Doanh nghiệp

Đến VN từ đầu, thế nhưng vì lý do này mà Uber mất vị trí số 1 về tay Grab

Cùng có mặt tại Việt Nam kể từ thời điểm năm 2014, thế nhưng số phận của Grab và Uber lại đi theo 2 ngã rẽ khác hẳn nhau. Grab thì đang ngày càng phát triển một cách rầm rộ và nhận được sự hỗ trợ tối đa từ cơ quan quản lý, trong khi đó Uber vẫn cứ mải loay hoay với bài toán cấp phép.

Ở thời điểm đầu tiên, Uber chính là người tiên phong cho dịch vụ gọi xe ở thị trường Việt Nam. Không phải ai khác mà chính hãng này mới góp phần tạo nên định nghĩa mới về một dịch vụ gọi xe qua điện thoại di động. Để rồi sau đó khiến người Việt dần trở nên quen thuộc với hình thức gọi xe tiện ích này.

Người Việt có thói quen biến những danh từ riêng phổ biến trở thành danh từ chung để lấy làm tên gọi cho các khái niệm chưa từng xuất hiện. Chính vì thế người ta mới gọi Honda là xe máy, TV nét như Sony… và Uber gần như cũng ở một vai trò tương tự khi nhắc đến Uber là nghĩ tới dịch vụ gọi xe giá rẻ.

Cũng chính bởi sự tiên phong của mình mà Uber chứ không phải bất kỳ một dịch vụ gọi xe nào khác bị giới vận tải truyền thống gọi thẳng đích danh và xem như đối thủ. Doanh nghiệp này cũng chính là nguồn cơn khiến các chính phủ phải bổ sung và sửa đổi luật pháp cho phù hợp hơn với sự phát triẻn của công nghệ và thị trường.

Thế nhưng lượng xe Uber giờ đây ít đến nỗi Grab rất tự tin tuyên bố đứng số 1 về ứng dụng đặt xe trên di động. Đây là một thực tế đau lòng đối với Uber, nhất là khi ngày càng xuất hiện nhiều hơn màu xanh của Grab trên đường phố. Trong khi đó với Uber, doanh nghiệp này lại rất chìm và gần như mất hút. Vậy đâu là lý do của sự vượt trội và chiếm lĩnh thị trường này.

Grab thích nghi tốt hơn hẳn Uber

Uber chính là người tạo ra khái niệm gọi xe trên di động, thế nhưng chính Grab mới là doanh nghiệp biến điều đó trở thành phổ biến. Điều này là bởi sự khác biệt về mặt định hướng giữa Grab và Uber. Ngay từ ban đầu, Uber thiên về dịch vụ ô tô cá nhân, giúp người dùng có cảm giác chiếc xe đó là của riêng họ thay vì đi taxi như truyền thống.

Đối với Grab, họ nhanh chóng cho ra đời dịch vụ GrabBike nhằm thay thế cho xe ôm truyền thống. Thực tế đã cho thấy sự lựa chọn của Grab là chính xách khi mà với một thị trường có mật độ giao thông dày đặc như Việt Nam, xe máy mới là phương tiện thuận lợi nhất trong giờ cao điểm. Và như những gì ta đã thấy, Grab chính là kẻ dẫn đầu thị trường ở phân khúc dịch vụ gọi xe này.

Một điểm khác biệt nữa của Grab là ngay từ đầu, họ đã có cho khách hàng một lựa chọn thanh toán khác là trả bằng tiền mặt. Rõ ràng, dù hình thức thanh toán qua tài khoản đã ngày một phổ biến hơn, việc trả bằng tiền mặt vẫn là hình thức thanh toán được nhiều người Việt Nam sử dụng nhất.

Với Uber, phải mãi về sau, khi việc thanh toán bằng tiền mặt và dịch vụ xe ôm GrabBike tỏ ra có hiệu quả, họ mới từng bước thay đổi cách tiếp cận thị trường của mình với Uber Moto. Và đến lúc này thì người ta đã quen dần với việc sử dụng Grab và hệ thống của họ đã dần đi vào ổn định.

Pháp lý, thứ vũ khí Uber không bao giờ bằng Grab

Kém linh hoạt hơn hẳn Grab trên thị trường, Uber cũng tái diễn tình trạng tương tự ở một chiếc trường khác. Đó là trên mặt trận pháp lý. Ở thời điểm này, Grab vẫn là ứng dụng gọi xe nước ngoài duy nhất hoạt động đường đường chính chính ở Việt Nam. Với Uber, dù nhiều kiến nghị đã được doanh nghiệp này gửi đi, họ vẫn bị các cơ quan quản lý lắc đầu từ chối.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Nguyễn Hồng Trường từng chia sẻ khác biệt khiến Grab được chấp thuận đề án là do đơn vị này sử dụng xe có biển hiệu, biển số, đã đóng thuế, và có pháp nhân tại Việt Nam. Grab đã nghiên cứu rất kỹ thị trường Việt Nam và hoàn thiện tính pháp lý của mình nhanh hơn hẳn đối thủ. Trong khi đó, Uber vẫn nhất quyết không chịu thành lập công ty tại Việt Nam.

Những nguyên tắc cứng nhắc và sự bảo thủ đã trói chân Uber tại thị trường Việt Nam. Còn với Grab, doanh nghiệp này đang biến thị trường gọi xe di động tại Việt Nam trở thành sân chơi của riêng mình. 

 

Ứng dụng gọi xe VN nhận đầu tư 1 tỷ USD, cạnh tranh Uber, Grab

(Techz.vn) Sự xuất hiện của ứng dụng gọi xe FaceCar với số tiền cam kết đầu tư lên tới 1 tỷ USD khiến nhiều người thực sự cảm thấy sốc.