Diên Hy Công Lược bản Việt – Phượng Khấu: Bom tấn 16 tỷ như “gáo nước lạnh” dội vào mặt người xem
Một dự án phim “thuần Việt”
Phượng Khấu là một dự án được đầu tư kỹ lưỡng từ khâu tiền kì. Mọi yếu tố liên quan đến hình ảnh của bộ phim đều được chăm chút kĩ càng, từ phục trang cho tới bối cảnh. Tất cả đều được chuẩn bị để bộ phim “lên hình” một cách chỉn chu, mang đậm bản sắc Việt nhất.
Teaser Phượng Khấu
Hơn 400 bộ phục trang của triều Nguyễn đã được chuẩn bị. Bối cảnh của bộ phim cũng được kết hợp giữa khung cảnh khu quần thể di tích cố đô Huế với với nội cảnh được quay tại Long An và các đại cảnh được dàn dựng bằng CGI.
Đại cảnh dựng bằng CGI
Vì sự “chơi lớn" này, mà kinh phí đầu tư cho 10 tập đầu phim Phượng Khấu đã lên đến con số 16 tỷ đồng. Các nhân vật khoác lên người những bộ trang phục cầu kì, rực rỡ, được thêu thùa tinh xảo đến từng mũi chỉ đường kim. Phần bối cảnh cũng đầy tính thuyết phục khi đã cho thấy được những hình ảnh xa hoa của cuộc sống quyền quý chốn kinh kì.
Trang phục của các nhân vật trong dịp hiệp hội phi tần gặp mặt
Phim được xây dựng lấy chất liệu từ các nhân vật và sự kiện có thật xảy ra trong nội bộ triều đình nhà Nguyễn giai đoạn chuyển giao từ đời vua Minh Mạng sang đời vua Thiệu Trị. Phim xoay quanh những biến cố trong cuộc đời của Phạm Hiệu Nguyệt (lấy nguyên mẫu là Hoàng hậu Từ Dụ), một phi tần được sủng ái của Hoàng tử Miên Tông (lấy nguyên mẫu là Hoàng đế Thiệu Trị).
Đảm nhận những vai diễn “nặng kí” này cũng là dàn diễn viên dạn dày kinh nghiệm diễn xuất như NSƯT Lê Thiện (vai Hoàng thái hậu), NSƯT Thành Lộc (vai Hoàng tử Miên Tông), NSND Hồng Vân (vai Phương Nhậm)...
Tuy nhiên, mọi thứ bên trên chỉ là “bề nổi” – những gì mà bộ phim quảng bá trước khi ra mắt. Còn trên thực tế, Phượng Khấu cách khá xa tiêu chuẩn của một bộ phim hấp dẫn.
Dập tắt sự hào hứng của khán giả ngay từ phút đầu tiên
Hiệu Nguyệt bị trách tội vì cứu con
Tập đầu của bộ phim Phượng Khấu với loạt tình tiết: trong một đêm mưa bão, Phạm Hiệu Nguyệt (Hồng Đào) tuyệt vọng bế đứa con đang ốm thập tử nhất sinh của mình đi tìm thái y chữa trị. Bà bị ngăn cản bởi một toán lính canh, và chính Hoàng tử Miên Tông phu quân của mình. Khán giả cũng nhanh chóng được ngầm chỉ rằng, bi kịch này có sự nhúng tay của Phương Nhậm – một phi tần khác của Miên Tông.
Phân đoạn mở đầu mới nghe thì có vẻ giật gân, hoá ra lại phản tác dụng khi tiết lộ quá sớm với khán giả những điểm thú vị nhất của bộ phim: Ai thuộc phe thiện ai về phe ác, tại sao nhân vật chính lâm vào tình cảnh éo le…
Chưa kể, việc bắt đầu thuật lại sự việc từ cao trào của nó còn khiến cho tình huống cứu con của Hiệu Nguyệt trở nên khó hiểu trong mắt khán giả. Tại sao một người mẹ cứu con lại khiến bố của nó giận giữ? Tại sao đứa bé còn ẵm ngửa như vậy lại bị tách ra trông nuôi ở một nơi xa lìa hoàn toàn mẹ nó? Bộ phim dường như cũng không bận tâm việc phải quay lại làm rõ chi tiết này.
Dàn nhân vật chưa đồng đều
Hiệu Nguyệt đau khổ vì mất con
Cách xây dựng nhân vật của Phượng Khấu được xem là một màu, không táo bạo. Ngoài các nhân vật chính như Phương Nhậm và Hiệu Nguyệt thì các nhân vật khác dường như được xây dựng khá mờ nhạt.
Lời thoại nhân vật chưa được chăm chút kĩ lưỡng
Sự phân chia thiếu đồng đều giữa các nhân vật còn thể hiện ở việc biên kịch cho nhân vật của mình nói những gì. Ngoài điểm mạnh về việc sử dụng hệ thống xưng hô thuần Việt, thì lời thoại của các nhân vật phụ trong phim, về cơ bản đều quá dài dòng và thiếu tự nhiên.
Lời thoại dài dòng, sến súa khiến diễn viên khó tập trung thể hiện
Điển hình là nhân vật Nguyễn Phước Hồng Bảo của Trịnh Tú Trung. Trong cảnh phim Hồng Bảo gặp Phương Nhậm để tặng bà cây trâm, lời thoại của nhân vật này nghe như thể nó được trích ra từ một đoạn văn.
Việc viết ra những câu thoại quá rườm rà khiến cho lời nói của nhân vật mất đi nhịp điệu và trở nên gượng gạo. Bởi khi sự tập trung của diễn viên phải đặt hết vào việc nhớ trọn vẹn lời thoại, thì họ làm sao có thể nhập tâm vào nhân vật.
Chưa mang dáng dấp của một bộ phim thực thụ
Các bối cảnh trong Phượng Khấu đều được thiết kế và dàn dựng một cách đẹp đẽ, chỉn chu. Nhưng số lượng bối cảnh trong phim lại hết sức nghèo nàn, và từng không gian cũng không mang các đặc điểm riêng dễ phân biệt. Góc quay được sử dụng trong phim đơn điệu, bị hạn chế bởi sự thiếu thốn không gian nên khiến không khí bộ phim trở nên tù túng.
Cảnh Hiệu Nguyệt đi viếng mộ con
Cách dựng các đoạn chuyển cảnh của phim cũng bị giật cục, thiếu mượt mà. Nó khiến bộ phim trở thành các tình huống xếp cạnh nhau thay vì một bộ phim với các tình tiết diễn ra theo một nhịp điệu nhìn thấy được. Cùng với lối thoại dài dòng, các yếu tố này kết hợp với nhau khiến Phượng Khấu trông giống với một vở kịch truyền hình, hoặc một sitcom cổ trang hơn là một bộ phim truyền hình thực thụ.
Có 18 đời vua Hùng, vậy 10/3 là giỗ vị vua nào?
(Techz.vn) - 10/3 là lễ hội Đền Hùng hay còn gọi là Quốc giỗ của dân tộc Việt Nam. Hằng năm đến ngày này, người người nô nức hướng về Đền Hùng thắp hương để tưởng nhớ về cội nguồn dân tộc. Nhưng cụ thể là giỗ ai, chưa chắc đã có nhiều người biết.