Câu hỏi “Bạn thường sử dụng công cụ nào để tìm kiếm trên Internet?”, “Đâu là ông “vua tìm kiếm” trên Internet?” Câu trả lời hầu hết sẽ là Google. Tập đoàn có trụ sở tại Moutain view chiếm tới 80% thị phần tìm kiếm trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, người dùng thường sử dụng Google là một từ để ám chỉ thao tác tìm kiếm khi trao đổi thông tin. Rõ ràng, mức độ phổ biến, tầm ảnh hưởng của Gã khổng lồ tìm kiếm đã bao phủ toàn bộ bề mặt trái đất và trong tâm trí người dùng toàn cầu.
Tuy nhiên, để đạt được điều đó, Google đã phải vượt qua rất nhiều đối thủ bởi thị trường tìm kiếm vốn rất màu mỡ và ai cũng muốn dành thị phần về phía mình. Hãy cùng điểm qua những đối thủ cạnh tranh với Gã khổng lồ Google và số phận của họ.
Microsoft Bing
Công cụ tìm kiếm của Microsoft được ra mắt chính thức vào năm 2005 và đã trải qua lần lượt những cái tên như "MSN Search" rồi "Windows Live Search", công cụ tìm kiếm của Microsoft cuối cùng được đổi tên thành "Bing" vào năm 2009. Cho đến nay, sau 10 năm hình thành và phát triển, công cụ tìm kiếm Bing đã đạt được nhiều thành công nhất định.
Theo số liệu của Comscore, Bing hiện có tới 30% thị phần tại Mỹ nếu tính cả các site từ Yahoo và 20% nếu tính riêng Microsoft. Trên toàn thế giới, Bing chiếm khoảng 4% và khi kết hợp với Yahoo, con số này đạt 8%. Cũng trong 10 năm qua, Bing đã tiêu tốn hàng tỷ USD của Microsoftkhi xay dựng một trung tâm dữ liệu khổng lồ với khả năng phân tích hàng tỷ trang web và truy vấn tím kiếm cho ra kết quả với đốc độ đạt mức mili giây.
DuckDuckGo
Một cái tên khá xa lạ với nhiều người dùng Internet Việt Nam đó chính là DuckDuckGo. Trên thực tế, công cụ tìm kiếm này được trình làng với tham vọng lật đổ Google với điểm nổi bật là không theo dõi người dùng bất kỳ hình thức nào (gần giống với chế độ ẩn danh trên Google Chrome).
DuckDuckGo sử dụng tài nguyên từ các nguồn khác nhau như Bing, Wikipedia và Woldfram Alpha rồi hiển thị những kết quả tìm kiếm giống nhau tới tất cả người dùng trên toàn cầu. DuckDuckGo cũng sẽ không lưu lại toàn bộ thông tin như địa chỉ IP, Cookie… của người dùng. Cho dù ra mắt đã lâu, song, cho đến nay, công cụ tìm kiếm này chỉ đạt 9 triệu lượt truy vấn trong một ngày, con số mà Google đạt trong vòng vỏn vẹn có 3 phút 45 giây.
Blekko
Một nhóm 6 thành viên với nguồn tài trợ chỉ khoảng 2 triệu USD với mục tiêu thành lập một công cụ tìm kiếm cạnh tranh với Google - thường thì những tin tức như vậy không mấy ai quan tâm, nhưng trường hợp của Blekko thì khác, bởi người sáng lập nó là Rich Skrenta - cha đẻ virus máy tính đầu tiên (Elk Cloner) và đồng sáng lập trang web Open Directory Project nổi tiếng. Blekko hứa hẹn sẽ đem lại khả năng tìm kiếm tốt hơn so với Google, song, cho đến nay, công cụ này chưa thu được một thành tựu đáng kể nào trên thị trường.
Hiện tại, Blekko đã không còn hoạt động và dấu ấn duy nhất mà công cụ này để lại là thương vụ bán mình cho IBM vào hồi tháng 3 vừa qua.
Wolfram Alpha
Ra mắt năm 2009, cách thức hoạt động của Wolfram Alpha cũng tương tự Blekko: lấy thông tin từ các nguồn có độ tin cậy cao, như Wikipedia. Nó còn có thể trả lời trực tiếp các câu hỏi toán học cũng như nhiều loại câu hỏi khác rất tiện lợi. Wolfram Alpha không dẫn người dùng vào các trang web để tìm câu trả lời, mà cung cấp lời giải ngay trên trang web của nó.
Hiện nay, Bing và Apple Siri đều tích hợp công cụ tìm kiếm của Wolfram Alpha, và bản thân công cụ này cũng đang mở rộng quy mô hoạt động bằng cách cung cấp các công cụ phân tích cho Facebook. Tuy nhiên, về cơ bản đây cũng chỉ là những mảng nhỏ của thị trường tìm kiếm, không thể so sánh với Google về mặt quy mô.
Yahoo
Nếu được đặt tên, xin phép gọi Yahoo là “anh chàng dũng cảm”. Trong các doanh nghiệm đã, đang và sẽ trở thành đối thủ của Google, Yahoo thực sự là một đại diện đáng để lưu tâm. Những cố gắng trong giai đoạn thoái trào và đặc biệt là thời điểm cuối năm 2014, đầu năm 2015 vừa qua, Yahoo xứng đáng nhận được những lời khen ngợi. Việc Google sụt giảm thị phần rất lớn trong giai đoạn vừa qua cũng nhờ có sự tiếp tay của Yahoo.
Năm 2009, Yahoo quyết định thuê ngoài (outsource) kết quả tìm kiếm và quảng cáo tìm kiếm của Microsoft. Gần đây, hai công ty vừa ký kết một thỏa thuận mới mà theo đó, Yahoo sẽ chỉ còn phụ thuộc vào Microsoft cho khoảng 51% kết quả tìm kiếm, thay vì 100% như trước. Yahoo có thể thuê ngoài 49% còn lại của Google, công ty mà CEO Marissa Mayer của Yahoo trước đây từng là lãnh đạo hàng cấp cao. Tuy nhiên, người ta nghĩ tới khả năng Yahoo sẽ cạnh tranh trực tiếp với Google hơn là hợp tác. "Chúng tôi sẽ có một thuật toán tốt hơn" - Mayer cho biết.
Tính đến tháng 2/2015, thị phần tìm kiếm của Yahoo đứng thứ ba tại Mỹ - xét về số lượng truy vấn tìm kiếm - với 12,8%. Tính trên toàn thế giới, thị phần của Yahoo là không đáng kể so với Google. Hy vọng, trong thời gian tới, Yahoo sẽ tiếp tục đạt được những thành công và hợp tác chặt chẽ với Mozilla Firefox để cạnh tranh sòng phẳng, toàn diện hơn với Google.