán ra đầu SACD mã số SCD-1 đầu tiên trên thế giới năm 1999. Ngày nay chuẩn âm thanh này chỉ dành cho giới thượng lưu và chỉ những loại nhạc thính phòng, opera, classic mới bán ra loại SACD này. Chuẩn SACD tuy không quá phổ biến nhưng vẫn có chỗ đứng nhất định khi hầu hết các hãng sản xuất âm thanh hàng đầu thế giới đều hỗ trợ chuẩn này.
SONY CDP-101 SONY SCD-1
Personal Audio:
Năm 1979, chiếc cassette cầm tay nhỏ gọn được Sony đặt tên là Walkman đầu tiên trên thế giới đánh dấu thời kỳ vàng son của họ trong lĩnh vực này. 4 năm sau tức năm 1983, với khẩu hiệu "Hãy tạo ra máy cassette cầm tay nhỏ gọn như chính cái hộp băng cassette", Sony đã giới thiệu máy WM-20 đầu tiên trên thế giới với kích cỡ gần như bằng đúng với cái hộp băng cassette. Ngay lập tức hầu như mọi hãng điện tử lớn nhỏ trên thế giới đều dựa vào mẫu mã này của Sony mà tự sản xuất cho sản phẩm riêng mình (Sony đã quá dễ dãi trong việc sao chép này, đây cũng là 1 trong số các nguyên do thất bại trong kinh doanh của các hãng Nhật sẽ được đề cập trong phần cuối).
SONY Walkman SONY WM-20
Hai năm sau khi chiếc compact disc player ra đời, Sony lại khiến mọi người bỡ ngỡ khi họ lại bán ra CD potable (CD Walkman) đầu tiên trên thế giới nhỏ trong tầm tay, kích cỡ vừa đúng với bốn vỏ CD nhập lại. Năm 1999, để kỷ niệm 15 năm ra đời của CD Walkman, Sony thiết kế lại mẫu mã CD Walkman D-E01 theo dạng hình tròn, sử dụng công nghệ chống sốc G-Protection nổi tiếng của họ cùng độ mỏng hơn phân nữa khi họ chuyển sang dùng Ni-MH battery dẹt. Và cũng giống với Walkman, các hãng khác cũng lần lượt ra các CD portable sau này với thiết kế không thể khác hơn mẫu D-E01.
SONY D-50 SONY D-E01
Năm 1992, Sony lại bắt người dùng phải thán phục trước sức sáng tạo của họ khi cho ra lò máy MD Walkman đầu tiên trên thế giới. Nếu nói về công nghệ cùng chất lượng âm thanh thì Walkman và CD Walkman thua xa MD Walkman. Chuẩn âm thanh ghi trong MD-disc gần như tuyệt đối so với CD gốc, còn đầu đọc MD lại có những công nghệ âm thanh mà trên Walkman hay trên CD Walkman không thể tạo ra. Ngay lúc đầu thì đây là sản phẩm bán rất chạy, nhưng sau đó người dùng nhận ra sự bất tiện của nó, chính là việc MD-disc chỉ sử dụng cho đầu đọc chuyên môn, không thể dùng như CD hay Cassette có thể dùng rộng rãi trên mọi thiết bị. Điều gây khó hiểu là trên các khay chứa dĩa CD của đầu đọc đều hỗ trợ chuẩn 80 mm của Sony trước đó, nhưng MD lại là 64 mm và phải được bỏ vào hộp riêng, khiến chuẩn này hoàn toàn không có chỗ đứng trên thị trường. Tuy nhiên, MD vẫn được ưa chuộng tại Nhật cho tới tận năm 2004 khi chiếc Hi-MD ra đời với kỹ thuật âm thanh thuộc loại tốt nhất của Sony cho dòng Walkman, thì người ta nhận ra rằng thời đại MD bắt đầu kết thúc khi những chiếc ipod classic nhỏ gọn hơn, chứa nhiều bản nhạc hơn bắt đầu được đón nhận tại thị trường này.
SONY MZ-1 SONY MZ-NH1
Các lĩnh vực khác:
Có thể nói ở Sony rất đặc biệt, họ tham gia vào sản phẩm điện tử nào thì gần như chắc chắn họ sẽ thành công, trừ lần tham gia sản xuất robot (đây cũng chưa hẳn là thất bại của Sony khi thời gian đầu Aibo là sản phẩm bán rất chạy, hầu như chỉ có thể đặt trước hoặc có người quen trong Sony mới có thể mua được). Lĩnh vực máy quay video Handycam, máy chơi game Playstation lừng danh, máy ảnh digital, âm nhạc, điện ảnh, dòng máy tính Vaio nổi tiếng, mobile (hiện tại vẫn chưa gọi là thất bại của Sony) đều có những sản phẩm giúp Sony nhanh chóng chen chân vào có chỗ đứng tại lĩnh vực đó. Ngay cả với lĩnh vực computer, họ cũng tạo dấu ấn khi là hãng đầu tiên phát minh ra chuẩn dĩa 3.5 floppy cho pc, chuẩn này nhanh chóng đánh bại chuẩn 5.5 inch do IBM chế tạo ra, 3.5 floppy được sử dụng cho đến khi chính Sony thay thế bằng CD do họ phát minh ra.
=> Sony đối với người Nhật là một di sản không thể thay thế (tinh thần chứ không phải sản phẩm). Sẽ không người Nhật am hiểu công nghiệp điện tử nào nói "không" khi nghe bạn nói "Sony chính là công ty lèo lái cho cả nền công nghiệp điện tử Nhật Bản vươn ra khắp thế giới với những sản phẩm nổi tiếng là chất lượng, cao cấp". Có thể dễ dàng nhận ra điều này trong các dòng sản phẩm thất bại trong kinh doanh của họ, đó đều là các công nghệ quá mới, đều trước thế giới. Dòng sản phẩm Qualia với các chất liệu hoàn toàn được làm bằng tay( mỗi sản phẩm của Qualia chế tạo thành công thì Sony cũng múi mặt với trên 85% tỷ lệ thất bại, bí mật này được một kỹ sư phụ trách sản xuất giấu tên tiết lộ ra ngoài) được xem là những món nghệ thuật do Sony tạo ra cho các fan của họ. Đối với ai đã sở hữu qua một sản phẩm của Qualia luôn cho rằng đây không phải thất bại của Sony, ít nhất về công nghệ, chẳng qua do họ tạo ra các công nghệ quá mới so với mặt bằng chung nên không ai hưởng ứng. Ngoài ra do quá tốn kém để chế tạo, giá bán đối với người dùng bình thường quá mắc nhưng đối với Sony lại lỗ nặng, nên chỉ có hai nơi là Nhật (2003-2005) và Mỹ (2004-2006) trong vòng vỏn vẹn hai năm bán ra là ngừng sản xuất. Hiện tại có thể Sony đang lạc lối trong kinh doanh, nhưng đối với Sony của Ibuka và Morita, "đây không phải là công ty được tạo ra nhằm mục đích duy nhất là kinh doanh, Sony được tạo ra nhằm giúp Nhật Bản tái thiết đất nước, giúp thế giới biết tới tại châu Á có một đất nước mà có thể tạo ra các sản phẩm xuất sắc nhất, tiên tiến nhất dành cho mọi người".
=> Nếu bạn nhìn vào thế kỷ 21 khi Apple là hãng đang dẫn dắt mọi người theo các xu hướng mà họ định ra, thì hãy nhìn lại Sony, bạn sẽ đồng ý với tôi rằng đây là hãng dẫn dắt xu hướng cho thế giới điện tử đi theo họ trong 3 thập kỷ cuối của thế kỷ 20, như cái cách hiện tại Apple đang làm.
Morita (trái) và Ibuka (phải)
Phần II về Sony xin kết thúc tại đây. Phần tiếp theo sẽ nói đến công nghiệp ô tô, xe máy, camera cùng một số công nghệ vô địch thủ trong sinh hoạt của Nhật. Phần III có lẽ sẽ cần một ít thời gian khi tôi phải trở lại làm việc bình thường.